Thứ hai, 29/04/2024 | 14:58 - GMT+7

Thực hiện chuyển đổi số toàn điện trên địa bàn tỉnh Nam Định

Xác định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu khách quan, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế xã - hội, Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh Nam Định đã ban hành Kế hoạch hoạt động thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số tỉnh Nam Định năm 2023.

20/09/2023 - 09:16
Theo đó, năm 2023 tỉnh Nam Định phấn đấu đầu tư, nâng cấp, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp về phát triển hạ tầng, nền tảng số nhằm đảm bảo đáp ứng cho việc xây dựng, phát triển dữ liệu số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đảm bảo an toàn thông tin trên không gian mạng. 
Mục tiêu cụ thể
Về dữ liệu số, phấn đấu 100% cơ quan nhà nước có kế hoạch và lộ trình cụ thể để xây dựng, triển khai các cơ sở dữ liệu trong danh mục thuộc phạm vị quản lý; 100% dữ liệu mở trong danh mục thuộc phạm vị quản của các cơ quan nhà nước được công bố công khai và thực hiện cung cấp trên môi trường điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp; 100% các sở, ban, ngành của tỉnh và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện chuyển đổi số ít nhất 02 lĩch vực công tác thuộc phạm vi quản lý và thực hiện chia sẻ dữ liêu trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu LGSP của tỉnh.
Phấn đấu 100% người dân, doanh nghiệp được tạo lập kho dữ liệu điện tử đáp ứng đầy đủ chức năng theo quy định khi phát sinh yêu cầu giải quyết TTHC với các cơ quan nhà nước trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh; 100% các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh tiến hành rà soát các chương trình đào tạo để xem xét bổ sung, lồng ghép nội dung, chuẩn đầu ra về dữ liệu lớn, thiết kế, phân tích, xử lý dữ liệu phù hợp với đặc thù tương ứng của từng ngành, nghề đào tạo; 100% các trang, cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước được đánh giá an toàn thông tin và gán nhãn tín nhiệm mạng.
Nhiều doanh nghiệp ở Nam Định được hỗ trợ chuyển đổi số. (Ảnh: Vietnamnet.vn)
Về Chính quyền số, phấn đấu 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật của tỉnh được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình và được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương; 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa; trên 90% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến toàn trình hoặc một phần; trên 60% hồ sơ thủ tục hành chính được người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến từ xa. 
Về Kinh tế số, phấn đấu đưa tỷ trọng kinh tế số trong GRDP trên 16%; Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ trên 8,5%; 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh triển khai dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; 80% cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh triển khai dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; Trên 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận dùng thử các nền tảng chuyển đổi số, trên 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa thường xuyên sử dụng các nền tảng chuyển đổi số. 
Về Xã hội số, phấn đấu tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh trên 80%; Tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng trên 85%; Tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản định danh điện tử trên 30%; Tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân trên 20%; Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác trên 75%; Tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản dịch vụ công trực tuyến trên 60%; Tỷ lệ dân số trưởng thành sử dụng nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa trên 30%; Tỷ lệ dân số có hồ sơ sức khỏe điện tử trên 80%
Về an toàn, an ninh mạng, tỉnh Nam Định phấn đấu 90% hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước hoàn thành phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin; 40% hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; Tỷ lệ thuê bao điện thoại di động thông minh có sử dụng phần mềm an toàn thông tin mạng cơ bản trên 20%; Tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng có sử dụng giải pháp an toàn thông tin mạng cơ bản đạt trên 10%.
Nhiệm vụ trọng tâm
Để đạt được những mục tiêu đã đề ra, Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh Nam Định xác định một số nhiệm vụ trọng tâm với sự chủ trì tham mưu thực hiện của các Sở, ban ngành cụ thể. Trong đó, chú trọng việc tham mưu cho Bộ TTTT, UBND tỉnh tổ chức Diễn đàn Quốc gia về phát triển kinh tế số Việt Nam; Tổ chức các hội nghị tập huấn nâng phổ biến kiến thức về chuyển đổi số theo ngành, lĩnh vực cho các cơ quan nhà nước và các tổ chức đoàn thể, đội ngũ nòng cốt về chuyển đổi số của tỉnh; Xây dựng Kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ được Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số giao thực hiện tại Quyết định số 17/QĐ-UBQGCĐS ngày 04/4/2023.
Bên cạnh đó, phối hợp với Sở Công Thương tỉnh triển khai việc Số hóa cơ sở dữ liệu các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn từ năm 2016 đến nay; phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu lĩnh vực quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, xây dựng cơ sở dữ liệu lĩnh vực đăng ký phương tiện thủy nội địa.
Nam Định tăng cường thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học (Ảnh: Báo tin tức)
Phối hợp với UBND các huyện, thành phố thực hiện chuyển đổi số trong các trường học Tiểu học, THCS; mục tiêu đưa toàn bộ hoạt động quản lý của Nhà trường, hoạt động giảng dạy của các thầy giáo, cô giáo và đưa mối quan hệ giao tiếp của các bậc phụ huynh với Nhà trường, các thầy giáo, cô giáo cũng như đưa mọi hoạt động học tập, sinh hoạt của học sinh lên trên môi trường điện tử và thiết bị di động; hướng tới từng bước xây dựng mô hình trường học thông minh trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, phối hợp với các Sở, ban ngành xây dựng kế hoạch chi tiết để chỉ đạo, triển khai thực hiện trong đó xác định các nội dung nhiệm vụ cụ thể để phấn đấu đạt các chỉ tiêu đề ra thuộc trách nhiệm của cá nhân, ngành phụ trách. Đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ Chuyển đổi số thuộc phạm vi quản lý nhà nước của các Sở, ngành, địa phương. Cũng như chủ động đề xuất những nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số thuộc lĩnh vực cá nhân phụ trách.
Việc thúc đẩy chuyển đổi số không những tạo giá trị gia tăng đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh Nam Định, mà còn tạo đòn bẩy phát triển kinh tế xã hội chung trên địa bàn tỉnh Nam Định. Tỉnh Nam Định cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, cơ bản hoàn thành chuyển đổi số gắn với việc xây dựng các đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với Trung ương và hệ thống các đô thị thông minh trên toàn quốc.
Tố Uyên

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 2
  • 8
  • 6
  • 8
  • 4
  • 3