Thứ ba, 23/04/2024 | 18:32 - GMT+7

Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật hiện đại, công nghệ cao để phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô

Thành ủy Hà Nội đang xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của BCH Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

31/03/2023 - 07:34
Thành ủy Hà Nội đang xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của BCH Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, Chương trình hành động của Hà Nội dự kiến được xây dựng với 26 tiêu chí, chỉ tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bao gồm các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025 và 2030 với 7 chỉ tiêu về trình độ phát triển kinh tế, 9 chỉ tiêu về phát triển văn hóa, xã hội, 5 chỉ tiêu về trình độ phát triển đô thị và 4 chỉ tiêu về trình độ bảo vệ và quản lý môi trường.
Thông qua việc xây dựng các tiêu chí, chỉ tiêu, Chương trình hành động của Hà Nội xác định mục tiêu trọng tâm là xây dựng tổ chức, bộ máy chính quyền Thành phố theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với vai trò, vị trí và yêu cầu phát triển của Thủ đô. 
Hà Nội xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo (Ảnh: vpg.vn/)
Đặc biệt, với định hướng tập trung phát triển công nghệ cao, Hà Nội xác định tập trung tối đa nguồn lực để xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp Thủ đô theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường, tập trung chủ yếu vào các ngành có nhu cầu cùng giá trị tăng cao: sản xuất phần mềm, sản phẩm số, an toàn thông tin, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học… Đi cùng với đó là tập trung phát triển các ngành công nghiệp ICT, thu hút thêm sự quan tâm của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn về công nghệ thông tin trong và ngoài nước đầu tư vào thành phố, góp phần tạo ra hệ sinh thái để khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp về công nghệ thông tin.
Thành phố cũng tăng cường ứng dụng thành công các tiến bộ của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh quá trình giải ngân vốn và đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công viên phần mềm sẽ tiếp tục được Hà Nội tăng cường triển khai, sớm đưa vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội đi vào hoạt động. 
Đối với nhu cầu phát triển bền vững, hướng tới hiện thực hóa cam kết Net Zero của Chính phủ, Hà Nội chủ trương lựa chọn phát triển thêm một số ngành công nghiệp phát thải carbon thấp, sử dụng tiết kiệm đất đai và tài nguyên. Cùng với đó, thành phố sẽ tập trung cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, hướng đến phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa, phấn đấu trở thành địa phương đi đầu trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống.
Bên cạnh các mục tiêu phát triển công nghiệp, theo chương trình hành động, Hà Nội sẽ phối hợp cùng các đơn vị, bộ, ban, ngành tiến hành xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, có chính sách ưu đãi về thuế, tài chính, tín dụng, đất đai... cho nghiên cứu khoa học - công nghệ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và triển khai. Tiếp tục kiến nghị với Trung ương về việc giao Hà Nội quản lý Khu công nghệ cao Hòa lạc, xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo. Thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp chủ lực.
Đồng thời, Hà Nội cũng tập trung triển khai xây dựng cơ chế cho phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, các chính sách đặc thù, thí điểm cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh dựa trên công nghệ số và nền tảng số; xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách để tạo đột phá về phát triển hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng công nghệ thông tin; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, kết nối với đô thị, nhất là khu vực ven đô, từng bước tiệm cận về điều kiện hạ tầng khu vực đô thị.
Ngoài ra, thành phố ưu tiên huy động nguồn vốn tư nhân trong việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ; thúc đẩy nguồn vốn xã hội, thu hút mạnh mẽ nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân; ưu tiên nguồn lực tài chính nhà nước đầu tư cho phát triển hạ tầng, chuyển đổi số, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo…
Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, Hà Nội cũng sẽ siết chặt quản lý, đảm bảo việc thực hiện các giải pháp công nghệ đúng trọng tâm, không dàn trải, giúp tạo ra vành đai xanh, bảo đảm môi trường sống hiện đại, trong lành cho người dân. Từ đó giúp hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thủ đô hiện đại, giàu đẹp, góp phần đáp ứng các yêu cầu của Ban Chấp hành TW về việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Quang Ngọc

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 2
  • 1
  • 6
  • 0
  • 2
  • 2