Thứ bảy, 27/04/2024 | 15:13 - GMT+7

Thực trạng chuyển đổi số của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội

Đề tài Thực trạng chuyển đổi số của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội do Nguyễn Thị Ngọc Ánh - Nguyễn Đức Xuân - Nguyễn Minh Anh (Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) - Nguyễn Tuấn Anh (Viện Nghiên cứu Thị trường và Thể chế nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) thực hiện.

02/01/2024 - 08:37
TÓM TẮT:
Nghiên cứu này dựa trên tiêu chí của báo cáo thường niên về chuyển đổi số doanh nghiệp năm 2022 cho thấy tình hình chuyển đổi số (CĐS) trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại Hà Nội còn hạn chế và hiệu suất thấp. Qua nghiên cứu cho thấy, một số DNVV vẫn chưa thấu hiểu đầy đủ về vai trò của CĐS, chưa xác định được hướng đi và lộ trình CĐS cần thiết. Trong quá trình CĐS tại DNNV Hà Nội, lĩnh vực kế toán được thực hiện CĐS mạnh nhất, với gần 40% doanh nghiệp sử dụng công nghệ số ở mức độ cao và thường xuyên. Về vấn đề nguồn lực tài chính cho CĐS DNNVV tại Hà Nội, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Hơn 43,8% doanh nghiệp đã có dự toán ngân sách đầu tư cho CĐS, nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế; 20% doanh nghiệp hoàn toàn không có dự toán ngân sách đầu tư cho CĐS. Từ kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả khuyến nghị một số giải pháp thúc đẩy CĐS tại DNNVV Hà Nội từ phía cơ quan quản lý nhà nước.
Từ khóa: chuyển đổi số, doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hà Nội.
1. Đặt vấn đề
Chuyển đổi số hiện nay không chỉ tạo cơ hội kết nối mạng lưới, thu gọn khoảng cách giữa các bộ phận trong tổ chức, nâng cao hiệu suất quản trị doanh nghiệp và tối ưu hóa năng suất làm việc của nhân viên, còn giúp cải thiện chất lượng sản phẩm và tăng cường khả năng cạnh tranh. Để duy trì và nâng cao sự cạnh tranh trong môi trường kinh doanh ngày càng phức tạp, các doanh nghiệp phải thích nghi với sự thay đổi và sử dụng công nghệ số hóa để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, cải thiện hiệu suất và chất lượng, tạo ra giá trị cho khách hàng. Chuyển đổi số đóng một vai trò quan trọng trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV). Chuyển đổi số là quá trình tích hợp các công nghệ số vào hoạt động của doanh nghiệp và tổ chức, nhằm thay đổi cơ bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp giá trị mới cho khách hàng. Nó đại diện cho sự thay đổi trong cách quản lý, quy trình, thủ tục và văn hóa dựa trên nền tảng kỹ thuật số, nhằm mục tiêu gia tăng hiệu quả.
Hiện nay, các DNNVV đang đối mặt với thách thức lớn từ quá trình hội nhập và chuyển đổi số, cùng với khó khăn từ tình hình phức tạp của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu. CĐS có tác động đáng kể đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Dựa trên khảo sát công bố vào tháng 9/2021 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trên mẫu gần 10.000 doanh nghiệp, có thể thấy dịch Covid-19 đã tác động đến 87% trong số họ. Nhiều doanh nghiệp đã ghi nhận sụt giảm lớn từ 50% đến 90% trong doanh thu so với trước đại dịch, một số DN thậm chí đã phải tạm ngừng sản xuất và kinh doanh. Vì vậy, việc CĐS trở thành một giải pháp quan trọng và là một xu hướng không thể tránh được để DNNVV cải thiện năng lực cạnh tranh, tăng hiệu suất sản xuất, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đẩy mạnh hội nhập và đảm bảo sự phát triển bền vững.
Hà Nội đã đặt mục tiêu trở thành một trong năm địa phương dẫn đầu về CĐS và xây dựng chính quyền điện tử vào năm 2025. Để đạt được điều này, thành phố đã phát triển kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp và doanh nghiệp CĐS, đầu tư hơn 20 tỷ đồng vào năm 2021 và hơn 15 tỷ đồng vào năm 2022 (Ngọc Trang, 2023). Hà Nội đã đặt mục tiêu quan trọng đảm bảo 100% doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn của thành phố nâng cao nhận thức về CĐS đến năm 2025. Để thực hiện mục tiêu này, Hà Nội đã tận dụng nguồn lực tài chính để hỗ trợ khoảng 90.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong CĐS. Hỗ trợ này bao gồm việc cung cấp tài liệu hướng dẫn, đào tạo kiến thức, tư vấn, cung cấp các nền tảng số hóa và hỗ trợ tài chính cho việc mua hoặc thuê các giải pháp CĐS. Thành phố cũng khuyến khích doanh nghiệp sử dụng chữ ký số và hóa đơn điện tử. Đây là một bước quan trọng trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững và cải thiện hiệu suất kinh doanh của doanh nghiệp trong thời đại số hiện nay. Đối tượng mà thành phố ưu tiên hỗ trợ là các doanh nghiệp nhỏ và vừa được xác định theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ đăng ký trụ sở chính trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhu cầu hỗ trợ CĐS. Do đó, nghiên cứu này nhằm mục đích đánh giá chi tiết hơn tình hình CĐS tại DNVVV trên địa bàn thành phố Hà Nội. Qua đó làm rõ những cơ hội và thách thức CĐS tại các DNVVV tại Hà Nội, từ đó khuyến nghị và giải pháp để tăng cường hiệu quả của quá trình CĐS.
2. Cơ sở lý thuyết về chuyển đổi số trong doanh nghiệp
Theo White (2008), CĐS trong doanh nghiệp được hình thành thông qua sự kết hợp của môi trường công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT) cho cả cá nhân và doanh nghiệp. Đồng thời, nó tổng hợp hiệu quả của việc chuyển đổi các công nghệ số mới như công nghệ xã hội, di động, phân tích dữ liệu. Theo nghĩa rộng hơn, CĐS được hiểu là sự tích hợp của công nghệ số và quy trình kinh doanh trong nền kinh tế số. Tác động của quá trình CĐS đối với tổ chức bao gồm 3 khía cạnh chính: (i) khía cạnh từ bên ngoài: CĐS có tác động đối với trải nghiệm của khách hàng và làm thay đổi hoàn toàn quy trình tương tác của họ với DN. Điều này đòi hỏi DN tập trung vào cách họ cung cấp sản phẩm và dịch vụ, cách họ đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong một môi trường số hóa, (ii) khía cạnh từ bên trong: chuyển đổi số cũng ảnh hưởng đến các mục tiêu kinh doanh, vai trò của lãnh đạo và cơ cấu tổ chức của DN. Điều này có thể đòi hỏi DN phải thay đổi cách họ quản lý và điều hành, tạo ra sự linh hoạt để thích nghi với môi trường số hóa, (iii) khía cạnh tổng thể: khi chuyển đổi số ảnh hưởng đến tất cả các bộ phận và cơ hội kinh doanh trong DN. Điều này thường dẫn đến việc phát triển các mô hình kinh doanh hoàn toàn mới, thay đổi cách tổ chức tương tác với thị trường và tạo ra giá trị cho khách hàng (Hess và cộng sự., 2016).
Theo (Loan, 2023), CĐS doanh nghiệp còn được gọi là quá trình tối ưu hóa hoạt động kinh doanh (digital business optimization). CĐS là việc áp dụng các công nghệ tiên tiến vào hoạt động kinh doanh để thay thế từng bước các quy trình truyền thống bằng các quy trình hiện đại và khoa học hơn. Mục tiêu cuối cùng là tăng cường chất lượng và hiệu suất trong quản lý doanh nghiệp và cung cấp cho khách hàng các dịch vụ và trải nghiệm tốt hơn, từ đó cải thiện khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Sự cạnh tranh trong cuộc đua CĐS tại Việt Nam mang đến cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp. Các mô hình CĐS không chỉ cung cấp dịch vụ hữu ích cho người dân mà còn tận dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội. Tuy nhiên, chúng cũng tạo ra sự mâu thuẫn và thay đổi căn bản trong mô hình kinh doanh truyền thống. Công nghệ mới đang giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp đạt được lợi thế trong các ngành công nghiệp truyền thống. Điều này thúc đẩy sự thay đổi quan trọng trong chuỗi giá trị của nhiều ngành công nghiệp và chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, các tổ chức, doanh nghiệp và mô hình truyền thống phải thực hiện các điều chỉnh mạnh mẽ để tồn tại và phát triển trong môi trường kinh tế số hóa ngày nay.
3. Thực trạng chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội
3.1. Tình hình phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội
Trên địa bàn Thành phố Hà Nội, tổng số DNNVV vào năm 2022 khoảng 351.000 doanh nghiệp (DN), chiếm tỷ lệ 97,2% trong tổng số doanh nghiệp hoạt động. Trong số này, có 29,6 nghìn DN mới được thành lập trong năm, đánh dấu một tăng trưởng ấn tượng lên đến 23% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, cũng có 9,8 nghìn DNhoạt động trở lại, với sự tăng trưởng 1,5% so với năm 2021. Tuy nhiên, đáng chú ý là sự tăng của số DNtạm ngừng hoạt động đã lên đến 38% so với năm 2021, đạt khoảng 16,4 nghìn DN. Trong số này, có 3,6 nghìn DN đã giải thể, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Thực tế, dù có sự gia tăng đáng kể trong số DN mới được thành lập (tăng 23% so với 2021), nhưng số lượng các DN giải thể và tạm ngừng hoạt động tăng nhanh hơn với tốc độ 38% (Minh, 2023).
Nếu xét về quy mô, trong số các DNNVV đang hoạt động trên địa bàn, DNNVV thuộc khu vực ngoài quốc doanh chiếm tỷ trọng lớn nhất, ước khoảng 97,2%. Điều này chỉ ra rằng, DNNVV trong khu vực ngoài quốc doanh đóng góp một phần quan trọng vào kinh tế Hà Nội. Vốn sản xuất kinh doanh trung bình của các DNNVV ngoài quốc doanh đã tăng 10,2%. Điều này có thể thể hiện sự phát triển và tăng cường hiệu suất của các DNtrong khu vực này.
DNNVV chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, chiếm tỷ lệ lớn lên đến 90%. Có một phần nhỏ, chiếm 8,3% trong  tổng số DNNVV hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp xây dựng. Còn lại, lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng thấp nhất và hầu hết là các DNNVV siêu nhỏ, chiếm 1,7% tỷ lệ. Điều này cho thấy sự đa dạng về hoạt động và quy mô của DNNVV tại thành phố Hà Nội, với dịch vụ chiếm một phần lớn.
3.2. Thực trạng chuyển đổi số trong các DNNVV trên địa bàn thành phố Hà Nội
Theo Thông tấn xã Việt Nam (2022), Hà Nội đã phê duyệt Kế hoạch "Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025". Kế hoạch này bao gồm một loạt các nhiệm vụ và hoạt động để thúc đẩy sự CĐScho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các năm 2023, 2024 và 2025 sẽ tập trung vào triển khai các hoạt động cụ thể như truyền thông, tuyên truyền, nâng cấp phần mềm thu thập dữ liệu, chỉnh sửa tài liệu, cẩm nang, ấn phẩm và đảm bảo hiệu quả CĐStoàn diện và hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp. Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp CĐSở Hà Nội dự kiến sẽ có tổng kinh phí là 315,164 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách của thành phố sẽ chi trả 195,364 tỷ đồng và số tiền còn lại sẽ được doanh nghiệp đóng góp và huy động từ các nguồn tài chính khác, với tổng số là 119,8 tỷ đồng. Điều này nhằm hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi số và thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp số tại thành phố Hà Nội.
Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội, đã thấy rằng trong năm 2022, tại giai đoạn  phục hồi sau đại dịch Covid-19, có đến 90% doanh nghiệp ở Hà Nội thể hiện sự quan tâm đối với việcCĐS. Tuy nhiên, chỉ có 40% trong số họ sẵn sàng đầu tư để thực hiện quá trìnhCĐS. Tình hình này cho thấy mức độ quan tâm và tỉ lệ thực hiện CĐSkhông đồng đều trong DNNVV tại Hà Nội (Hoa Vũ, 2023).
Nghiên cứu này khảo sát sơ bộ 534 DNNVV trên địa bàn thành phố Hà Nội dựa vào tiêu chí được Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã công bố Báo cáo thường niên Chuyển đổi số doanh nghiệp 2022 với chủ đề “Mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam” để đánh giá thực trạng  CĐS của DNNVV tại Hà Nội. (Hình 1)
Hình 1: Vị trí DNNVV trong lộ trình chuyển đổi số tại Hà Nội (%)
Hầu hết các doanh nghiệp được khảo sát đã tiến hành cho thấy, họ thực hiện CĐS có sự phân mảnh, tức là họ quản lý từng chức năng hoạt động riêng lẻ, như vận chuyển hàng hóa, quản lý kho hàng, bán hàng, quản lý nhân sự và kế toán, mà thiếu tính kết nối và đồng bộ giữa các phần mềm hoặc quy trình liên quan. Hầu hết các doanh nghiệp ở Hà Nội đã thể hiện quan tâm đến việc chuyển đổi số, đặc biệt sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, tỉ lệ doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vào CĐSvẫn còn thấp. Một số doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ số, nhưng chủ yếu trong một số nghiệp vụ cụ thể, chưa thực hiện đồng đều và toàn diện. Xét về mức độ sử dụng phần mềm trong các hoạt động của doanh nghiệp, kế toán là nghiệp vụ mà các DNNVV Hà Nội CĐS lớn nhất, với gần 40% doanh nghiệp sử dụng công nghệ số ở mức độ cao và thường xuyên. Tình hình quản lý xe và vận chuyển hàng hóa trong doanh nghiệp ở Hà Nội cho thấy rằng 64% doanh nghiệp mới chỉ sử dụng phần mềm số ở mức rất ít hoặc hiếm sử dụng. Doanh nghiệp ứng dụng phần mềm số thường xuyên ở hoạt động này chiếm tỷ lệ thấp, mới chỉ có 18,25%. Hơn 40% doanh nghiệp hiện không hoặc rất ít sử dụng phần mềm số trong các hoạt động quản lý kho hàng, đơn hàng, khách hàng và quản lý nhân sự.
Từ kết quả Hình 1, nhìn chung các DNNVV tại Hà Nội đã có nhận thức về CĐS, nhưng quá trình CĐS còn rất thấp và chưa đạt như kỳ vọng. 35.75% doanh nghiệp đã từng sử dụng một số giải pháp CĐS nhưng hiện tại không còn sử dụng, 39.45% doanh nghiệp đã số hóa dữ liệu, quy trình. Tuy nhiên, chỉ 1.58% đã làm chủ công nghệ, phần mềm quản lý để phân tích dữ liệu, tự động hóa.
Hình 2: Mức độ sử dụng phần mềm trong các hoạt động của doanh nghiệp (%)


Xét về ngân sách cho CĐS tại các DNNVV tại Hà Nội cho thấy doanh nghiệp đang gặp khó khăn về nguồn lực tài chính khi muốn ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh. Nhu cầu đầu tư lớn vào phần mềm, cơ sở hạ tầng và đào tạo nhân viên về công nghệ số là một thách thức đối với họ. Kết quả khảo sát cho thấy dưới 26,45% doanh nghiệp có đủ ngân sách để thực hiện CĐStừ mức trung bình đến đầy đủ và tiếp nhận các tư vấn và giải pháp CĐS. Tuy nhiên, đáng chú ý là có hơn 43,8% doanh nghiệp đã có dự toán ngân sách đầu tư cho CĐS, nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Báo động nhất có tới 20% doanh nghiệp hoàn toàn không có dự toán ngân sách đầu tư cho CĐS. (Hình 3)
Hình 3: Ngân sách để đầu tư cho chuyển đổi số của DNNVV tại Hà Nội (%)

                                                                Nguồn: Kết quả điều tra của nhóm tác giả,2023
4. Kết luận
Dựa vào báo cáo thường niên về CĐS của doanh nghiệp năm 2022 với chủ đề "Mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam" do Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã công bố, nghiên cứu này đã thực hiện khảo sát trên mẫu gồm 534 DNNVV trên địa bàn của thành phố Hà Nội. Kết quả nghiên cứu cho thấy công tác CĐS trong doanh nghiệp trên địa bàn thành phố hiện vẫn còn hạn chế và hiệu quả đạt được vẫn thấp. Một số doanh nghiệp chưa nhận thức đúng về vai trò của CĐS và chưa xác định được vấn đề cũng như lộ trình cần thực hiện để CĐS cho doanh nghiệp. Trong quá trình CĐS tại DNNV Hà Nội, lĩnh vực kế toán được thực hiện CĐS mạnh nhất, với gần 40% doanh nghiệp sử dụng công nghệ số ở mức độ cao và thường xuyên. Về vấn đề nguồn lực tài chính cho CĐS  DNNVV tại Hà Nội, doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Việc áp dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh đòi hỏi một nguồn lực tài chính đáng kể và nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi muốn đầu tư vào CĐS. Hơn 43,8% doanh nghiệp đã có dự toán ngân sách đầu tư cho CĐS, nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế; 20% doanh nghiệp hoàn toàn không có dự toán ngân sách đầu tư cho CĐS. Từ kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả khuyến nghị một số giải pháp thúc đẩy CĐS tại DNNVV Hà Nội cụ thể như sau:
Thứ nhất, hỗ trợ tài chính cho DNNVV trong quá trình CĐS có thể được thực hiện thông qua các biện pháp và chương trình như khoản vay ưu đãi: Chính phủ có thể cung cấp chương trình cho vay với lãi suất thấp hoặc không lãi suất để hỗ trợ DNNVV trong đầu tư vào công nghệ số. Những khoản vay này giúp giảm gánh nặng tài chính ban đầu; hỗ trợ tài chính trực tiếp như: Các chính quyền địa phương và tổ chức tài chính có thể cung cấp tài trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp để họ triển khai dự án chuyển đổi số, từ việc mua sắm thiết bị đến triển khai hệ thống; Chính sách thuế ưu đãi: Chính phủ có thể thiết lập các chính sách thuế ưu đãi, ví dụ như miễn thuế hoặc giảm thuế đối với các hoạt động và đầu tư liên quan đến CĐS. Điều này giúp giảm áp lực tài chính đối với DNNVV; Chương trình hỗ trợ và đào tạo: Cung cấp chương trình đào tạo và hỗ trợ để giúp DNNVV nắm vững các kỹ năng và kiến thức cần thiết để thực hiện chuyển đổi số một cách hiệu quả.
Thứ hai, để đẩy mạnh CĐS và tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV, UBND Hà Nội cần thực hiện một số biện pháp cụ thể sau: (i) Thúc đẩy phát triển môi trường thể chế và pháp lý: Để đảm bảo DNNVV có đủ quyền và khuyến khích tham gia vào CĐS, UBND Hà Nội cần cải thiện môi trường thể chế và pháp lý. Điều này bao gồm việc ban hành các quy định hỗ trợ và khuyến khích các hoạt động CĐS, (ii) Xây dựng quy hoạch và quy chuẩn: UBND Hà Nội cần phải xây dựng và công bố quy hoạch về phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời, cần phát hành các quy chuẩn để trao đổi thông tin giữa các cơ quan và đơn vị, nhằm đảm bảo sự liên kết và đồng bộ trong việc đầu tư và phát triển hạ tầng CĐS; (iii) Phát triển hạ tầng số và mạng di động 5G: Trong tương lai, UBND Hà Nội cần tiếp tục phát triển hạ tầng số, đặc biệt là triển khai mạng di động 5G. Điều này sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc CĐS và đảm bảo kết nối nhanh chóng và hiệu quả; (iv) Hỗ trợ và đào tạo CĐS: UBND Hà Nội cần hỗ trợ và đào tạo các chuyên gia CĐS cho các DNNVV. Điều này có thể bao gồm việc hình thành và tổ chức mạng lưới chuyên gia tư vấn về CĐS, hỗ trợ đào tạo và tư vấn CĐS cho các DNNVV; (v) Phát triển gói hỗ trợ: UBND Hà Nội cần xây dựng các gói hỗ trợ CĐS, bao gồm hướng dẫn và giải pháp công nghệ cho các nhóm đối tượng khác nhau, tùy theo quy mô, giai đoạn phát triển kinh doanh và theo lĩnh vực, ngành nghề.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
  1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, (2023), Báo cáo thường niên về Chuyển đổi số của doanh nghiệp năm 2022: Mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam. Truy cập tại https://digital.business.gov.vn/wp-content/uploads/2023/02/Annual-DX-Report_Final_Public.pdf
  2. Hess, T., Matt, C., Benlian, A., & Wiesböck, F. (2016). Options for formulating a digital transformation strategy. MIS Quarterly Executive, 15(2).
  3. Hoa Vũ. (2023). Doanh nghiệp Hà Nội trước thách thức chuyển đổi số. VNBUSINESS.
  4. Loan, N. T. (2023). Thúc đẩy chuyển đổi số nhằm nâng cao nâng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Tài chính Doanh nghiệp, Số 02 (235)
  5. Minh, Đ. V. (2023). Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP. Hà Nội. Tạp chí Tài chính, kỳ 1 số tháng 8/2023.
  6. Ngọc Trang. (2023). Hà Nội hướng tới mục tiêu Top 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Truy cập tại https://congthuong.vn/ha-noi-huong-toi-muc-tieu-top-5-dia-phuong-dan-dau-ca-nuoc-ve-chuyen-doi-so-276986.html
  7. Thông tấn xã Việt Nam. (2022). Hà Nội hỗ trợ đẩy nhanh chuyển đổi số trong doanh nghiệp đến 2025. Truy cập tại https://binhphuoc.gov.vn/vi/sngoaivu/chuyen-doi-so/ha-noi-ho-tro-day-nhanh-chuyen-doi-so-trong-doanh-nghiep-den-2025-640.html
  8. White, H. C. (2008). Identity and control: How social formations emerge: Princeton university press.
The current digital transformation of small and medium-sized enterprises in Hanoi
Nguyen Ngoc Anh1
Ph.D Nguyen Duc Xuan1
Nguyen Tuan Anh2
Nguyen Minh Anh1
1University of Economics and Business, Vietnam National University - Hanoi
2Institute of Agricultural Market and Institution Research, Vietnam National University of Agriculture
Abstract:
This study is based on the criteria outlined in the 2022 Annual Report on Business Digital Transformation. The study finds that the digital transformation of small and medium-sized enterprises (SMEs) in Hanoi is still limited and suboptimal. In addition, some SMEs have not fully understood the role of digital transformation and have not defined the necessary digital transformation direction and roadmap. During the digital transformation of SMEs in Hanoi, the accounting sector has received the most attention, as nearly 40% of businesses apply digital technologies extensively and regularly in accounting work. Regarding the financial resources for digital transformation, more than 43.8% of SMEs in Hanoi have allocated budgets for their digital transformation but fall short of meeting the practical needs, while 20% of SMEs have no budget for the digital transformation. Based on the study’s findings, some solutions from the perspective of government agencies are proposed to facilitate the digital transformation of SMEs in Hanoi.
Keywords: digital transformation, small and medium-sized enterprises, Hanoi.
Nguyễn Thị Ngọc Ánh - Nguyễn Đức Xuân - Nguyễn Minh Anh (Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội)
Nguyễn Tuấn Anh (Viện Nghiên cứu Thị trường và Thể chế nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam)
(Nguồn: Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 22 tháng 10 năm 2023)

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 2
  • 6
  • 2
  • 0
  • 1
  • 6