Thứ năm, 18/04/2024 | 13:12 - GMT+7

Đà Nẵng: Đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu công nghiệp hỗ trợ khu công nghệ cao

Với việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung Khu công nghiệp hỗ trợ Khu công nghệ cao Đà Nẵng vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp Đà Nẵng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy lĩnh vực này phát triển, giải quyết cùng lúc nhiều bài toán mà các nhà đầu tư đặt ra cho Đà Nẵng khi tìm hiểu đầu tư vào thành phố.

25/02/2021 - 09:28
Đà Nẵng chính thức có khu công nghiệp hỗ trợ
Chiều ngày 23/2, UBND TP. Đà Nẵng đã trao chủ trương điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn TP. Đà Nẵng của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 158/TTg-CN ngày 4/2/2021 cho Ban quản lý Khu công nghệ cao (CNC) và các KCN Đà Nẵng.
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung khu CNHT khu CNC vào quy hoạch các khu CNC trên địa bàn TP. Đà Nẵng (Ảnh: bản đồ quy hoạch chung khu CNC Đà Nẵng)
Theo quyết định điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn TP. Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ đã điều chỉnh giảm diện tích KCN Hòa Nhơn (xã Hòa Nhơn, Hòa Vang, Đà Nẵng) từ 393,57ha xuống còn 360,59ha. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh diện tích các KCN Hòa Cầm, KCN Hòa Kinh, KCN Hòa Cầm - Giai đoạn 2 thuộc thẩm quyền của UBND TP. Đà Nẵng và thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 điều 11, Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ về quản lý KCN, khu kinh tế.
Đặc biệt, dựa trên đề xuất của UBND TP. Đà Nẵng và đề nghị của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung Khu công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Khu CNC Đà Nẵng với quy mô diện tích 58,531ha vào quy hoạch phát triển các KCN.
Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng - ông Hồ Kỳ Minh - cho biết, việc phê duyệt đề án là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cơ sở để triển khai công tác lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật các KCN mới (Hòa Cầm - giai đoạn 2, Hòa Ninh và Hòa Nhơn) và hoàn thành việc chuyển đổi Khu phụ trợ dự án Khu CNC Đà Nẵng thành Khu CNHT Khu CNC Đà Nẵng.
Cũng theo ông Hồ Kỳ Minh, định hướng phát triển kinh tế Đà Nẵng trong năm 2021 và những năm tiếp theo sẽ tập trung vào phát triển công nghiệp CNC, công nghệ thông tin và CNHT.
Như vậy, với quyết định của Thủ tướng Chính phủ, TP. Đà Nẵng đã chính thức có khu CNHT, tạo ra không gian cho CNHT phát triển tập trung. Là cơ sở, tiền đề quan trọng cho việc hình thành doanh nghiệp vệ tinh cung cấp linh kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp khu CNC Đà Nẵng; thúc đẩy CNHT Đà Nẵng đi lên sau nhiều năm chậm phát triển.
Việc Đà Nẵng có khu CNHT sẽ mở đường để thành phố thu hút những doanh nghiệp CNHT chất lượng, làm vệ tinh cho các doanh nghiệp trong khu CNC Đà Nẵng
Giải quyết nhiều bài toán, “mở đường” thu hút doanh nghiệp vệ tinh chất lượng
CNHT được TP. Đà Nẵng xác định là một trong 3 lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn của thành phố ưu tiên phát triển trong thời gian qua và sắp tới. Tuy nhiên, sự phát triển của lĩnh vực này vẫn chưa được như kỳ vọng.
Theo Sở Công Thương Đà Nẵng, tính đến hết năm 2020, TP. Đà Nẵng mới chỉ có khoảng gần 120 doanh nghiệp CNHT, chiếm 6,3% tổng số doanh nghiệp công nghiệp. Phần lớn các doanh nghiệp CNHT đều ở quy mô nhỏ, siêu nhỏ, hoạt động manh mún, sản phẩm chưa có sức cạnh tranh, chưa có hàm lượng giá trị gia tăng cao, mới có rất ít đơn vị (như Công ty CP Cao su Đà Nẵng, Công ty Huỳnh Đức) cung ứng được sản phẩm CNHT cho các đơn vị, tập đoàn sản xuất toàn cầu. Dù tỷ trọng doanh nghiệp ít, quy mô nhỏ, tuy nhiên, CNHT vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong giá trị tăng thêm của toàn ngành công nghiệp Đà Nẵng, ước khoảng 20%.
Một trong những lý do quan trọng khiến CNHT tại Đà Nẵng chưa có sự bứt phá đó là thiếu mặt bằng sản xuất, chưa thực sự có điều kiện để doanh nghiệp CNHT phát triển trở thành vệ tinh cho doanh nghiệp sản xuất, nhất là doanh nghiệp CNC. Điều này đã được nhiều nhà đầu tư đề cập tại các chương trình tọa đàm, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do chính quyền TP. Đà Nẵng tổ chức.
Vì vậy, với việc Khu CNHT được hình thành, đặt trong Khu CNC Đà Nẵng, sẽ giải quyết cùng lúc bài toán về mặt bằng cho những doanh nghiệp CNHT mong muốn đầu tư vào Đà Nẵng và giải quyết bài toán hình thành doanh nghiệp vệ tinh cho doanh nghiệp công nghiệp CNC tại Khu CNC Đà Nẵng.
Theo ông Phạm Trường Sơn - Trưởng Ban quản lý Khu CNC và các KCN Đà Nẵng, với việc hình thành khu CNHT khu CNC Đà Nẵng sẽ tạo động lực thu hút, đẩy mạnh phát triển ngành CNHT của TP. Đà Nẵng, góp phần triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị, các nghị quyết, chương trình mục tiêu của Thành ủy Đà Nẵng về phát triển công nghiệp, công nghiệp CNC, CNHT trên địa bàn thành phố.
“Ban quản lý khu CNC và các KCN Đà Nẵng cam kết đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng khu CNHT khu KCN sớm đưa vào khai thác, cung cấp quỹ đất cho các nhà đầu tư; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư tìm hiểu nghiên cứu, mở rộng, đầu tư, sản xuất”, ông Sơn nói.
Ngoài ra, như ông Hồ Kỳ Minh thừa nhận “CNHT Đà Nẵng chưa phát triển, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; việc quan tâm đầu tư cho phát triển CNHT chưa tương xứng nên số lượng doanh nghiệp của thành phố tham gia vào chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài rất ít”, thì với việc thành lập Khu CNHT khu CNC sẽ mở đường cho TP. Đà Nẵng “có thể lôi kéo được nhiều doanh nghiệp vệ tinh, tăng tính kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tốt hơn” cùng với việc Đà Nẵng ban hành nghị quyết về phát triển CNHT sẽ là tiền đề thuận lợi để Đà Nẵng thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 30/10/2020 của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển CNHT trên địa bàn TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 30/10/2020 của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển CNHT trên địa bàn TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, TP. Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025, giá trị CNHT sẽ chiếm khoảng 30% giá trị tăng thêm của toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo Đà Nẵng, đến năm 2030 sẽ có hơn 300 doanh nghiệp CNHT, ít nhất 15% doanh nghiệp trong nước đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh; giá trị CNHT chiếm khoảng 40% giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Theo: Báo Công Thương

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 1
  • 7
  • 1
  • 7
  • 8
  • 9