Thứ hai, 29/04/2024 | 07:39 - GMT+7

Ninh Bình: Thúc đẩy chuyển đổi số và an toàn thông tin mạng

Năm 2023, tỉnh Ninh Bình phấn đấu giữ vững và duy trì kết quả thực hiện các Chỉ số chuyển đổi số (DTI) của tỉnh đạt thứ hạng cao trong nhóm các tỉnh/thành dẫn đầu trên toàn quốc.

18/08/2023 - 08:42
Mục tiêu chung kế hoạch chuyển đổi số của Ninh Bình năm 2023 là tiếp tục đầu tư, nâng cấp, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp về phát triển hạ tầng, nền tảng số để đảm bảo đáp ứng cho việc xây dựng, phát triển chính quyền số, chuyển đổi số, đảm bảo an toàn thông tin trên không gian mạng. Thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, tổng thể trên cơ sở kết nối, quản lý các nguồn lực, dữ liệu một cách an toàn, linh hoạt, ổn định, hiệu quả. Trong đó, tập trung thực hiện chuyển đổi số tại cấp xã, hoàn thành thí điểm xây dựng chính quyền số tại cấp huyện và cấp sở, ngành.
Đồng thời, tiếp tục xây dựng, phát triển chính quyền số tỉnh Ninh Bình có mô hình hoạt động phù hợp, được vận hành an toàn, dựa trên dữ liệu và công nghệ số, để có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn, kiến tạo phát triển, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn phục vụ phát triển và quản lý kinh tế - xã hội. 
Năm 2023, tỉnh Ninh Bình phấn đấu giữ vững và duy trì kết quả thực hiện các Chỉ số chuyển đổi số  của tỉnh đạt thứ hạng cao trong nhóm các tỉnh/thành dẫn đầu trên toàn quốc (Nguồn: Báo Ninh Bình)
Về mục tiêu cụ thể, phấn đấu hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 75% hộ gia đình; phổ cập dịch vụ mạng thông tin di động 4G/5G tại khu vực trung tâm các thôn, bản, khu phố trên địa bàn các xã, phường, thị trấn; Tối thiểu 70% các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, hạ tầng mạng viễn thông, công nghệ thông tin sẵn sàng đáp ứng cho chuyển đổi địa chỉ IPv4 sang địa chỉ IPv6; 100% các hệ thống thông tin được xây dựng, phê duyệt hồ sơ cấp độ và được triển khai phương án đảm bảo ATTT theo hồ sơ cấp độ; 
Tối thiểu 30% các nền tảng số của quốc gia được nghiên cứu, xem xét sự phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh để giới thiệu, hỗ trợ triển khai và ứng dụng cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Tối thiểu 50% cán bộ, công chức được tham gia các lớp tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng, phổ biến về kỹ năng số cơ bản, kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu, công nghệ số và đảm bảo an toàn thông tin mạng; 
Phấn đấu ít nhất 55% dữ liệu quản lý của các cơ quan nhà nước được số hóa, chuẩn hóa, đáp ứng các yêu cầu sẵn sàng tích hợp, kết nối, chia sẻ và lưu trữ tập trung tại Trung tâm Dữ liệu của tỉnh; Tối thiểu 50% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước được thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất; Tối thiểu 30% hoạt động kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; 
Tối thiểu 50% xã, phường, thị trấn thực hiện chuyển đổi số theo Mô hình chuyển đổi số cấp xã, phiên bản 1.0 (không bao gồm các đơn vị thí điểm năm 2021 và bắt đầu thực hiện từ năm 2022); Thực hiện xây dựng Chính quyền số theo Mô hình Chính quyền số cấp sở, ngành, phiên bản 1.0 cho 03 đơn vị (không bao gồm các đơn vị thực hiện thí điểm năm 2022);...
Để thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các mục tiêu trên, UBND tỉnh Ninh Bình đề nghị các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công. Trong đó, cần chủ động hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng Kế hoạch Phát triển chính quyền số, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng tỉnh Ninh Bình năm 2023 đảm bảo đồng bộ, thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh; theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp tình hình, kết quả triển khai các nhiệm vụ, chương trình, dự án của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Định kỳ tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh và UBND tỉnh về tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch qua Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh.
Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về việc tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trên địa bàn tỉnh; tích cực nghiên cứu, lựa chọn, đưa vào áp dụng thử nghiệm các giải pháp mới về chuyển đổi số phục vụ công tác quản lý, sản xuất và đời sống. Tham mưu bố trí nguồn vốn sự nghiệp khoa học công nghệ để thực hiện các đề tài, dự án phát triển Chính quyền số, chuyển đổi số của tỉnh.
Thông qua đó, tạo căn cứ để các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố xây dựng Kế hoạch phát triển chính quyền số, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng năm 2023 của cơ quan, đơn vị mình. Trong đó, yêu cầu phải cụ thể hóa, chi tiết các chỉ tiêu, nhiệm vụ và xác định mốc thời gian hoàn thành của từng bước trong từng nhiệm vụ được giao. Định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng và năm các cơ quan, đơn vị, địa phương báo cáo kết quả, tiến độ thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về Sở Thông tin và Truyền thông qua Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh.
Ngày 09/8/2023, UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Quyết định số 581/QĐ-UBND phê duyệt kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số của các cơ quan nhà nước tỉnh Ninh Bình năm 2022.
Theo đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số của các cơ quan nhà nước cấp Sở, ngành: Sở Giáo dục và Đào tạo xếp thứ Nhất với số điểm 335,9; Xếp thứ 2 là Sở Thông tin - Truyền thông 3331,01 điểm; xếp thứ 3 là Sở Tài Chính với số điểm là 322,65. Các cơ quan nhà nước cấp sở, ngành được đánh giá với 06 chỉ số thành phần là: Nhận thức số, Thể chế số, Hạ tầng số, Nhân lực số, An toàn thông tin mạng và hoạt động chuyển đổi số.
Các cơ quan nhà nước cấp huyện được đánh giá với 8 chỉ số thành phần là: Nhận thức số; Thể chế số; Hạ tầng số; Nhân lực số; An toàn thông tin mạng; Hoạt động Chính quyền số; kinh tế số; xã hội số. UBND thành phố Ninh Bình xếp thứ 1 với số điểm là 587,41; Xếp thứ 2 UBND thành phố Tam Điệp với số điểm là 569,06 và UBND huyện Nho Quan xếp thứ 3 với 518,92 điểm.
Các cơ quan nhà nước cấp xã được đánh giá với 8 chỉ số thành phần là: Nhận thức số; Thể chế số; Hạ tầng số; Nhân lực số; An toàn an ninh mạng; Hoạt động chính quyền số; Hoạt động kinh tế số; Hoạt động xã hội số. UBND phường Phúc Thành đứng thứ 1 với số điểm là 385,641; xếp thứ 2 UBND phường Đông Thành với số điểm 373,591 và UBND phường Vân Giang là 357,301 điểm. 
Minh Khuê

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 2
  • 8
  • 1
  • 8
  • 9
  • 8