Thứ bảy, 27/04/2024 | 21:07 - GMT+7

Hải Dương: Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số

Trong năm 2022, tỉnh Hải Dương đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm kết nối, chia sẻ dữ liệu hướng tới hoàn thiện Chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số.

08/08/2023 - 08:35
Cụ thể, để thể hiện quyết tâm lớn trong chiến lược chuyển đổi số, năm 2022, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Quyết định số 685/QĐ-UBND ngày 21/3/2022 chọn ngày ban hành Nghị quyết 06/TU - ngày 26/3 hàng năm là Ngày chuyển đổi số tỉnh Hải Dương. Kể từ đó, tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. 
Bên cạnh đó, tỉnh đã phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí và chỉ đạo các cơ quan báo chí, hệ thống truyền thanh đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Kênh truyền thông “Chuyển đổi số quốc gia” trên zalo nhằm giúp cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh hiểu rõ hơn về chuyển đổi số và chung tay đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Gian hàng giới thiệu sản phẩm tại Chương trình chuyển đổi số tỉnh Hải Dương (Ảnh: Nhân dân)
Về chính quyền số, các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị của tỉnh đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong điều hành, tác nghiệp. Trong năm, tỉnh đã tập trung nguồn lực để triển khai Đề án “Xây dựng Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”; bước đầu triển khai 03 dự án (DC, SOC, IOC) và một số ứng dụng nền tảng phục vụ cho việc phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp được triển khai đồng bộ và liên thông 4 cấp gắn với việc sử dụng hộp thư điện tử công vụ và chữ ký số chuyên dùng. Đến nay, đã thực hiện cấp trên 8.000 tài khoản thư điện tử công vụ; 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện và 90% cán bộ, công chức cấp xã thường xuyên sử dụng thư điện tử công vụ trong công việc. 100% các sở, ban, ngành cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã đã được cấp chứng thư số và sử dụng chứng thư số; đến nay, dã cấp 5.606 chứng thư số cho tổ chức, cá nhân các cơ quan hành chính nhà nước và 31 Sim PKI cho lãnh đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện.
Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến bước đầu được đầu tư nâng cấp, phục vụ tốt các cuộc họp giữa tỉnh với Trung ương và với các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh được triển khai sử dụng chính thức trong hoạt động của các cơ quan Đảng và đã được kết nối đến tất cả các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã để phục vụ cho Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến từ tỉnh đến xã và kết nối với Trung ương.
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính đã kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng hỗ trợ thanh toán trực tuyến Quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác giải quyết thủ tục hành chính. Hiện nay, đã tích hợp được 570 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh đang cung cấp 1.970 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 586 dịch vụ công trực tuyến toàn trình (mức độ 4), góp phần hiện đại hóa công tác quản lý, đảm bảo chính xác, kịp thời trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp, trong đó: 78,65% dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ trực tuyến, xếp thứ 40/63 tỉnh thành; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến chiếm 56,60%, xếp thứ 12/63 tỉnh, thành. Kết quả số hóa hồ sơ và kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh đạt 79,91%, cấp huyện đạt 24,03%, cấp xã đạt 48,78%.
Về kinh tế số, năm 2022, tỉnh Hải Dương đã tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp xuống còn 02 ngày làm việc (giảm 01 ngày so với quy định), tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp gia nhập thị trường. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 114 doanh nghiệp công nghệ số; tiếp tục tổ chức thực hiện tốt một số chính sách hỗ trợ đăng ký thành lập mới doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2022; phối hợp triển khai chương trình hỗ trợ chữ ký số, phần mềm kế toán cho các doanh nghiệp; đề xuất kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Hải Dương năm 2023 và giai đoạn 2023 - 2025, trong đó có nội dung hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ về chuyển đổi số.
Đồng thời, triển khai mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong các doanh nghiệp. Cơ bản các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã sử dụng Internet phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, ứng dụng rộng rãi các hình thức thanh toán điện tử... Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nộp thuế điện tử là 10.179/10.277, đạt tỷ lệ 99%.
Nhờ có chuyển đổi số mà Hải Dương kết nối được đầu ra cho lượng lớn nông sản địa phương (Ảnh: diendandoanhnghiep.vn)
Thị trường thương mại điện tử được quan tâm triển khai một cách tích cực và hiệu quả. Đến nay, nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử nổi tiếng như: Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Alibaba, Voso, Postmart và được tiêu thụ tốt. Hiện đã có 128.578 hộ sản xuất nông nghiệp được đưa lên sàn thương mại điện tử đang hoạt động, xếp thứ 19/63 tỉnh/thành phố; 1.077 sản phẩm của tỉnh được đưa lên sàn; số giao dịch trên sàn thương mại điện tử là 35.578 giao dịch, xếp thứ 7/63 tỉnh/thành phố.
Tỉnh Hải Dương cũng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc nông sản, gắn tem truy xuất nguồn gốc bằng mã QR code. Đến nay toàn tỉnh đã xây dựng và cấp được 261 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu; trên 20 công ty/hợp tác xã/tổ sản xuất thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. Đây là những chỉ số đáng mừng trong thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Kết quả năm 2022, kinh tế số chiếm khoảng 8,48% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Tốc độ tăng năng suất lao động đạt 7,6%.
Về xã hội số, năm 2022, địa phương đã thực hiện tuyên truyền Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành ngày 17/6/2021 trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các cơ quan có thẩm quyền tích cực trong việc giải quyết những vụ việc tiêu cực trên mạng xã hội, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng, tác động tiêu cực bởi công nghệ số. Đồng thời, thành lập Tổ chỉ đạo triển khai công nghệ số cộng đồng tỉnh Hải Dương. Đến nay, 12/12 huyện, thành phố, thị xã đã ban hành Quyết định thành lập Tổ chỉ đạo triển khai công nghệ số cộng đồng cấp huyện; 235 xã, phường, thị trấn đã ban hành Quyết định thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn/khu dân cư với 1.340 tổ và 6.891 thành viên. 
Ngoài ra, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân hiểu, người dân biết và cùng chung tay với chính quyền thực hiện chuyển đổi số; từng bước triển khai các dịch vụ, tiện ích phục vụ cho người dân như: xây dựng lắp đặt wifi công cộng, hệ thống khám chữa bệnh từ xa, hệ thống đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến, ứng dụng dành cho người dân,...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tỉnh Hải Dương vẫn tồn tại những hạn chế, khó khăn trong công tác chuyển đổi số như nguồn nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số còn hạn chế; nguồn nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số còn hạn chế; do đó, rất khó khăn trong triển khai các nhiệm vụ và giải pháp chuyển đổi số trong toàn tỉnh; Việc kết nối, tích hợp, liên thông, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành còn gặp nhiều khó khăn,... do đó, rất khó khăn trong việc triển khai các nhiệm vụ và giải pháp chuyển đổi số, ảnh hưởng đến kết quả chuyển đổi số của tỉnh, cũng như kết quả xếp hạng chỉ số cải cách hành chính của tỉnh trong năm 2022.
Tố Uyên

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 2
  • 6
  • 5
  • 4
  • 4
  • 4