Thứ bảy, 27/04/2024 | 18:32 - GMT+7

Hà Nội đề xuất nhiều nhiệm vụ nhằm phát triển Chính quyền số trong năm 2024

​Mới đây, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 57/KH-UBND về Chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh năm 2024 (Kế hoạch). Trong đó, nhiều nhiệm vụ nhằm phát triển Chính quyền số trong năm nay đã được đề xuất.

26/02/2024 - 08:19
Để phát triển Chính quyền số, trong năm 2024, cần tích cực tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức. Triển khai thiết lập các kênh truyền thông để các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố và tổ chức, doanh nghiệp, người dân tích cực hưởng ứng tham gia chuyển đổi số, xây dựng, quản lý, giám sát và vận hành thành phố thông minh. Phát hiện, tôn vinh, phổ biến các câu chuyện, bài học, mô hình chuyển đổi số thành công trên địa bàn Thành phố. Đồng thời, triển khai các hoạt động của đơn vị và địa bàn phụ trách hướng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia theo chủ đề năm và Kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành.
Đối với nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, tiếp tục xây dựng quy chế khai thác, chia sẻ dữ liệu của Thành phố; quy chế sử dụng hạ tầng lưu trữ dữ liệu của Thành phố. Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và tổ chức triển khai chuyển đổi số trên địa bàn và tại các cơ quan, đơn vị; bổ sung nguồn lực kịp thời đáp ứng yêu cầu triển khai nhiệm vụ. 
Song song với đó, cần rà soát, cập nhật, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và xây dựng quy chế, quy định của Thành phố về xây dựng, phát triển, quản lý, vận hành, khai thác các hệ thống thông tin phục vụ Chính quyền điện tử phù hợp với định hướng của Chính phủ và hướng dẫn của các Bộ, ngành và tình hình triển khai thực tế của Thành phố. Cụ thể: xây dựng Kiến trúc chính quyền điện tử Thành phố phiên bản 3.0 bảo đảm phù hợp với Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 3.0 do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành; Rà soát, xây dựng cơ chế chính sách thuộc thẩm quyền của Thành phố để đảm bảo thi hành Luật Giao dịch điện tử; Cập nhật danh mục cơ sở dữ liệu Thành phố (khi có điều chỉnh, phát sinh); tổ chức triển khai mở dữ liệu của Thành phố theo lộ trình…
Phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số là trọng tâm trong cải cách hành chính (Nguồn ảnh: laodongthudo.vn)
Với nhiệm vụ phát triển hạ tầng số, trong năm 2024, toàn thành phố duy trì, phát triển hạ tầng đường truyền mạng WAN, mạng Internet cho các Sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã; UBND các xã, phường, thị trấn; kết nối với Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước; Tổng đài nhắn tin phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của thành phố Hà Nội. 
Đồng thời, triển khai Trung tâm dữ liệu chính phục vụ triển khai Chính quyền số theo hướng sử dụng công nghệ hiện đại, có khả năng kết nối, chia sẻ theo quy định; duy trì hoạt động Trung tâm dữ liệu Nhà nước tại số 185 Giảng Võ. Nghiên cứu, đề xuất Đề án tổng thể về quản lý hệ thống camera giám sát tập trung của Thành phố. Duy trì, mở rộng Hệ thống Họp giao ban trực tuyến của Thành phố theo quy định. Nâng cấp, mở rộng, hoàn thiện hạ tầng CNTT đảm bảo phục vụ kịp thời các hoạt động ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan nhà nước của Thành phố và phục vụ người dân, doanh nghiệp…
Về nhiệm vụ phát triển nền tảng, hệ thống, toàn thành phố tiếp tục duy trì, vận hành, khai thác hiệu quả Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Thành phố (LGSP) phục vụ kết nối, chia sẻ các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của Thành phố và các hệ thống thông tin (HTTT)/cơ sở dữ liệu (CSDL) Quốc gia, của các Bộ, ngành. Bên cạnh đó, triển khai Hệ thống giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC) cho các hệ thống thông tin của Thành phố và kết nối, chia sẻ thông tin với Hệ thống đảm bảo an toàn thông tin của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông theo 4 quy định. 
Phát triển hệ thống quản trị công việc tổng thể của Thành phố (khi có hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông), hệ thống cho phép người sử dụng (toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước từ cấp Thành phố đến cấp xã) đăng nhập một lần, trải nghiệm xuyên suốt, đồng bộ các chức năng về thư điện tử, văn bản điện tử, lịch làm việc, họp trực tuyến, đôn đốc, nhắc việc, chia sẻ tệp tin và các chức năng khác hỗ trợ công vụ. Triển khai ứng dụng Nền tảng Trợ lý ảo thuộc 3 nhóm: Trợ lý ảo hỗ trợ công chức, viên chức; Trợ lý ảo hỗ trợ rà soát văn bản quy phạm pháp luật; Trợ lý ảo phục vụ người dân theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông…
Đối với nhiệm vụ phát triển dữ liệu số, các cơ quan chức năng phối hợp các Bộ, ngành duy trì, phát triển CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành theo hướng dẫn của Bộ, ngành. Phát triển các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ ứng dụng, dịch vụ Chính quyền số trong nội bộ Thành phố bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ… Đồng thời, triển khai mở dữ liệu theo lộ trình của Thành phố nhằm công khai minh bạch các thông tin cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp tra cứu, tìm hiểu.
Theo Kế hoạch, nhiệm vụ phát triển ứng dụng, dịch vụ để phục vụ người dân, doanh nghiệp và phục vụ hoạt động điều hành nội bộ cũng cần được chú trọng. 
Mặt khác, vấn đề bảo đảm an toàn thông tin mạng cũng được UBND thành phố nhấn mạnh, theo đó, các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục tổ chức xây dựng và phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ; Triển khai phương án bảo vệ theo hồ sơ đã được phê duyệt theo thẩm quyền; Hoàn thành đánh giá và gán nhãn tín nhiệm mạng cho các trang, cổng TTĐT của cơ quan nhà nước. Thực hiện kiểm tra đánh giá định kỳ an toàn thông tin cho HTTT theo quy định và hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tổ chức cuộc diễn tập thực chiến, ưu tiên diễn tập đối với HTTT cấp độ 3 trở lên. Tiếp tục duy trì bản quyền các thiết bị tường lửa và phần mềm phòng chống mã độc.
Các nhiệm vụ trong Kế hoạch nhằm hướng đến mục tiêu chung là hoàn thành triển khai hạ tầng số trong các cơ quan nhà nước Thành phố; Triển khai cung cấp dữ liệu mở của chính quyền Thành phố theo lộ trình để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số; Tăng chỉ số xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh của thành phố Hà Nội… 
Xem chi tiết TẠI ĐÂY
Phương Loan

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 2
  • 6
  • 2
  • 8
  • 3
  • 5