Thứ bảy, 05/10/2024 | 14:27 - GMT+7

Hà Giang: Phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao tạo sức bật tăng trưởng kinh tế của tỉnh

“Từ nay đến năm 2030, tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 10,08%; tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân 9,79%/năm…” - Đây là một trong những mục tiêu của tỉnh đặt ra nhằm thực hiện Nghị quyết 23, ngày 22.3.2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

19/06/2024 - 11:07
Cuối năm 2021, Công ty Cổ phần dược liệu Bông Sen Vàng khánh thành nhà máy dược phẩm đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Nhà máy dược phẩm Bông Sen Vàng được xây dựng tại xã Hùng An (Bắc Quang) nằm trong dự án “Chuỗi liên kết sản xuất, trồng và chế biến dược liệu chất lượng cao” của Công ty Cổ phần dược liệu Bông Sen Vàng. Với phương châm “Lĩnh hội tinh hoa – xây dựng giá trị”, các dòng sản phẩm mang thương hiệu Bông Sen Vàng có xuất xứ tự nhiên từ nguồn dược liệu quý của Hà Giang tuy mới xuất hiện trên thị trường nhưng đã được người tiêu dùng đón nhận, đánh giá cao. Nhà máy được xây dựng đạt các chứng nhận: Thực hành tốt sản xuất thuốc theo tiêu chuẩn GMP-WHO; thực hành bảo quản thuốc tốt GSP; thực hành kiểm nghiệm thuốc tốt GLP; thực hành phân phối thuốc tốt GDP. Mục tiêu đến năm 2030, Công ty sẽ phát triển 3 vườn bảo tồn cây thuốc tại 3 vùng khí hậu trên địa bàn tỉnh; xây dựng 2 vườn nhân giống và lưu giữ giống để chủ động nguồn giống trồng và cung cấp dịch vụ; phát triển vùng trồng nguyên liệu với diện tích từ 500 – 700 ha.
Hiên nay Công ty Bông Sen Vàng thôn Đá Bàn, xã Hùng An (Bắc Quang) có 9 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Ảnh: PV
Tại cụm công nghiệp Tân Bắc (Quang Bình), Nhà máy gạch Tuynel Tân Bắc cũng được đầu tư, xây dựng với hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại, đồng bộ trên diện tích 6 ha. Nhà máy được thiết kế với dây chuyền sản xuất lò di động tự thân, hiện đại nhất hiện nay, 100% trang thiết bị được nhập khẩu, vừa cho sản phẩm chất lượng, vừa bảo vệ môi trường. Tỷ lệ tự động hóa của hệ thống lên tới 75%, với các robot xếp gạch tự động. Với dây chuyền hiện tại, Nhà máy gạch Tuynel Tân Bắc sản xuất đa dạng các loại gạch theo kích cỡ khác nhau, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường.
Đây chỉ là số ít trong các dự án sản xuất công nghiệp đầu tư vào địa bàn tỉnh với công nghệ thân thiện môi trường, khai thác hiệu quả các lợi thế của địa phương. Thời gian qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển công nghiệp, tỉnh ta đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cơ cấu lại và phát triển các ngành công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, trong đó tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế, đặc biệt là công nghiệp chế biến nông, lâm sản gắn với xây dựng vùng nguyên liệu, hạn chế tối đa tác động tới môi trường. Tập trung hoàn chỉnh kết cấu khu công nghiệp Bình Vàng, huy động xã hội hóa đầu tư các cụm công nghiệp… vì vậy, sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp tăng trưởng và phát triển khá. Tỷ trọng công nghiệp trong tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh tính từ năm 2018 đến năm 2023 trung bình đạt 15,26%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP chiếm 2,54%. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp trung bình đạt 6,7%; trong đó, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 19,66%.
Nhân viên Công ty Bông Sen Vàng sản xuất các sản phẩm dược liệu tại Nhà máy dược phẩm. Ảnh: PV
Tuy nhiên, công nghiệp của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, tỷ trọng công nghiệp trong GRDP còn thấp; doanh nghiệp công nghiệp số lượng ít, quy mô nhỏ và rất nhỏ, trình độ nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất còn hạn chế; chế biến nông sản chủ yếu là sơ chế hoặc chế biến một phần nên giá trị thương mại không cao. Thu hút đầu tư xây dựng, kinh doanh tại các khu, cụm công nghiệp hiệu quả chưa cao; hạ tầng các khu, cụm công nghiệp chưa hoàn chỉnh... Từ thực tế trên, BTV Tỉnh ủy vừa ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23 ngày 22.3.2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Mục tiêu đặt ra là phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh theo hướng hiện đại, bền vững; nâng cao tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế. Đến năm 2030, tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 10,08%; tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân 9,79%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp đạt bình quân 29,6%/năm; tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ đạt trên 40%.
Để đạt mục tiêu trên, tỉnh ta định hướng phát triển công nghiệp theo hướng chuyển dịch từ tăng trưởng chiều rộng sang chiều sâu; phát triển công nghiệp sạch; nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp chế biến chè, gỗ, dược liệu và các sản phẩm chăn nuôi khác... đi vào chiều sâu, sử dụng công nghệ tiên tiến gắn với thương hiệu sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Ưu tiên kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các nhà máy chế biến cam với công nghệ tiên tiến, hiện đại tại các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình theo hướng đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Trong giai đoạn từ nay đến 2030, phát triển một số ngành công nghiệp khai thác khoáng sản theo hướng tập trung, bền vững nhằm cung cấp nguyên liệu tại chỗ cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu theo hướng chế biến sâu. Khuyến khích áp dụng công nghệ trong khai thác, chế biến sử dụng triệt để tài nguyên, kiểm soát được ô nhiễm môi trường. Tập trung thu hút đầu tư, xây dựng, khai thác hiệu quả các dự án thủy điện; khuyến khích đầu tư phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời, năng lượng tái tạo phù hợp với quy hoạch và điều kiện thực tế của địa phương. Giai đoạn 2030 - 2045, tập trung ưu tiên phát triển thế hệ mới của ngành công nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông, phổ cập công nghiệp kỹ thuật số, tự động hóa, thiết bị cao cấp, vật liệu mới, công nghệ sinh học.
Từ định hướng trên, tỉnh ta sẽ thực hiện tốt cơ chế đặc thù và đẩy mạnh ứng dụng hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp có giá trị gia tăng cao, các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghệ sạch, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ. Phát triển các loại hình và phương thức kinh doanh thương mại hiện đại, xây dựng và thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại đối với sản phẩm công nghiệp... Hy vọng với sự vào cuộc, chỉ đạo kịp thời của cấp ủy, chính quyền các cấp, tỉnh ta sẽ đạt mục tiêu xây dựng ngành công nghiệp phát triển, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Nguồn: Báo Hà Giang

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 6
  • 0
  • 9
  • 4
  • 5
  • 4
  • 0