Trong giai đoạn 2020- 2025, tỉnh Hải Dương xác định công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ là trụ cột quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế địa phương.
Theo Quy hoạch tổng thể các khu công nghiệp đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt, Hải Dương có 18 khu công nghiệp (KCN), với diện tích hơn 3.500 ha. Hiện nay, tỉnh Hải Dương đã có 14 KCN được thành lập (bao gồm cả KCN mở rộng), với tổng diện tích theo quy hoạch chi tiết xây dựng được phê duyệt là 2.567,33 ha.
Trong 14 KCN, có 11 KCN đã hoàn thành xây dựng hạ tầng và đang hoạt động. Tỷ lệ lấp đầy bình quân các KCN đạt khoảng 82% trên diện tích đất công nghiệp được bàn giao; suất đầu tư đạt trên 6 triệu USD/ha đất công nghiệp; thu hút 12 dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng với tổng vốn đầu tư đăng ký 9.120 tỷ đồng.
Xưởng BODY (thân xe) tại Công ty TNHH Ford Việt Nam
Đầu năm 2021, tỉnh Hải Dương đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thành lập thêm 4 KCN (bao gồm cả KCN mở rộng) và tiếp tục triển khai 2 KCN đã thành lập với tổng diện tích quy hoạch khoảng 1.097 ha, nâng tổng diện tích quy hoạch chi tiết KCN trên địa bàn tỉnh là 2.567 ha. Các KCN này đều định hướng thu hút những nhà đầu tư có năng lực, các dự án có vốn lớn với những ngành công nghiệp tiên tiến, công nghệ hiện đại, công nghiệp sinh thái, hạn chế tác động, ảnh hưởng đến môi trường nhằm tạo tiền đề xây dựng nền công nghiệp tuần hoàn - công nghiệp hiện đại - công nghiệp xanh.
Trong gần 300 dự án đang được thực hiện đầu tư tại các KCN của Hải Dương, có tới 252 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 5 tỷ USD. Hải Dương đã thu hút các nhà đầu tư, các tập đoàn lớn của trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ như Brother, Sumidenso của Nhật Bản, hay Kefiko của Hàn Quốc...
Ông Lê Hồng Diên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Hải Dương đã và đang tập trung đẩy mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ. Không chỉ sản xuất và cung cấp linh kiện, phụ tùng cho các doanh nghiệp trong nước, mà đã bước đầu tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, trở thành một mắt xích trong sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia.
Hiện, ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ của tỉnh đã đạt được một số bước tiến cả về chất và lượng, góp phần tích cực đối với phát triển công nghiệp chung của tỉnh. Đặc biệt, công nghiệp hỗ trợ của tỉnh đã hình thành khá rõ nét trong 3 lĩnh vực cơ khí chế tạo, điện - điện tử, dệt may - da giày. Các sản phẩm tương đối đa dạng, phong phú, đa số đạt tăng trưởng cao. Toàn tỉnh hiện có 130 dự án lớn sản xuất công nghiệp hỗ trợ trên các lĩnh vực.
Số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Đặc biệt, ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô mới chỉ đáp ứng tỷ lệ nội địa hóa đạt khoảng 5-10%. Trong ngành điện - điện tử, tỷ lệ nội địa hoá được chừng 20-40%. Hiện nay, toàn tỉnh có 10 khu công nghiệp được đầu tư hạ tầng đồng bộ, 38 cụm công nghiệp được thành lập. Trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh lập quy hoạch và kêu gọi đầu tư hạ tầng từ 3-5 khu công nghiệp, 10-15 cụm công nghiệp mới, với diện tích khoảng 2.000 ha và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ để thu hút đầu tư.
Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 14.000 doanh nghiệp đăng ký sản xuất, kinh doanh, trong đó có khoảng 450 dự án FDI. Số cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp có trên 23.000 cơ sở.
Hiện nay, thông qua các chương trình đào tạo, Samsung Việt Nam và Bộ Công thương đã tư vấn cho các doanh nghiệp Hải Dương trong việc nâng cao trình độ, năng lực sản xuất, cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn để tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung.
Samsung Việt Nam và UBND tỉnh Hải Dương đã có văn bản hợp tác. Tập đoàn này sẽ hỗ trợ ít nhất 15 doanh nghiệp tại Hải Dương tham gia vào chuỗi cung ứng linh, phụ kiện nội địa cho các nhà máy sản xuất của Samsung tại Việt Nam.
Tập đoàn An Phát Holdings (APH) tiêu biểu về phát triển công nghiệp hỗ trợ đã phối hợp với tỉnh trong phát triển công nghệ cao, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, là nhà cung ứng cấp 2 của Samsung từ tháng 3/2019 và cũng đã trực tiếp tham gia vào chương trình tư vấn cải tiến của Samsung để cùng Hải Dương trở thành nhà cung ứng cấp 1 của Samsung (vender cấp 1) trong thời gian tới.
Hải Dương đang chú trọng thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn làm đầu tàu dẫn dắt các doanh nghiệp khác tham gia đổi mới, sáng tạo. UBND tỉnh Hải Dương đã và sẽ có nhiều cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ngày 8/3/2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 754/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Hải Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo: Báo Đầu tư