Doanh nghiệp công nghệ cao TP.HCM phải đáp ứng các tiêu chí, như doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao phải đạt ít nhất 70% trong tổng doanh thu thuần hàng năm, thì sẽ được đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà.
Theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, Sở Công thương Thành phố vừa trình Đề án “Phát triển điện sạch, năng lượng xanh phục vụ nhu cầu đầu tư phát triển công nghệ cao trên địa bàn TP.HCM", sau khi đã tiếp thu ý kiến các sở ngành liên quan.
Theo đề án, TP.HCM có lượng bức xạ lớn, trung bình khoảng 1.581 kWh/m2/năm, số giờ nắng trung bình trong tháng dao động từ 100 - 300 giờ, liên tục trong suốt cả năm, không bị gián đoạn như ở miền Bắc. Vào mùa khô, số giờ nắng lên tới 300 giờ. Đối với mùa mưa, số giờ nắng khoảng 150 giờ.
Do đó, tiềm năng phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời ở Thành phố rất lớn, đặc biệt là điện mặt trời trên mái nhà. Theo số liệu năm 2022, nguồn điện sạch từ năng lượng tái tạo đóng góp khoảng 422 MW, chiếm 9,32% so với công suất đỉnh (Pmax = 4.529 MW) lưới điện Thành phố.
TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn của cả nước nên nhu cầu tiêu thụ điện tại đây cũng rất cao. Để đáp úng nhu cầu, việc phát triển điện mặt trời mái nhà tại Thành phố là cần thiết và hiệu quả vì không tốn diện tích đất khi lắp đặt, chống nóng hiệu quả cho công trình, tăng thêm nguồn cấp điện tại chỗ, đồng thời góp phần đảm bảo an ninh cung cấp điện và giảm nhu cầu truyền tải điện từ bên ngoài cấp điện vào cho khu vực Thành phố, có thể huy động dễ dàng nguồn vốn đầu tư từ nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội, thực hiện lắp đặt đơn giản, nhanh chóng...
Với đề án này, ngành chức năng phấn đấu đạt mục tiêu tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo so với công suất cực đại của hệ thống điện Thành phố đạt tối thiểu 15% trong giai đoạn 2025 - 2030.
Doanh nghiệp công nghệ cao TP.HCM có thể được đầu tư điện mặt trời mái nhà.
Các đối tượng được đầu tư phát triển điện mặt trời là các doanh nghiệp công nghệ cao nằm trong hoặc ngoài khu công nghệ cao, khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM.
Để được đầu tư, các doanh nghiệp công nghệ cao phải đáp ứng các tiêu chí của Luật Công nghệ cao, Luật Đầu tư, đồng thời đáp ứng các tiêu chí, như doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao phải đạt ít nhất 70% trong tổng doanh thu thuần hằng năm của doanh nghiệp...
Trong trường hợp TP.HCM phê duyệt đề án trên, có nhu cầu phát triển điện mặt trời mái nhà và đáp ứng các tiêu chí, doanh nghiệp công nghệ cao gửi hồ sơ về Sở Công thương.
Sở Công thương sẽ xác định các doanh nghiệp công nghệ cao phù họp tiêu chí và phân bố công suất dự án điện mặt trời cho các doanh nghiệp phù hợp tiêu chí theo quy định về cơ che khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu và phù hợp với Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 1/4/2024 tcủa Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2050, trong đó quy mô tổng công suất phát trỉến điện mặt trời mải nhà phân bổ cho TP.HCM là 73 MW.
Nguồn: Báo Đầu tư