Thứ sáu, 29/03/2024 | 04:47 - GMT+7

Nguồn nhân lực cho khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 - Thực trạng và giải pháp

Bài viết bàn về thực trạng và giải pháp nguồn nhân lực cho khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí minh đến năm 2030.

21/03/2023 - 11:16
TÓM TẮT:
Trong thời đại kinh tế đang chuyển dần sang nền kinh tế tri thức với xu hướng hội nhập quốc tế, sự ra đời của các khu công nghệ cao là vấn đề cấp thiết. Khu công nghệ cao đóng vai trò quan trọng và mang tính quyết định đối với sự tồn tại và phát triển của một quốc gia theo hướng hiện đại. Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) là một trong những địa phương có quy mô kinh tế và dân số lớn nhất của cả nước. Để TP. HCM trở thành đô thị thông minh, trung tâm sáng tạo, công nghiệp - dịch vụ hiện đại, việc thành lập khu công nghệ cao TP. HCM mang tính tất yếu khách quan. Tuy nhiên, khu công nghệ cao TP. HCM muốn tồn tại và phát triển, thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước thì đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao bao gồm trình độ văn hóa, chuyên môn, kỹ thuật cao tương xứng. Vấn đề đào tạo đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề cao để cung ứng cho các doanh nghiệp trong khu công nghệ cao là nhiệm vụ cấp thiết vô cùng quan trọng, bởi vì nó ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và phát triển của các doanh nghiệp. Do đó, các cấp lãnh đạo cùng với các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp cần có những giải pháp chính sách và triển khai các biện pháp cụ thể trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho TP. HCM nói chung và khu công nghệ cao nói riêng. Bài viết bàn về thực trạng và giải pháp nguồn nhân lực cho khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí minh đến năm 2030.
Từ khóa: khu công nghệ cao TP. HCM, nguồn nhân lực, thực trạng, giải pháp.
1. Đặt vấn đề
Trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, yếu tố khoa học - công nghệ giữ vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt hiện nay thế giới đã và đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Sự xuất hiện của những công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo, chế tạo robot, Internet vạn vật, công nghệ sinh học, công nghệ nano,… đã tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có thị trường lao động. Một trong những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến thị trường lao động đó là làm thay đổi về nhu cầu và cung ứng lao động. Về mặt cầu lao động, các công ty có xu hướng tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn, kỹ năng bậc cao nhằm đáp ứng các yêu cầu của công việc, đặc biệt là nhu cầu lao động làm việc trong các khu công nghệ cao như TP. HCM. Về mặt cung lao động, người lao động cần được bổ sung về các kỹ năng mới, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, bồi dưỡng cập nhật các kiến thức - công nghệ mới. Do đó, một đòi hỏi cấp thiết trong bối cảnh hiện nay là cần xây dựng chiến lược quốc gia về nguồn nhân lược để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, chính yếu tố con người sẽ quyết định quá trình thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên hiện nay, nguồn nhân lực ở Việt Nam nói chung và TP. HCM nói riêng chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiêp 4.0. Về số lượng, Việt Nam đang thiếu hụt trầm trọng đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề cao. Về chất lượng nguồn nhân lực, theo khảo sát của World Bank (WB), Việt Nam chỉ đạt 3,79/10 điểm, xếp hạng 11/12 nước được WB khảo sát. Vì vậy, Việt Nam rất cần một chiến lược dài hạn để gia tăng số lượng và chất lượng nguồn nhân lực nhằm cung ứng cho các ngành, các khu công nghệ cao trong đó có TP. HCM. Đối với khu công nghệ cao TP. HCM, nhiệm vụ trọng tâm là phải phát triển nhanh và toàn diện để trở thành một trong những trung tâm sáng tạo của khu vực phía Nam và cả nước. Do đó, TP. HCM cùng các doanh nghiệp công nghệ cao cần có những giải pháp tổng thể và triển khai thực hiện các biện pháp cụ thể để nhanh chóng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng các yêu cầu của các doanh nghiệp trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
Mục đích nghiên cứu: Nhận thấy việc cần thiết lúc này là cần phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu phát triển TP. HCM nói chung và khu công nghệ cao nói riêng vấn đề đặt ra cho TP. HCM cần phải đánh giá đúng đắn tình hình nguồn nhân lực hiện nay, những mặt thuận lợi và khó khăn trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Để từ đó đề ra các giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy quá trình đào tạo nguồn nhân lực cho khu Công nghệ cao TP. HCM, đó là mục đích nghiên cứu của bài viết.
Phương pháp nghiên cứu: Bài viết dựa vào nguồn thông tin thứ cấp, các dữ liệu thu thập được; trên cơ sở đó sử dụng phương pháp phân tích định tính để đánh giá thực trạng và đào tạo nguồn nhân lực cho khu công nghệ cao TP. HCM.
2. Cơ sở lý thuyết
2.1. Nguồn nhân lực
2.1.1. Khái niệm nguồn nhân lực
Hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau. Theo khái niệm của Liên Hợp quốc “Nguồn nhân lực là tất cả những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, năng lực và tính sáng tạo của con người có quan hệ tới sự phát triển của mỗi cá nhân và của đất nước”. Ngân hàng thế giới cho rằng: nguồn nhân lực là toàn bộ vốn con người bao gồm thể lực, trí lực, kỹ năng nghề nghiệp,… của mỗi cá nhân. Theo Tổ chức Lao động quốc tế, nguồn nhân lực của một quốc gia là toàn bộ những người trong độ tuổi có khả năng tham gia lao động. Như vậy, nguồn nhân lực được hiểu theo hai nghĩa: Theo nghĩa rộng, nguồn nhân lực là nguồn cung cấp sức lao động cho sản xuất xã hội, cung cấp nguồn lực con người cho sự phát triển. Do đó, nguồn nhân lực bao gồm toàn bộ dân cư có thể phát triển bình thường. Theo nghĩa hẹp, nguồn nhân lực là khả năng lao động của xã hội, là nguồn lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm các nhóm dân cư trong độ tuổi lao động, có khả năng tham gia vào lao động, sản xuất xã hội, tức là toàn bộ các cá nhân cụ thể tham gia vào quá trình lao động, là tổng thể các yếu tố về thể lực, trí lực của họ được huy động vào quá trình lao động. 
2.1.2. Nguồn nhân lực chất lượng cao
Nhân lực chất lượng cao là một khái niệm để chỉ một người lao động cụ thể có trình độ chuyên môn, kỹ thuật ứng với một ngành nghề cụ thể theo tiêu thức phân loại lao động về chuyên môn, kỹ thuật nhất định như đại học, trên đại học, cao đẳng công nhân kỹ thuật.
Nguồn nhân lực chất lượng cao là nguồn nhân lực phải đáp ứng được yêu cầu về trình độ lành nghề của thị trường lao động: có kiến thức chuyên môn, kinh tế, tin học; có kỹ năng, kỹ thuật, tìm và tự tạo việc làm, làm việc an toàn, làm việc hợp tác; có thái độ, tác phong làm việc tốt, trách nhiệm với công việc. Như vậy, nguồn nhân lực chất lượng cao phải là những con người phát triển cả về trí lực và thể lực, cả về khả năng lao động, về tính tích cực chính trị - xã hội, về đạo đức, tình cảm trong sáng. Nguồn nhân lực chất lượng cao có thể không cần đông về số lượng, nhưng phải thực chất. Do đó, khi đề cập đến nguồn nhân lực chất lượng cao không thể tách rời với chất lượng nguồn nhân lực nói chung.
2.1.3. Đào tạo nguồn nhân lực
Đào tạo là các hoạt động có tổ chức, diễn ra trong khoảng thời gian xác định nhằm giúp cho người lao động nắm kỹ hơn về chuyên môn, nghiệp vụ của mình ở công việc hiện tại, bổ sung những kiến thức, kỹ năng còn thiếu để thực hiện công việc đang làm tốt hơn.
Đào tạo nguồn nhân lực là việc huấn luyện người lao động tập trung vào những công việc hiện tại, chú trọng đến các công việc mang tính cá nhân, thời gian thực hiện việc đào tạo thường gắn với mục đích, chủ yếu là để khắc phục sự thiếu hụt về kiến thức và kỹ năng thực hiện công việc hiện tại. Sự thành công của doanh nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng yếu tố nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong sự thành công đó. Vì vậy, các doanh nghiệp cần phải chú trọng trong công tác đào tạo nguồn nhân lực.
2.2. Khu công nghệ cao
2.2.1. Đặc điểm của khu công nghệ cao
Khu công nghệ cao là khu kinh tế - kỹ thuật đa chức năng, các hoạt động trong khu công nghệ cao đều có liên quan đến yếu tố công nghệ cao như: sản xuất, kinh doanh các sản phẩm công nghệ cao; nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ cao; ươm tạo nên các doanh nghiệp công nghệ cao và đào tạo nhân lực công nghệ cao,… Đây là những đặc điểm quan trọng thể hiện sự khác biệt của khu công nghệ cao so với đặc điểm của khu công nghiệp và khu chế xuất.
2.2.2. Vai trò của khu công nghệ cao đối với tăng trưởng kinh tế và khoa học-công nghệ
Từ thực tiễn thành công phát triển khu công nghệ cao ở những nước phát triển, cho thấy vai trò quan trọng của khu công nghệ cao:
- Vai trò thúc đẩy thương mại hóa các sản phẩm công nghệ cao: Khu công nghệ cao với các dạng mô hình khác nhau đã có vai trò nhất định trong phát triển các công nghệ mới vì các thành quả nghiên cứu - triển khai sản phẩm khoa học công nghệ đã có một môi trường thuận lợi nhất để thương mại hoá và đạt lợi nhuận rất lớn so với trước đây. Các công nghệ được thương mại hoá cao độ trong một thời gian ngắn do sự cạnh tranh từ các thành phần kinh tế cùng ở gần nhau trong một khu vực địa lý được chính quyền tạo ưu đãi tối đa để phát triển. Chính điều này dẫn đến sự bùng nổ về các sản phẩm công nghệ cao giá thành ngày càng rẻ trong truyền thông, sinh học, vật liệu mới, cơ khí chính xác,...
- Vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm rút ra từ các nước đi trước cho việc thành lập các khu công nghệ cao cùng với sự ra đời của các vườn ươm công nghệ đã góp phần không nhỏ trong GDP, công nghiệp hiện đại, nòng cốt là công nghệ cao giúp tăng nhanh GDP ở mức lớn hơn 10% /năm trong thời gian dài. Thực tế đó đã được chứng minh qua phát triển kinh tế tại Hàn Quốc và Trung Quốc.
- Vai trò của khu công nghệ cao trong nền kinh tế tri thức: Từ quan điểm phát triển bền vững dựa vào tri thức, chúng ta thấy, nền kinh tế tri thức là nền kinh tế sử dụng hiệu quả trí tuệ cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Khu công nghệ cao là nơi sử dụng nguồn nhân lực công nghệ cao, yếu tố hàng đầu để thu nhận dòng chảy công nghệ cao. Nhân lực công nghệ cao là tác nhân chủ yếu làm chuyển hoá tri thức khoa học hiện đại vào những ngành kinh tế mới tạo ra sản phẩm hàng hoá có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao trên thị trường.
- Vai trò thúc đẩy phát triển công nghệ mới: Nhiều khu công nghệ cao phát triển thành công trên thế giới cho thấy quá trình phát triển của khu công nghệ cao là một quá trình tiến hoá, chịu sự tác động của các nguồn lực cơ bản trong khu công nghệ cao, của những sự thay đổi môi trường kinh tế toàn cầu, địa chính trị và các yếu tố xã hội. Chính quá trình tiến hóa này đã cho ra đời những sản phẩm công nghệ mới.
3. Thực trạng nguồn nhân lực đối với khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh
3.1. Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh
3.1.1. Sơ lược về khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh
Khu Công nghệ cao TP. HCM (SHTP, Saigon Hi-tech Park) được thành lập vào ngày 24/10/2002 là một trong ba khu công nghệ cao quốc gia do Chính phủ thành lập. Đây là khu vực nằm ở cửa ngõ Đông Bắc TP. HCM thuộc thành phố Thủ Đức hiện nay, cách trung tâm TP. HCM khoảng 12 km, diện tích giai đoạn 1 là 300 ha. Nơi đây tập trung các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao. Hiện tại, đã có nhiều công ty trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao đầu tư xây dựng nhà máy, trong đó đáng kể nhất là Nidec của Nhật Bản đầu tư 1 tỷ USD sản xuất các thiết bị đầu đọc quang, các thiết bị nghe nhìn; hãng Intel của Hoa Kỳ cũng đã được cấp phép đầu tư 1 tỷ USD năm 2006 để sản xuất và lắp ráp chip máy điện toán. Bên cạnh đó, tập đoàn Air Liquide của Pháp, nhà cung cấp hàng đầu trong lĩnh vực khí công nghiệp, y tế và môi trường cũng có mặt nhằm sản xuất và cung cấp khí tinh khiết với độ tin cậy cao phục vụ cho thị trường khí công nghiệp và khí y tế miền Nam Việt Nam.
3.1.2. Khu công nghệ cao đối với phát triển thành phố Hồ Chí Minh
- Về phát triển kinh tế TP. HCM: Khu công nghệ cao TP. HCM là hạt nhân phát triển kinh tế của Thành phố hiện nay và trong tương lai. Tính đến năm 2020, khu công nghệ cao TP. HCM có 85 dự án đang hoạt động chiếm 53,1% và 75 dự án đang triển khai hoạt động chiếm 46,9%. Giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao 10 tháng năm 2020 đạt 16,223 tỷ USD, tăng 19,82% so với cùng kỳ; trong đó giá trị xuất khẩu đạt 15,403 tỷ USD tăng 23,59% và giá trị nhập khẩu đạt 14,808 tỷ USD tăng 26,78%. Lũy kế đến nay, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao của khu công nghệ cao của Thành phố ước đạt 80,951 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu đạt 76,743 tỷ USD và giá trị nhập khẩu đạt 70,103 tỷ USD. Trong quý 1/2022, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao của khu công nghệ cao ước đạt 5,147 tỷ USD, tăng 2,26% so với cùng kỳ. Sự gia tăng không ngừng giá trị sản phẩm trong khu công nghệ cao TP. HCM góp phần làm gia tăng GRDP và giá trị xuất khẩu của Thành phố trong thời gian tới. Tổng giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao của các doanh nghiệp trong nước giai đoạn 2021 - 2025 tăng gấp 2 lần của giai đoạn 5 năm trước. Khu công nghệ cao trở thành nơi đóng góp chủ lực về kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Đến năm 2025, phấn đấu đạt khoảng 30 tỷ USD giá trị xuất khẩu, giá trị gia tăng nội địa đạt trên 35%.
- Về giải quyết việc làm cho người lao động: Sau dịch bệnh, nhu cầu về lao động chất lượng cao tại các doanh nghiệp TP. HCM có nhiều thay đổi. Nhu cầu tuyển dụng lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất và đặc biệt là khu công nghệ cao TP. HCM liên tục tăng nhanh, không muốn nói là “khát” nguồn nhân lực chất lượng cao. Riêng khu công nghệ cao TP.HCM có hàng chục doanh nghiệp đang tuyển dụng lao động chất lượng cao với các vị trí như: quản lý, bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D), kỹ sư cơ khí, kỹ sư thiết kế trong lĩnh vực điện tử, tự động hóa, robot, chuyên gia năng lượng, vật liệu mới, công nghệ nano,… Tuy nhiên, việc tuyển dụng các vị trí này không phải dễ dàng. Điều này chứng tỏ các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao TP. HCM đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho một bộ phận lớn lực lượng lao động tại TP. HCM, đặc biệt là lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao. Tính đến cuối năm 2020, Khu Công nghệ cao TP. HCM giải quyết việc làm cho 42.246 lao động. 
- Về thúc đẩy nghiên cứu khoa học - công nghệ: Khu Công nghệ cao TP. HCM là một trung tâm quốc gia về công nghệ cao, động lực để phát triển TP. HCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây là nơi thực hiện sự liên kết giữa sản xuất với nghiên cứu - phát triển nhằm góp phần nâng cao năng lực công nghệ, tạo ra nhiều sản phẩm công nghệ mới có giá trị cao, nhờ đó tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế trên thị trường khu vực và quốc tế. Khu công nghệ cao TP.HCM còn thúc đẩy quá trình chuyển giao khuếch tán công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất công nghiệp cho Thành phố nói riêng và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung. Để thúc đẩy việc nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ, khu công nghệ cao TP. HCM đã thực hiện liên kết viện nghiên cứu - đại học - doanh nghiệp, nhà KH-CN trong, ngoài nước để nghiên cứu, sáng tạo và chuyển giao công nghệ cho sản xuất, ươm tạo các doanh nghiệp công nghệ cao. Đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao, góp phần tạo ra một lực lượng sản xuất mới có trình độ hiện đại làm hạt nhân cho nền công nghiệp Thành phố và khu vực phía Nam.
- Về thu hút đầu tư nước ngoài: Từ khi thành lập cho đến nay, khu công nghệ cao TP. HCM được sự quan tâm sâu sắc của các tập đoàn, công ty lớn trong và ngoài nước, các doanh nghiệp đã tiến hành khảo sát và xây dựng các dự án sản xuất tại đây. Đến tháng 4/2019, khu công nghệ cao TP. HCM đã tiếp nhận 156 dự án với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 7,136 tỷ USD, trong đó có các dự án của các tập đoàn nổi tiếng trên thế giới như: Tập đoàn Intel (1,04 tỷ USD), Tập đoàn Nidec (296 triệu USD), Tập đoàn Samsung (2 tỷ USD), Tập đoàn Nipro (300 triệu USD),… Năm 2019 có 73 dự án đã đi vào hoạt động ổn định, các dự án còn lại đang triển khai thực hiện. Tổng giá trị xuất khẩu lũy kế đạt khoảng 45,456 tỷ USD, đóng góp khoảng 94% kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao của TP. HCM. Trong giai đoạn 2021-2025, khu công nghệ cao TP. HCM dự kiến thu hút vốn đầu tư đạt 3 tỷ USD, với trên 50 dự án công nghệ cao; trong đó thu hút thành công từ 1-2 tập đoàn công nghệ cao của thế giới đầu tư vào khu công nghệ cao.
3.2. Thực trạng nguồn nhân lực đối với khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh
Khi các khu công nghệ cao bắt đầu xuất hiện tại các thành phố lớn như TP. HCM và Hà Nội thì các vấn đề về nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghệ cao được lãnh đạo các địa phương và các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm hơn. Nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng và mang tính quyết định đối với sự tồn tại của các doanh nghiệp. Bất kỳ doanh nghiệp nào muốn tồn tại và phát triển phải hội tụ đủ 2 yếu tố: nhân lực và vật lực. Trong đó, nhân lực đóng vai trò phát huy được các nguồn lực khác, với kỹ năng lao động và tri thức có được, thông qua việc sử dụng công cụ lao động con người sẽ tác động vào đối tượng lao động để tạo ra sản phẩm. Do đó, muốn có nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu của khu công nghệ cao cần đầu tư phát triển các kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm và năng lực sáng tạo cho người lao động.
Thực tế hiện nay, mặc dù có nhiều trung tâm đào tạo về công nghệ cao xuất hiện, các trường cao đẳng, đại học chú trọng đào tạo hơn nhưng nguồn nhân lực cho các ngành công nghệ cao này vẫn còn thiếu hụt rất nhiều so với nhu cầu của thị trường. Theo kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành công nghệ cao, năm 2020, các trường đại học cần tuyển 30.000 sinh viên công nghệ thông tin, 25.000 sinh viên công nghệ sinh học, 25.000 sinh viên công nghệ tự động hóa và 25.000 sinh viên công nghệ vật liệu và đào tạo được 28.000 người trình độ sau đại học về các lĩnh vực này. Trong tổng số 5.094 giảng viên cơ hữu của 10 trường đại học được thống kê, chỉ có, khoảng 29,9% người đúng chuyên ngành công nghệ cao; trong đó chức danh giáo sư chỉ có 11 người, phó giáo sư chỉ có 97 người, tiến sĩ chỉ có 270 người và 694 người có trình độ thạc sĩ. Với lực lượng cán bộ giảng dạy như vậy, việc đào tạo đáp ứng nguồn nhân lực cho khu công nghệ cao thật sự khó khăn. Hơn nữa cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, thiết bị thực hành của các trường đại học tại Việt Nam nói chung và TP. HCM nói riêng có thể nói là chưa theo kịp với các công nghệ tiên tiến hiện đại trên thế giới. Số lượng sách báo, tài liệu khoa học, giáo trình học tập phục vụ cho việc nghiên cứu còn thiếu.
Các doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghệ cao TP. HCM gặp không ít khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự tại địa phương, số lượng và chất lượng của người người lao đông còn thiếu và còn yếu. Đa phần các doanh nghiệp trong khu công nghệ phải đào tạo lại đối với sinh viên mới tốt nghiệp ra trường. Mặc khác, tình trạng chảy máu chất xám cũng khá phổ biến, khá nhiều sinh viên sau khi du học ở các nước tiên tiến thường ở lại hay tìm tới môi trường nước ngoài để phát triển và nâng cao khả năng hơn là trở về.
Trước thực trạng trên, các doanh nghiệp trong khu công nghệ cao đã tìm cách khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân lực bằng cách mở thêm các trung tâm đào tạo để phục vụ cho mình. Các trường đại học hàng đầu ở TP. HCM liên kết với các doanh nghiệp trong khu công nghệ cao và viện nghiên cứu là một thực tế tất yếu để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp trong khu công nghệ cao có thể đặt hàng cho các trường đại học về một số ngành nghề mà họ có nhu cầu, ví dụ Trường Đại học Bách Khoa TP. HCM cũng mở thêm ngành đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch từ năm 2011 nhằm phục vụ cho dự án nhà máy sản xuất chip điện tử của Tổng công ty Công nghiệp TP. HCM. 
4. Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực cho khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra trên thế giới, Việt Nam nói chung và TP. HCM cần phải nhanh chóng đưa ra những giải pháp chiến lược và cụ thể hóa các giải pháp này nhằm bắt kịp với các nước tiên tiến. Một trong những vấn đề mà TP. HCM cần quan tâm giải quyết, đó là nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển các ngành nói chung và cung ứng cho khu công nghệ cao nói riêng đang thiếu hụt về số lượng và yếu về chất lượng. Việc tìm ra giải pháp hữu hiệu để có thể đáp ứng nhu cầu cầu ngày càng lớn đối với nguồn nhân lực công nghệ cao là một đòi hỏi hết sức cấp thiết mà các cấp lãnh đạo và các doanh nghiệp đều quan tâm và giải quyết.
4.1. Giải pháp chính sách
Thứ nhất, Cần xây dựng chiến lược tổng thể về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra. Mục tiêu của chiến lược là người lao động có thể làm việc cùng với những thiết bị thông minh hơn, khắc phục mâu thuẫn giữa đào tạo về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực. Chiến lược tổng thể phải đưa ra được phương thức và lộ trình cần thiết để thực hiện mục tiêu đó. Ngoài chiến lược tổng thể cần đưa ra những cơ chế và chính sách sát với thực tiễn và có tính dự báo chính xác.
Thứ hai. Hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn liền với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Yêu cầu đặt ra là phải đãi ngộ các tài năng dựa vào hiệu quả đóng góp, tạo môi trường làm việc thuận lợi và cơ hội thăng tiến, bảo đảm đầy đủ các điều kiện về  cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, nghiên cứu cho các nhà khoa học, tài năng trẻ. Hoàn thiện chính sách phát triển thị trường nhân lực chất lượng cao, thị trường khoa học - công nghệ, thương mại hóa các sản phẩm công nghệ mới.
Thứ ba. TP. HCM cần tăng cường hỗ trợ vốn đầu tư cho các ngành công nghệ cao mũi nhọn mà TP cần khuyến khích phát triển. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, kết nối cộng đồng khoa học - công nghệ giữa người Việt Nam ở nước ngoài với cộng đồng trong nước. Cần khuyến khích hình thành và phát triển các dự án đổi mới sáng tạo trong các trường đại học đào tạo các ngành liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cần xây dựng các đề án hợp tác quốc tế trong nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ.
Thứ tư. Ngành Giáo dục - Đào tạo cần đổi mới chương trình giáo dục - đào tạo gắn liền với cuộc cách mạng công nghiệp hiện nay và trong tương lai. Đây là giải pháp quan trọng nhất để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng với yêu cầu phát triển đất nước trước sự tiến bộ như vũ bão của khoa học kỹ thuật. Cần có những biện pháp nâng cao chất lượng của các trường đại học như chuẩn hóa đội ngũ giảng viên theo chuẩn khu vực và quốc tế, đổi mới giảng dạy ở các cấp học theo hướng khuyến khích tư duy phản biện, nâng cao chất lượng đào tạo nghề,…
4.2. Giải pháp cụ thể
Thứ nhất. Các trường đại học, cao đẳng cần gắn kết chặt chẽ giữa quá trình đào tạo với bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Các cơ sở đào tạo phải luôn coi trọng quản lý tốt chất lượng sản phẩm đầu ra thông qua các hính thức đánh giá năng lực thực hành của học viên trong quá trình đào tạo, phúc tra kết quả đào tạo, kết quả tốt nghiệp,… thay cho cách quản lý sản phẩm đầu vào như hiện nay.
Thứ hai. Các cơ sở đào tạo cần thường xuyên cập nhật về nhu cầu nguồn nhân lực, quan sát phân tích thị trường lao động tại địa phương để tâp trung đào tạo những ngành mà địa phương cần. Đồng thời, thường xuyên nâng cao kỹ năng tiếp cận những công nghệ mới, bồi dưỡng các lớp ngắn hạn, đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ giảng dạy để có thể bắt kịp trình độ tiên tiến của các nước.
Thứ ba. Các cơ sở đào tạo cần liên kết với các doanh nghiệp công nghệ cao, các viện nghiên cứu, các nhà khoa học ở nước ngoài để nghiên cứu, sáng tạo và chuyển giao công nghệ cho sản xuất, ươm tạo các doanh nghiệp công nghệ cao. Xây dựng các đề án đào tạo những ngành nghề mới phù hợp với tình hình hiện tại và đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp.
Thứ tư. Các cơ sở đào tạo cần thường xuyên cập nhật và đổi mới chương trình học sao cho phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp. Cần bổ sung những môn học về công nghệ thông tin cho các khối ngành khác, từ đó sinh viên có thể thích nghi với những thay đổi về công nghệ trong công việc của mình.
Thứ năm.Về phía các doanh nghiệp, cần đảm bảo nguồn nhân lực phải được trang bị những kiến thức, kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu công việc. Các doanh nghiệp cần bố trí nhân lực có trình độ phù hợp tham gia tập huấn các lớp bồi dưỡng ngắn hoặc dài hạn để nâng cao trình độ chuyên môn, tiếp cận với công nghệ mới. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần có chế độ đãi ngộ thích đáng đối với người tài giỏi để thu hút và giữ chân họ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác, liên kết với các cơ sở giáo dục để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu đổi mới của doanh nghiệp.
5. Kết luận
Việc xây dựng khu công nghệ cao là một bước đi đúng đắn, kịp thời của TP. HCM không chỉ thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài vào các ngành công nghệ cao mà còn thu hút nghiên cứu công nghệ theo hướng cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển công nghệ nội sinh. Sự tồn tại và phát triển của khu công nghệ cao TP. HCM không những đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế của Thành phố mà còn thúc đẩy khoa học - công nghệ của địa phương phát triển không ngừng, tiến đến hình thành một Trung tâm Quốc gia về công nghệ cao, hạt nhân động lực phát triển cho TP. HCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đi đôi với sự phát triển của khu công nghệ cao TP. HCM đòi hỏi cần phải có nguồn nhân lực chất lượng cao tương xứng. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay đội ngũ lao động tại TP. HCM chưa đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp công nghệ cao; điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất và mở rộng quy mô của doanh nghiệp. Vì vậy, vấn đề cấp bách đặt ra là phải nhanh chóng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho TP. HCM nói chung và khu công nghệ cao nói riêng. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi phải có những giải pháp chính sách đúng đắn và triển khai thực hiện đồng bộ những giải pháp cụ thể.
Trên đây là một số giải pháp về mặt chính sách và các giải pháp cụ thể để đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nói chung và khu công nghệ cao TP. HCM nói riêng. Tất nhiên những giải pháp trên đây chưa phải bao quát và đầy đủ, nhưng cũng bao hàm những nội dung cơ bản cho việc đào tạo nguồn nhân lực tại TP. HCM.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Nguyễn Sinh Cúc (2014). Nguồn nhân lực và phát triển nguồn nhân lực. Truy cập tại: http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/tu-dien-mo/item/788-nguon-nhan-luc-va-phat-trien-nguon-nhan-luc.html
2. Bộ Xây dựng, (2007). Loại hình khu công nghệ cao trên thế giới với vai trò thúc đẩy khoa học và công nghệ mới phát triển. Truy cập tại: https://moc.gov.vn/tl/tin-tuc/50710/loai-hinh-khu-cong-nghe-cao-tren-the-gioi-voi-vai-tro-thuc-day-khoa-hoc-va-cong-nghe-moi-phat-trien.aspx.  
3. Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh. Tổng quan về khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh. Truy cập tại: http://www.shtp.hochiminhcity.gov.vn/gioithieu/Pages/tongquanshtp.aspx.  
4. Đình Lý, (2020). Khu công nghệ cao thành phố là hạt nhân phát triển kinh tế thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới. Truy cập tại: https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/khu-cong-nghe-cao-tp-la-hat-nhan-phat-trien-kinh-te-cua-Tp. HCM-trong-thoi-gian-toi-1491872087.  
5. Vnexpress. Nhân lực cho các ngành công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh. Truy cập tại:  https://careerbuilder.vn/vi/talentcommunity/nhan-luc-cho-cac-nganh-cong-nghe-cao-tai-viet-nam.35A51253.html.  
6. Học viện Cảnh sát nhân dân (2020). Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0. Truy cập tại: http://hvcsnd.edu.vn/nghien-cuu-trao-doi/dai-hoc-40/phat-trien-nguon-nhan-luc-viet-nam-dap-ung-yeu-cau-cua-cach-mang-cong-nghiep-4-0-6294.   
HUMAN RESOURCES FOR HO CHI MINH CITY’S HI-TECH PARKS BY 2030 – CURRENT SITUATION AND SOLUTIONS
Master. Le Trung Cang1
Master. Tran Ba Tho1
1University of Economics Ho Chi Minh City
ABSTRACT:
When the economy is gradually shifting to a knowledge – based economy with the international integration process, the establishment of hi-tech parks is an urgent issue. Hi-tech parks play an important and decisive role in the existence and development of a modern country. Ho Chi Minh City is one of the most populous and biggest economic centers of Vietnam. To support Ho Chi Minh City become a center of creativity with modern industries and services, it is necessary for the city to establish hi-tech parks. However, Ho Chi Minh City’s hi-tech parks need high – quality human resources to attract large domestic and foreign investors. The issue of training skilled workers for hi-tech parks is an urgent and exetremely important task as it affects the development and performance of hi-tech parks. Therefore, it is important for Ho Chi Minh City’s authorities, training institutions and businesses to have solutions and implement specific measures for facilitating the human resources training for Ho Chi Minh City in general and the city’s hi-tech park in particular. This paper presents the current situation and proposes some human resources training solutions for Ho Chi Minh City’s hi-tech parks by 2030.
Keywords: Ho Chi Minh City hi-tech park, human resources, situation, solution. 
ThS. Lê Trung Cang - ThS. Trần Bá Thọ (Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh)
(Nguồn: Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14, tháng 6 năm 2022)

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 0
  • 0
  • 5
  • 0
  • 3
  • 3