Chủ nhật, 15/09/2024 | 13:28 - GMT+7
Với định hướng phát triển của Chính phủ về việc xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn giai đoạn 2023-2030 và sự đầu tư của nhiều công ty công nghệ lớn trong lĩnh vực bán dẫn vào Việt Nam... nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này gia tăng rất mạnh và Việt Nam hoàn toàn có khả năng phát triển lĩnh vực vi mạch, bán dẫn.
20/08/2024 - 10:26Đánh giá đúng thực trạng hiện tại của Việt Nam
Sáng 19/7 đã diễn ra hội nghị kết nối chuyển giao công nghệ vi mạch với viện, trường khu vực phía Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, ngành công nghiệp bán dẫn, vi mạch là một ngành có tiềm năng lớn trong tương lai về nhu cầu nhân lực trình độ cao, chất lượng cao. Tuy nhiên, mặc dù ngành công nghệ vi mạch bán dẫn không phải là ngành đào tạo tạo hoàn toàn mới, đã có một số trường đại học lớn triển khai đào tạo từ nhiều năm nay, tuy nhiên số lượng sinh viên theo học và tốt nghiệp đến nay còn rất thấp.
Tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn - vi mạch của Việt Nam trong 5 năm tới khoảng 20.000 người và 10 năm tới khoảng 50.000 người từ trình độ đại học trở lên (Ảnh: Báo Điện tử Chính phủ)
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ, sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng kế hoạch hành động trong toàn ngành để thúc đẩy triển khai đào tạo, gia tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, nhất là kỹ sư thiết kế vi mạch.
Cơ hội hợp tác phát triển lĩnh vực vi mạch
Ông Nguyễn Đức Minh, Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cho biết , từ năm 2021 đến năm 2023, quốc gia này đầu tư khoảng 27,5 tỷ USD để xây dựng nhà máy chip bán dẫn và nguồn nhân lực chất lượng cao. Thế nên, đây là cơ hội tốt để hai nước có thể khai thác hợp tác thông qua các dự án nghiên cứu chung, hỗ trợ thành lập các phòng thí nghiệm bán dẫn. Cùng với đó là các chương trình hỗ trợ học bổng, trao đổi sinh viên nhằm nâng cao chất lượng nhân lực, kỹ năng thực hành tại doanh nghiệp bán dẫn.
Bà Đỗ Thị Bích Ngọc, Tham tán, Trưởng Văn phòng KH&CN tại Hàn Quốc nói, với lĩnh vực bán dẫn trong 5 năm tới quốc gia này dự kiến đào tạo khoảng 10.000 nhân lực. Hàn Quốc dự kiến đặt hàng và đầu tư kinh phí cho 8 đại học trong nước để đạt được mục tiêu về nhân lực bán dẫn.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, mạng lưới đại diện khoa học công nghệ ở nước ngoài được xây dựng 15 năm qua ở 15 quốc gia với 23 địa bàn trọng điểm, góp phần hợp tác sâu rộng về khoa học công nghệ giữa Việt Nam và các nước.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VnExpress)
Mạng lưới này giúp cập nhật chiến lược và pháp luật về khoa học công nghệ, phục vụ tư vấn cho chính quyền, viện nghiên cứu và doanh nghiệp Việt Nam. Các đại diện khoa học công nghệ cũng có vai trò cập nhật chính sách khoa học công nghệ các nước, xu hướng công nghệ gần đây như vi mạch, trí tuệ nhân tạo, lượng tử, công nghệ xanh...
Lợi thế rất lớn của Việt Nam trong ngành bán dẫn
Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân nhận định, Việt Nam hoàn toàn có khả năng phát triển lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, bởi đất hiếm là nguyên liệu "chiến lược" để làm chất bán dẫn cũng như nhiều ngành công nghệ cao khác. Trong khi đó, Việt Nam hiện đứng thứ hai trên thế giới về trữ lượng đất hiếm, chỉ sau Trung Quốc. Đội ngũ trí thức và nhà khoa học Việt Nam cũng được đánh giá cao về khả năng nghiên cứu và ứng dụng trong công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo.
Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân (Ảnh: Báo Điện tử Chính phủ)
Ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch Công ty Hệ thống thông tin FPT kiêm Chủ tịch Công ty Cổ phần Bán dẫn FPT – Thành viên Tập đoàn FPT cho biết, để phát triển ngành bán dẫn, kinh tế số thì phát triển chip chính là điều cốt lõi nhất.
Hiện nay, trên thế giới có năm quốc gia và khu vực được coi là có khả năng phát triển chip toàn diện, gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Theo ông Hòa, bốn quốc gia châu Á đều có những đặc điểm tương tự như Việt Nam về văn hóa, con người và tính cách.
Những quốc gia và khu vực này đã phát triển công nghệ và sản xuất chip thành công. Ông Hòa tin rằng Việt Nam sẽ là cái tên tiếp theo trên bản đồ công nghệ bán dẫn, vì nước ta đang sở hữu những lợi thế lớn trong ngành này.
Mặt khác, Việt Nam còn có lợi thế lớn về mặt con người. Người Việt Nam rất giỏi toán. Ông Hoà cho hay: "Chúng ta đã xây dựng ngành công nghiệp phần mềm với 1 triệu nhân sự. Nền công nghiệp phần mềm của Việt Nam không hề thua kém mặt bằng chung của thế giới. Việc chuyển từ phần mềm sang phần cứng sẽ không có nhiều trở ngại’.
Đức Chung
Doanh nghiệp công nghệ cao TP.HCM phải đáp ứng các tiêu chí, như doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao phải đạt ít nhất 70% trong tổng doanh thu thuần hàng năm, thì sẽ được đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà.