UBND tỉnh Quảng Nam đã ký quyết định ban hành Kế hoạch triển khai Thực hiện Đề án “Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ trung ương đến địa phương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Hiện nay, tổng số công chức, viên chức làm nhiệm vụ chuyên trách/kiêm nhiệm về công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CĐS) của tỉnh Quảng Nam là 80 người, trong đó lực lượng chuyên trách là 48 người (gồm công chức của cơ quan chuyên trách CNTT cấp tỉnh và cấp huyện), lực lượng kiêm nhiệm là 32 người. Hầu hết công chức chuyên trách/phụ trách CNTT của tỉnh có bằng đại học trở lên về CNTT và được tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về CNTT, CĐS theo kế hoạch của tỉnh.
Nhìn chung, Bộ máy đơn vị chuyên trách CNTT, CĐS đã được thành lập, kiện toàn cơ bản đồng bộ, có quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, tạo điều kiện để triển khai thực hiện các nhiệm vụ về ứng dụng CNTT, CĐS. Các ngành, địa phương có quan tâm, bố trí cán bộ CNTT của cơ quan, đơn vị và tạo điều kiện để cán bộ CNTT tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về CNTT, CĐS để bồi dưỡng, cập nhật kiến thức.
Chuyển đổi số, công nghệ số đang từng bước hiện diện trong mọi mặt đời sống ở Quảng Nam (Ảnh: dangcongsan.vn)
Tuy nhiên, nguồn nhân lực CNTT tại các cơ quan, đơn vị còn hạn chế, số lượng ít so với yêu cầu công việc về CĐS thực tế hiện nay và yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới. Theo công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ số chuyển đổi số DTI của Quảng Nam trong 03 năm qua bị tụt hạng (năm 2020 đứng vị thứ 24/63, năm 2021 đứng vị thứ 25/63, năm 2022 đứng vị thứ 31/63). Thực tế cho thấy có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tụt hạng, trong đó có hạn chế mà cần khẩn trương khắc phục ngay đó là nguồn nhân lực thực hiện CĐS.
Do đó, trong giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, một trong các nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số của tỉnh Quảng Nam là kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về CĐS cho các đơn vị chuyên trách về CNTT; Bố trí bộ phận hoặc đầu mối thực hiện nhiệm vụ CĐS tại các cơ quan, đơn vị; Tăng cường thực hiện nhiệm vụ CĐS tại các cơ quan, đơn vị.
Bổ sung nguồn lực, nhân lực, biên chế kịp thời để tổ chức triển khai nhiệm vụ CĐS địa phương; Ưu tiên, tạm thời không thực hiện tinh giảm biên chế đối với VTVL liên quan đến công tác quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về CĐS trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, kiện toàn đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông để nâng cao năng lực thực thi pháp luật về CĐS, bảo đảm an toàn thông tin mạng tại địa phương; Bố trí bộ phận hoặc đầu mối thực hiện nhiệm vụ CĐS (gọi là đầu mối CĐS) tại các cơ quan, đơn vị. Các Sở, Ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã bố trí tối thiểu 01 bộ phận hoặc 01 cán bộ chuyên trách làm đầu mối CĐS tại cơ quan, đơn vị.
Ngoài ra, phát triển lực lượng, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật cho đội ngũ nhân lực chuyển đổi số. Trong đó chú trọng tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về CĐS, nâng cao trình độ chuyên môn và kiến thức cho đội ngũ nhân lực CĐS từ cấp tỉnh đến cơ sở; đặc biệt chú trọng bồi dưỡng, tập huấn cho các thành viên thuộc Mạng lưới CĐS, Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng của tỉnh và Tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ)
Tỉnh Quảng Nam phấn đấu đến năm 2025: - Kiện toàn tổ chức bộ máy của đơn vị chuyên trách về CNTT; tăng cường bố trí biên chế từ nguồn biên chế được giao để đáp ứng yêu cầu triển khai nhiệm vụ, giải pháp mới về CĐS. - - 100% các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn chú trọng bố trí bộ phận hoặc đầu mối thực hiện nhiệm vụ, giải pháp CĐS tại cơ quan, đơn vị. - 100% các tổ chức, cá nhân trong Mạng lưới CĐS được tiếp cận và sử dụng các nền tảng số và bộ công cụ sử dụng thống nhất toàn quốc phục vụ QLNN và thực thi pháp luật về CĐS. - Tuyên truyền, giới thiệu và phổ biến các nền tảng số và bộ công cụ phục vụ QLNN và thực thi pháp luật về CĐS. Định hướng đến năm 2030: mạng lưới CĐS được hình thành, hoạt động hiệu quả, gắn kết chặt chẽ, phối hợp đồng bộ trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp CĐS quốc gia. 100% đội ngũ nhân lực thực hiện nhiệm vụ CĐS từ tỉnh đến cơ sở hằng năm được bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu QLNN và thực thi pháp luật về CĐS, phù hợp với tiêu chuẩn chức danh, nhiệm vụ và VTVL. |
Minh Khuê