Trong đó, riêng với lĩnh vực khoa học và công nghệ, tỉnh đã thu thập được thông tin, số hoá cơ sở dữ liệu khoa học và công nghệ (KH&CN) tỉnh Gia Lai, cơ sở dữ liệu tổ chức KH&CN, cơ sở dữ liệu cán bộ nghiên cứu KH&CN. Đồng thời, triển khai cập nhật 117 dữ liệu các đề tài, dự án KH&CN cấp tỉnh; 64 tổ chức KH&CN trên cả nước; 91 công bố KH&CN liên quan đến tỉnh Gia Lai.
Bên cạnh đó, tỉnh đã hoàn thiện WebGis cơ sở dữ liệu cây thuốc tỉnh Gia Lai (http://caythuocgialai.com.vn). Xây dựng và đưa vào hoạt động trang thông tin hỗ trợ quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cà phê Gia Lai (http://caphegialai.com.vn), trang thông tin trình độ công nghệ tỉnh Gia Lai (https://trinhdocongnghe.gialai.gov.vn) nhằm phục vụ cho công tác quản lý, phát triển công nghệ sản xuất trên địa bàn tỉnh. Duy trì hoạt động Cổng thông tin khởi nghiệp tỉnh (https://startup.gialai.gov.vn) và kết nối Cổng thông tin khởi nghiệp Quốc gia, nhằm cung cấp thông tin về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên phạm vi toàn quốc cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu.
Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh TP. Pleiku (Ảnh: Báo Gia Lai)
Ngoài ra, để hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số, tỉnh Gia Lai tăng cường hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng (online). Kết quả tỷ lệ hồ sơ giải quyết qua mạng điện tử (online) đạt 99% và hạn chế tối thiểu doanh nghiệp tiếp xúc trực tiếp với cán bộ “một của” và cán bộ thụ lý giải quyết hồ sơ; tạo thuận lợi, giảm thời gian và chi phí đi lại cho doanh nghiệp. Thường xuyên rà soát, chuẩn hóa, đơn giản hóa quy trình giải quyết các TTHC đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp nhằm đảm bảo phù hợp với hình thức dịch vụ công trực tuyến. Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh sử dụng nền tảng số là 30% (tính trên số doanh nghiệp được chiết xuất với ngành nghề đăng ký lĩnh vực công nghệ thông tin). 100% doanh nghiệp của tỉnh đã sử dụng hóa đơn điện tử.
Tỉnh cũng chú trọng công tác đào tạo nâng cao kỹ năng quản lý nguồn nhân lực cho doanh nghiệp công nghệ số, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghệ số: Hiện nay, tỉnh đã triển khai khảo sát nhu cầu đào tạo của doanh nghiệp nhỏ và vừa với nguồn kinh phí khoảng 296,3 triệu đồng và xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực, trong đó có các nội dung về chuyển đổi số (Khóa đào tạo kiến thức, kinh nghiệm cơ bản về khởi sự kinh; quản trị kinh doanh cơ bản; quản trị kinh doanh chuyên sâu; quản trị marketing, truyền thông và bán hàng; quản trị nguồn nhân lực - quản trị nhân sự,...).
Đặc biệt, tỉnh phối hợp với Cục Phát triển doanh nghiệp và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ USAID thông qua Dự án LinkSME triển khai Chương trình đào tạo chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để từng bước nâng cao năng lực về chuyển đổi số của cộng đồng doanh nghiệp, và giới thiệu các hỗ trợ của Chương trình. Khóa đào tạo "Chuyển đổi số mô hình kinh doanh và ứng dụng tiếp thị số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Gia Lai" có sự tham dự của hơn 70 đại biểu tới từ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Qua buổi đào tạo, các đại biểu đã được đội ngũ chuyên gia của Chương trình cung cấp kiến thức về chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số trong kinh doanh và tiếp thị cho doanh nghiệp.
Kế hoạch năm 2024
Bên cạnh các kết quả đã đạt được, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn tồn tại một số khó khăn do các giải pháp huy động sự tham gia của các doanh nghiệp còn chưa hiệu quả; chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia, nên việc triển khai các chương trình về hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn nhiều hạn chế. Mặt khác, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại tỉnh rất ít, chủ yếu kinh doanh thiết bị công nghệ thông tin, viễn thông; chưa có doanh nghiệp công nghệ số đủ năng lực, kinh nghiệm tham gia, thúc đẩy chuyển đổi số của địa phương. Hoạt động chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh trong các doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế.
Do đó, năm 2024, tỉnh Gia Lai xác định nhiệm vụ trọng tâm là tập trung các nhiệm vụ duy trì và phát triển hạ tầng số để phát triển Chính quyền số và thúc đẩy kinh tế số, phát triển xã hội số. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số tỉnh Gia Lai theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia; triển khai kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ của năm 2024 theo các chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số và các Bộ, ngành Trung ương và các nội dung theo Chương trình hành động số 921/CTHĐ-UBND ngày 12/5/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai (khoá XVI) về chuyển đổi số tỉnh Gia Lai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Cùng với đó, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Gia Lai hướng tới Chính quyền số theo các chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và huy động sự tham gia tích cực của người dân trong việc thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Minh Khuê