Chủ nhật, 28/04/2024 | 00:41 - GMT+7

Chuyển đổi số với doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách nhằm tân dụng cơ hội, chủ động và tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0).

31/07/2023 - 08:06
​Chuyển đổi số không chỉ là một xu thế về công nghệ trên toàn cầu, mà còn tác động vô cùng sâu rộng lên các lĩnh vực của nền kinh tế - chính trị - xã hội. Chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam. 
1. Chuyển đổi số là gì?
Hiểu một cách đại thể thì chuyển đổi số (digital transformation) là quá trình sử dụng dữ liệu và các công nghệ số để thay đổi phương thức phát triển, thay đổi tổng thể và toàn diện cách sống và cách làm việc của con người và tổ chức.
Có nhiều định nghĩa và cách hiểu về chuyển đổi số. Theo Gartner, chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới. Microsoft cho rằng chuyển đổi số là việc tư duy lại cách thức các tổ chức tập hợp mọi người, dữ liệu và quy trình để tạo những giá trị mới.
Còn theo quan điểm của FPT, chuyển đổi số trong tổ chức, doanh nghiệp là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)... thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty. Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời. Qua đó, hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao.
Quá trình chuyển đổi số thường được chia thành ba cấp độ. Một là số hoá thông tin (digitization) nhằm tạo ra biểu diễn số của các thực thể (tức tạo ra dữ liệu đặc trưng cho các thực thể này). Hai là số hóa tổ chức (digitalization) nhằm tạo ra hoặc đổi mới mô hình hoạt động hay kinh doanh (business model) của các tổ chức hay doanh nghiệp để thích nghi với sự hiện hữu của các môi trường số hóa, tức chuyển đổi cách thức hoạt động với việc dùng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra giá trị mới lớn hơn của tổ chức. Ba là chuyển đổi (transformation) tổng thể và toàn diện tổ chức, gồm lãnh đạo, nhân viên, văn hoá, quy trình… với mô hình hoạt động mới.
Nội dung chuyển đổi số của Việt Nam hướng tới ba mục tiêu với trọng tâm khác nhau trong từng giai đoạn: Kinh tế số, Chính phủ số, và Xã hội số.
Định hướng của Việt Nam là xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số. Hai bước phát triển này không nhất thiết phải tuần tự: Các nguồn dữ liệu quốc gia sớm tạo ra cho phép ta từng bước xây dựng chính phủ số trong khi hoàn thiện chính phủ điện tử. Đô thị thông minh là những bước đi đầu để tiến tới một xã hội số.
Chuyển đổi số là một quá trình lâu dài với tốc độ và quy mô khác nhau ở các quốc gia, ở các lĩnh vực khác nhau. Những bài học thành công và thất bại của chuyển đổi số chỉ ra rằng: cần có tầm nhìn xa và tổng thể, có lộ trình rõ và thực hiện theo từng bước, thậm chí theo từng bước nhỏ.
2. Vì sao các doanh nghiệp Việt phải chuyển đổi số
Không phải ngẫu nhiên mà chuyển đổi số được đánh giá là một trong những xu thế mới của thế giới hiện nay. Doanh nghiệp Việt cần phải chuyển đổi số bởi những lợi ích do chuyển đồi số mang lại cho doanh nghiệp:
- Chuyển đổi số giúp kết nối, thu ngắn khoảng cách của các bộ phận trong doanh nghiệp
Với những doanh nghiệp truyền thống, các phòng ban thường hoạt động riêng rẽ với nhau. Luồng xử lý công việc theo đó cũng thường chậm trễ và rắc rối do phải qua nhiều “cửa”, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh, tiếp cận khách hàng và doanh số.
Ngược lại, việc ứng dụng chuyển đổi số lại giúp doanh nghiệp phá bỏ bức rào ngăn cách giữa các phòng ban nhờ nền tảng kết nối số hóa đa chiều, đa chức năng giữa các bộ phận. Theo đó, giúp doanh nghiệp cải thiện hoạt động, luồng công việc diễn ra trôi chảy, trơn tru, ít bị phụ thuộc vào nguồn nhân lực do hầu hết công việc đã được tự động hóa hoặc bán tự động.
- Thúc đẩy hiệu quả trong quản trị doanh nghiệp
Với chuyển đổi số, chủ doanh nghiệp/CEO hoàn toàn chủ động trong việc theo dõi các báo cáo, đánh giá hoạt động của doanh nghiệp, hiệu suất làm việc của nhân viên bất cứ lúc nào mà không cần đợi nhân viên ngồi làm báo cáo qua Email hay thống kê số liệu qua bản cứng. Cũng vậy, mọi thông tin, số hóa về hoạt động của doanh nghiệp đều được thể hiện minh bạch, cụ thể, chi tiết bằng con số rõ ràng, xóa bỏ những vùng tối, kém minh bạch trong quản trị doanh nghiệp. Những rủi ro về chi phí ẩn, quỹ đen cũng sẽ được hạn chế giúp doanh nghiệp quản lý và tối ưu doanh thu hiệu quả nhất.
- Tối ưu năng suất làm việc của nhân viên
Tối ưu năng suất làm việc của nhân viên là điều mọi doanh nghiệp nên làm. Ứng dụng chuyển đổi số cho phép doanh nghiệp cộng hưởng và  tối ưu năng suất làm việc của nhân viên giúp tạo ra giá trị cao hơn nữa.
Bên cạnh đó, hệ thống tự động của chuyển đổi số cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tự động thao tác những công việc tạo ra giá thấp. Thay vào đó, nhân lực quý sẽ được tập trung phát triển và tham dự vào những công việc tạo ra giá trị cao hơn.
- Gia tăng chất lượng sản phẩm
Không thể phủ nhận rằng chuyển đổi số giúp doanh nghiệp hoạt động 24/7 và không ngừng sáng tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, hạn chế lỗi nhờ dây chuyền sản xuất ứng dụng công nghệ hiện đại.
Song song với đó, nhân viên cũng có thêm thời gian để hoàn thiện, nâng cao chuyên môn và nghiên cứu cải thiện và tối ưu hơn giá trị cũng như chất lượng sản phẩm.
Về phía nhà quản lý cũng dễ dàng hơn trong việc theo dõi, đánh giá chất lượng công việc của nhân viên dựa trên chính thành quả thực tế thay vì “chấm công” như trước đây.
- Nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp
Có thể nhận thấy rõ rằng, hiện tại, doanh nghiệp nào ứng dụng thành công nền tảng số hóa thì việc triển khai và vận hành đạt hiệu quả cao hơn các doanh nghiệp khác là điều hiển nhiên. Điều này một lần nữa khẳng định vai trò của chuyển đổi số với các doanh nghiệp trong thời đại 4.0. Đồng thời, cho thấy việc ứng dụng chuyển đổi số không chỉ nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến khả năng sống còn của bạn. 
Chưa kể việc chuyển đổi số còn giúp doanh nghiệp chiếm ưu thế hơn trong việc tạo dựng mối tương tác mật thiết, nhanh chóng với khách hàng, cá nhân hóa trải nghiệm người dùng và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng nhằm thúc đẩy tiến trình mua bán và doanh thu vượt trội hơn so với các phương thức tiếp thị truyền thống.
3. Chuyển đổi số của các doanh nghiệp trên thế giới và Việt Nam 
Theo nghiên cứu từ năm 2017 của Microsoft tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tác động mà chuyển đổi số mang lại cho GDP năm 2017 là khoảng 6%, năm 2019 được dự đoán là 25% và tới năm 2021 là 60%. Chuyển đổi số cũng làm tăng năng suất lao động 15% trong năm 2017, dự kiến 2020 là 21%; 85% công việc trong khu vực sẽ bị biến đổi trong ba năm tiếp theo. Còn công ty nghiên cứu McKensey chỉ ra rằng, vào năm 2025, mức độ tác động của chuyển đổi số tới GDP của nước Mỹ là khoảng 25%, còn ở các nước châu Âu là khoảng 36%.
Kết quả nghiên cứu của McKensey chỉ ra rằng, vào năm 2025, mức độ tác động của chuyển đổi số tới GDP của nước Mỹ là khoảng 25%, với đất nước Brazil là 35%, còn ở các nước Châu Âu là khoảng 36%. Từ đây, có thể thấy khả năng tác động của chuyển đổi số đối với tăng trưởng GDP là rất lớn.
Tốc độ chuyển đổi số tại các khu vực và quốc gia là khác nhau, tùy thuộc vào mức độ phát triển công nghệ và tốc độ chuyển đổi mô hình doanh nghiệp. Trong đó khu vực châu Âu được đánh giá là khu vực có tốc độ chuyển đổi số nhanh nhất, tiếp đến là Mỹ và quốc gia tại châu Á.
Trong tháng 4/2018, Cisco công bố báo cáo "Chỉ số phát triển kỹ thuật số của doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực châu Á - Thái Bình Dương", thực hiện trên 1.340 doanh nghiệp tại khu vực nói chung và 50 doanh nghiệp Việt Nam nói riêng. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đối mặt với những rào cản trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số như thiếu kỹ năng số và nhân lực (17%), thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép chuyển đổi kỹ thuật số (16,7%), thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp (15,7%) ...
Việt Nam đã có “kim chỉ nam” định hướng chuyển đổi số quốc gia. Trong tiến trình chuyển đổi số, Việt Nam đặt mục tiêu lĩnh vực kinh tế số sẽ chiếm tới 30% GDP vào năm 2030.
4. Nguyên nhân, giải pháp
-  Nguyên nhân
Lý giải nguyên nhân quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp Việt còn chậm so với nhu cầu kinh doanh thực tiễn của doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng đến từ ba nguyên nhân quan trọng:
+ Thiếu sự gắn kết giữa lợi ích của chuyển đổi số với mục tiêu kinh doanh;
+ Nhận thức về chuyển đổi số chưa đồng đều giữa các bộ phận nghiệp vụ;
+ Thiếu sự mạnh dạn đầu tư từ các nhà lãnh đạo.
+ Khó khăn lớn nhất của hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam khi triển khai các công nghệ mới là không gắn kết được lợi ích của chuyển đổi số với mục tiêu kinh doanh. Việc thuyết phục từng phòng ban trong doanh nghiệp chấp nhận thay đổi thói quen và hợp tác là quá trình không hề dễ dàng với các nhà quản lý công nghệ. “Chẳng hạn, muốn phòng marketing chuyển đổi số, các giám đốc bộ phận thông tin (CIO), giám đốc công nghệ (CTO) phải hiểu và nói chuyện với nhân sự marketing bằng ngôn ngữ của chính họ, phải kết nối với đại diện, nhà quản lý các phòng ban này, hoặc bước đầu thành lập một ủy ban chuyển đổi số để tìm sự đồng thuận,” ông Nguyễn Bá Quỳnh, phó chủ tịch cấp cao Hitachi Consulting, tổng giám đốc Global Cybersoft - thành viên tập đoàn Hitachi khẳng định. Chỉ khi đó, quá trình thực hiện chuyển đổi số không rời rạc giữa bộ phận công nghệ và các bộ phận nghiệp vụ khác như tình trạng thường thấy hiện nay tại doanh nghiệp.
+ Quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp Việt Nam diễn ra khá sớm nhưng tốc độ chậm vì nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp quá thận trọng và cân nhắc rủi ro. Đơn cử, giai đoạn 2013 khi vấn đề cơ sở dữ liệu lớn (big data) bắt đầu được đề cập, nhiều doanh nghiệp Việt cho rằng “vẫn còn là chuyện xa vời", nhưng chỉ vài năm sau big data hiện hữu ở mọi lĩnh vực kinh doanh. 
+ Sự đầu tư cho công nghệ thông tin một cách bài bản còn hạn chế khi chưa có nhiều doanh nghiệp Việt có chức danh CIO hay CTO. Các chuyên gia cho rằng lý do có thể đến từ việc đa phần doanh nghiệp Việt Nam chưa chịu sức ép cạnh tranh toàn cầu mạnh mẽ như các công ty đa quốc gia, nên chuyển đổi số mới chỉ loanh quanh ở bước tối ưu hóa các hoạt động quản trị.
+ Nhận thức về chuyển đổi số mới chỉ thiên về công nghệ, nhưng thực tế việc chuyển đổi phải bắt đầu từ mô hình kinh doanh và tư duy lãnh đạo. Vai trò của công nghệ thông tin chưa đi cùng các nhà quản lý về chiến lược kinh doanh của một tổ chức, nên chúng ta vẫn đi chậm so với doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài.
+ Phần lớn lãnh đạo các doanh nghiệp nhận thức về chuyển đổi số mới chỉ thiên về công nghệ, nhưng thực tế việc chuyển đổi phải bắt đầu từ mô hình kinh doanh và tư duy lãnh đạo.
- Giải pháp
Để quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp thực hiện một cách nhanh, hiệu quả và bền vững, các doanh nghiệp cần:
+ Nâng cao nhận thức của lãnh đạo các doanh nghiệp về chuyển đổi số, họ cần nắm hiểu rõ về chuyển đổi số, kinh tế số ... để có những quyết định, quyết sách cho doanh nghiệp mình phù hợp với năng lực và khả năng tài chính của doanh nghiệp;
+ Các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, lựa chọn các công nghệ phù hợp với lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp mình, từ đó lựa chọn đối tác cung cấp các giải pháp, các công nghệ để thực hiện số hóa cho doanh nghiệp mình;
+ Đối với các ngành có ảnh hưởng trực tiếp đến cấu trúc nền kinh tế, sự nhận thức về tính cấp thiết của chuyển đổi số là tất yếu. Cần phải có hướng đi rất cụ thể và chiến lược dài hơi;
+ Các doanh nghiệp phải chủ động đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị, công nghệ phù hợp với tốc độ phát triển hạ tầng công nghệ thông tin quốc gia, tốc độ phát triển của internet, các ứng dụng của các công nghệ mới do cuộc cách mạng CN 4.0 mang lại;
+ Các doanh nghiệp cần tuyển dụng nguồn nhân lực có hiểu biết sâu về công nghệ thông tin, về chuyển đổi số phục vụ cho quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp mình;
+ Lãnh đạo doanh nghiệp tham gia đầy đủ các sự kiện về ICT do Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức như Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0, diễn đàn Internet Day, Security World .v.v…
Tài liệu tham khảo
1. Think Tank VINASA, Việt Nam thời chuyển đổi số, Nhà Xuất bản Thế giới 2019.
2. Bukht R., Heeks, R., Defining, Conceptualising and Measuring the Digital Economy (August 3, 2017). Development Informatics Working Paper no. 68. Available at: https://ssrn.com/abstract=3431732or http://dx.doi.org/10.2139/ssrn.3431732.
3. http://dangcongsan.vn/thoi-su/chuyen-doi-so-mo-ra-co-hoi-lon-cho-viet-nam-531205.html
4. https://vov.vn/cong-nghe/nam-2020-la-nam-chuyen-doi-so-quoc-gia-tien-toi-mot-viet-nam-so-994723.vov
5. https://tuoitre.vn/tai-sao-chuyen-doi-so-la-co-hoi-cho-doanh-nghiep-viet-nam-20191217114208406.htm
6. https://vietnamnet.vn/vn/thong-tin-truyen-thong/viet-nam-da-co-kim-chi-nam-dinh-huong-chuyen-doi-so-quoc-gia-573612.html
7. baodautu.vn/chuyen-doi-so-la-gi-va-co-loi-ich-gi-voi-doanh-nghiep-d100335.html
8. https://izisolution.vn/chuyen-doi-so-la-gi-thuc-trang-chuyen-doi-so-tai-viet-nam/
1ThS. Phan Thế Quyết, 2CN. Ngô Mai Hương
1Tạp chí Nghiên cứu Công nghiệp và Thương mại
2Phòng Thông tin, Thư viện và Xúc Tiến Thương mại
Nguồn: vioit.org.vn

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 2
  • 6
  • 8
  • 4
  • 0
  • 7