Trước năm 2017, ngành vi mạch bán dẫn của TPHCM có thể nói đã khởi sắc với hàng loạt sản phẩm ghi danh vào bản đồ công nghệ và thu hút nhiều chuyên gia vi mạch tên tuổi tham gia, với các dự án đầu tư lớn. Song đến nay, sự đột phá đó có phần chậm lại, cần có thay đổi trong chính sách và hướng đi mới để ngành vi mạch phát triển.
Thiết bị cảm biến áp suất dùng để đo mực nước, một sản phẩm từ ngành vi mạch TPHCM
Những hướng đi mới
Đánh dấu sự trở lại của ngành vi mạch TPHCM là Đại hội đại biểu nhiệm kỳ 2 (2019-2024) Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TPHCM (HSIA). Đại hội đã thông qua 9 chương trình trọng tâm của HSIA nhiệm kỳ 2, trong đó chủ yếu tập trung vào hoàn thiện cơ cấu tổ chức, như đảm bảo các công tác hội viên, bảo vệ quyền lợi hội viên, tham gia xây dựng đề xuất cơ chế chính sách, đào tạo nâng cao trình độ và chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ vi mạch, tổ chức hội thảo khoa học quốc tế, cuộc thi chuyên môn hàng năm…
Tại đại hội, HSIA đã tiến hành ký kết biên bản hợp tác với 3 đơn vị: Khu Công nghệ cao TPHCM (trong kế hoạch xây dựng phòng thí nghiệm vi mạch bán dẫn), ĐHQG TPHCM (đẩy mạnh chương trình đào tạo về vi mạch) và Hội Tin học TPHCM (phụ trách truyền thông và tổ chức các sự kiện lớn của HSIA). Đại hội cũng xuất hiện nhiều tên tuổi tham gia vào ngành vi mạch lớn: Sao Bắc Đẩu, Lạc Việt, ITO, SENVI.
Tiếp theo đó, nhiều hoạt động thúc đẩy ngành vi mạch phát triển, như Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao và HSIA tổ chức kết nối hỗ trợ cách thức thương mại hóa cho các startup công nghệ vào tháng 3-2020 tại Công ty ITO VN. Với lợi thế là tập đoàn thương mại thiết kế và sản xuất thiết bị tự động công nghệ cao trong ngành điện tử, ITO có hệ thống văn phòng tại 18 nước và đội ngũ sales kỹ thuật chuyên nghiệp, nên qua đó, ITO khơi gợi những tiền đề hợp tác với startup trong nhiều lĩnh vực. Ở lĩnh vực cơ khí - điện - thiết bị công nghệ cao, ITO sẽ là một trong những khách hàng mua hàng và chia sẻ về kỹ thuật, huấn luyện kỹ năng để startup tạo được sản phẩm đạt yêu cầu. Với startup cùng ngành nghề, ITO ký kết liên kết hợp tác để là doanh nghiệp vệ tinh và khi có dự án toàn cầu ITO chia sẻ mục tiêu để cùng nhau phát triển…
HSIA cũng tìm kiếm liên kết hoạt động cùng Qualcomm Việt Nam, Lào, Campuchia, đặc biệt trong đề xuất xây dựng cơ chế chính sách phát triển ngành vi mạch TPHCM, cũng như hỗ trợ khởi nghiệp ngành vi mạch dựa trên hệ sinh thái các sản phẩm của Qualcomm. Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp ở Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao, HSIA đã tổ chức buổi gặp gỡ giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp trong ngành vi mạch và nhà đầu tư để trao đổi về việc kết nối các sản phẩm với thị trường là DunAn Sensing, công ty chuyên cung cấp các bộ chuyển đổi và cảm biến áp suất có trụ sở ở Silicon Valley.
Cơ hội trong thách thức
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HSIA cho biết, thuận lợi cho sự phát triển của HSIA là nhận được sự chỉ đạo tích cực của các cơ quan nhà nước trong chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn của TPHCM và quốc gia. Trong giai đoạn này, các hội viên HSIA là những cá nhân, đơn vị có uy tín và nguồn lực mạnh, có quan hệ mật thiết, đoàn kết, hỗ trợ cùng phát triển ngành. Các thương hiệu lớn trong và ngoài nước cũng đã và đang khẳng định chiếm lĩnh thị trường, thu hút nguồn nhân lực trình độ cao và có nhiều hợp tác với các trường/viện về đào tạo, tập huấn và nghiên cứu chuyển giao công nghệ. Số lượng sinh viên theo học các ngành liên quan ngày càng tăng về số lượng, cũng là một trong những yếu tố quan trọng về nhân lực để đẩy mạnh hợp tác giữa HSIA với trường, viện và doanh nghiệp.
Hơn nữa, các doanh nghiệp lớn Sao Bắc Đẩu, Lạc Việt, ITO, SENVI... trong ban chấp hành cùng với sự hỗ trợ của những hãng công nghệ lớn, như IBM và các đối tác Nhật Bản sẽ đóng vai trò đầu tàu, kết nối hệ sinh thái với các công ty nhỏ, tạo thành một chuỗi sản xuất, cùng nhau mở ra thị trường tiêu thụ. Nền tảng của những nghiên cứu, sản phẩm ứng dụng là Trung tâm Đào tạo và Thiết kế vi mạch ICDREC (đơn vị thiết kế thành công các dòng chip made in Việt Nam) vẫn thu hút những nhân sự chủ chốt, có trình độ cao đang nỗ lực vực dậy ngành vi mạch.
“Chúng tôi nhận thức sự kỳ vọng của thành phố vì đã xác định vi mạch trở thành một ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, làm nền cho sự phát triển chung và thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tạo cơ sở vững chắc cho việc xây dựng đô thị thông minh, góp phần triển khai thành công các chương trình đột phá của thành phố nhằm giải quyết cơ bản ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường và hạ tầng các lĩnh vực trọng tâm… HSIA cũng như các hội viên, tích cực tìm hướng đi phù hợp để tạo ra thời cơ phát triển ngành vi mạch”, ông Nguyễn Anh Tuấn bày tỏ quyết tâm.
Theo SGGP