Chủ nhật, 15/09/2024 | 13:54 - GMT+7

Cách mạng công nghệ 4.0 và sự thay đổi cách thức quản trị nguồn nhân lực

Nghiên cứu phân tích những xu hướng liên quan đến quản trị nguồn nhân lực và những đòi hỏi mới mà nhân sự cần đáp ứng được trong thời đại 4.0

04/08/2020 - 07:56
TÓM TẮT:
Công nghiệp 4.0 giúp doanh nghiệp (DN) tiếp cận thị trường trong nước cũng như quốc tế nhanh hơn với chi phí rẻ và hiệu quả hơn, giảm thiểu các khâu trung gian, thúc đẩy sự hợp tác giữa các DN, cho phép các DN tương tác dễ dàng với khách hàng, nhà cung cấp, đối tác và nhân sự khắp nơi trên thế giới. Từ đó, mở ra nhiều việc làm mới, đòi hỏi nhân viên phải có trình độ và khả năng thích nghi cao hơn.
Hơn hết, cách mạng công nghiệp 4.0 còn tác động sâu sắc đến hình thức việc làm, lượng thông tin thu thập và mức độ kết nối, tương tác từ các hệ thống ảo của nhân viên với tổ chức, lãnh đạo nên những nhân viên không có kỹ năng thích hợp với yêu cầu đổi mới có nguy cơ bị mất việc và khó tìm kiếm việc làm mới.
Từ khóa: Cách mạng công nghệ 4.0, nguồn nhân lực, chất lượng nhân lực, quản trị nguồn nhân lực.

1. Đặt vấn đề
Theo Klaus Schwab, người sáng lập và là Chủ tịch điều hành diễn đàn Kinh tế cho rằng: Cách mạng công nghệ đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cách mạng công nghệ 2.0 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cách mạng công nghệ 3.0 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Đến nay, cách mạng công nghệ 4.0 đang nảy nở từ cuộc cách mạng công nghệ 3.0, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học.
Với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, hoạt động quản trị nhân sự cũng thay đổi theo. Thời gian đầu, công việc nhân sự chủ yếu liên quan đến việc giám sát, tính lương, thưởng, phúc lợi và an toàn lao động. Sau đó, các thiết bị điện xuất hiện giúp việc quản lý theo quy trình và đơn giản hơn, người ta bắt đầu chú ý đến việc tuyển dụng và đào tạo nhân sự. Internet ra đời, các DN đã chú trọng vào việc phát triển kỹ năng mềm cho nhân viên và khi internet bùng nổ, máy móc hiện đại, thông minh hơn, quy trình quản lý được tự động hóa, hoạt động nhân sự hướng trọng tâm vào thương hiệu DN khi tuyển dụng và thu hút tài năng.
Vấn đề đặt ra là doanh nghiệp cần tổ chức cách thức quản trị nhân sự thế nào để phù hợp với xu hướng mới giúp nâng cao giá trị doanh nghiệp và tạo sức cạnh tranh trong việc thu hút lao động chất lượng cao trong nước cũng như quốc tế.
2. Xu hướng quản trị nhân lực thời đại công nghệ 4.0
Trong một nghiên cứu mới đây của Tổ chức Deloitte đã chỉ rõ sự thay đổi trong quản trị nhân sự, cụ thể:
Doanh nghiệp tạo điều kiện để nhân viên học tập, nâng cao trình độ, hoàn thiện kỹ năng làm việc nhất là trong lĩnh vực công nghệ. Tìm kiếm, thu hút ứng viên chất lượng cao là vấn đề sống còn của DN. Ngày nay, việc tìm kiếm được hỗ trợ bởi nhiều công cụ như thông qua mạng xã hội, từ đó doanh nghiệp dễ dàng tìm được ứng viên phù hợp với môi trường kinh doanh của DN, tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả DN và ứng viên. Doanh nghiệp chú trọng hơn vào việc xây dựng văn hóa DN, sự gắn kết của tổ chức, lắng nghe phản hồi và triển khai cách thức làm việc mới dựa trên sự phát triển công nghệ và cùng nhau chia sẻ lợi ích. Xóa bỏ khoảng cách lãnh đạo và nhân viên, trẻ hóa đội ngủ quản lý, áp dụng mô hình quản lý mới mà cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mang lại.
Các doanh nghiệp giờ đây không chỉ sử dụng các lao động cố định mà còn hợp tác với những lao động tự do trong nước và quốc tế. Trong tương lai, máy móc và các phần mềm quản lý, hỗ trợ công việc sẽ tăng lên dẫn đến sự thiết kế, mô tả lại hầu hết công việc.
3. Thách thức đối với nhà quản trị nhân lực Việt Nam trước cuộc cách mạng công nghệ 4.0
Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), năm 2018, Việt Nam xếp thứ 48/100 về cấu trúc của nền sản xuất và thứ 53/100 về các yếu tố dẫn dắt sản xuất. Về mức độ sẵn sàng, tuy Việt Nam ở nhóm sơ khởi nhưng khá gần với nhóm tiềm năng.
Công nghệ thông tin ở Việt Nam đã có sự bùng nổ mạnh mẽ là điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với yêu cầu đổi mới.
Theo phân tích của Trần Mai Đông và đồng nghiệp (2018), xu hướng tất yếu của cách mạng công nghệ 4.0 là tác động của nó đến cung cầu lao động và sự dịch chuyển cơ cấu nguồn lao động. Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu nguồn lao động từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp chất lượng cao và phi nông nghiệp thì nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là điều cấp bách. Các tác giả cũng đề cao vai trò của giáo dục, cần phải được cải tiến để tạo ra một đội ngũ nhân lực tri thức chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thực tế.
Nguyễn Thắng (2016) trong báo cáo “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Một số đặc trưng, tác động và hàm ý chính sách đối với Việt Nam” đã chỉ ra những đặc điểm của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 lần này: Tốc độ phát triển nhanh trong tất cả các lĩnh vực, bao gồm các hệ thống thực và hệ thống ảo. Các quốc gia có nguồn vốn dồi dào và trình độ công nghệ cao chiếm lợi thế. Một số ngành của Việt Nam sẽ bị tác động tiêu cực như năng lượng, chế tạo, dệt may, điện tử,… Bên cạnh đó, cũng có những ngành tận dụng được hiệu quả của thành tựu này như du lịch, thương mại, công nghệ thông tin, giáo dục, y tế, xây dựng, chính phủ điện tử,… Do đó, báo cáo kết luận rằng, Chính phủ Việt Nam cần có kế hoạch tái cơ cấu nguồn nhân lực một cách hợp lý.
Nguyễn Bá Ân (2017) chỉ ra những cơ hội và thách thức cho kinh tế Việt Nam. Đối với Chính phủ, nhờ áp dụng công nghệ, công tác điều hành được cải tiến làm tăng hiệu quả quản lý xã hội. Đối với doanh nghiệp, chi phí ngoài sản xuất giảm. Bên cạnh đó, nhờ tiếp cận công nghệ sản xuất mới nên chất lượng sản phẩm được nâng cao. Đối với người tiêu dùng, có thể biết nhiều thông tin về sản phẩm trước khi đưa ra quyết định mua. Thách thức đối với Việt Nam nói riêng và các nước đang phát triển nói chung là lao động chi phí thấp không còn là lợi thế, Chính phủ, doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục tại Việt Nam cần nhận định kịp thời và có chiến lược thay đổi phù hợp.
Theo Nguyễn Thị Bích Loan (2018) trong báo cáo tổng kết Hội thảo “CMCN 4.0: Cơ hội và thách thức đối với phát triển kinh tế Việt Nam”, những cơ hội và thách thức mà Việt Nam đối mặt trong cuộc CMCN 4.0 là: Việt Nam có nền kinh tế năng động, dân số vàng nên dễ dàng tiếp cận các công nghệ mới của cuộc CMCN 4.0; Quy mô thị trường lớn và có mối quan hệ với nhiều nước trên thế giới là điều kiện thuận lợi cho quá trình sản xuất, trao đổi hàng hóa. Tuy nhiên, Việt Nam chưa đáp ứng được nguồn lao động chất lượng cao. Bên cạnh đó, hiện tượng chảy máu chất xám từ chính sách thu hút nhân tài của các công ty đa quốc gia và sự di chuyển tự do trong khu vực ASEAN khi các quốc gia công nhận lẫn nhau về chất lượng giáo dục, đào tạo càng làm cho lực lượng này ở nước ta ngày càng thiết hụt.
Nguyễn Đình Bắc (2018) chỉ ra những tác động của CMCN 4.0 tới phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ta và đề xuất một số giải pháp như sau:
1. Xây dựng và hoàn thiện chiến lược tổng thể phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ mới;
2. Tích cực đổi mới, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao;
3. Đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện, đồng bộ giáo dục - đào tạo.
Nguyễn Chí Trường (2018) cho rằng, chúng ta nên tận dụng thời điểm này để thay đổi hệ thống giáo dục vì nhờ áp dụng công nghệ mới việc học tập sẽ hiệu quả hơn, người học dể dàng tiếp thu các kiến thức mới trong tất cả các lĩnh vực. Bên cạnh đó, nhu cầu đào tạo các ngành nghề mới sẽ gia tăng, đòi hỏi đội ngũ đào tạo phải không ngừng nâng cao trình độ và định hướng một số công việc mới được tạo ra từ cuộc CMCN 4.0.
Qua các nghiên cứu trên, những thách thức đặt ra đối với nhà quản trị nhân lực Việt Nam trước cuộc cách mạng công nghệ 4.0 là sự cạnh tranh gay gắt về nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong một số lĩnh vực công nghệ cao đang bắt đầu được đưa vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ. Doanh nghiệp Việt Nam cần có những chính sách lương, thưởng hợp lý để thu hút nhân tài, vì những lĩnh vực này đang được các doanh nghiệp nước ngoài săn lùng triệt để làm cho lực lượng lao động ở các DN trong nước thiết hụt trầm trọng. Bên cạnh đó, DN cần tăng cường hợp tác với các cơ sở giáo dục để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu đổi mới của DN. 
4. Quản trị nguồn nhân lực ở Việt Nam thời đại công nghệ 4.0: Những công việc cần hoàn thiện
Thế mạnh của Việt Nam là lực lượng lao động trẻ dồi dào (chiếm 57% dân số), thích nghi nhanh, là điều kiện thuận lợi để áp dụng công nghệ vào các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Lao động trẻ được đào tạo chuyên nghiệp ngày càng tăng qua các chương trình hợp tác quốc tế và nguồn sinh viên du học nước ngoài về nước làm việc.
Cách mạng công nghệ 4.0 làm thay đổi cách thức sản xuất, kinh doanh và quản lý, đòi hỏi nhà quản trị phải ứng dụng công nghệ một cách linh hoạt, cán bộ quản lý nhân sự theo kiểu truyền thống phải bồi dưởng, nâng cao năng lực cho phù hợp với xu hướng mới. Nên vấn đề đặt ra là: Tự động hóa cơ chế quản trị nhân sự bằng các phần mềm quản lý, giúp các nhà quản trị tiết kiệm thời gian, chi phí và đánh giá đúng năng lực làm việc của nhân viên; Thu hút nhân sự trẻ, có tài năng và sáng tạo, có khả năng điều hành, xử lý công việc ở mọi lúc, mọi nơi; Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, chuẩn mực đạo đức kinh doanh và truyền thông doanh nghiệp một cách đồng bộ; Tăng cường nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý nhằm tạo sức cạnh tranh và giá trị cho doanh nghiệp; Chính sách lương, thưởng và phúc lợi hợp lý để duy trì nguồn lực; Người lao động cần cân bằng giữa công việc và cuộc sống mới để tạo được những giá trị cho doanh nghiệp và truyền năng lượng tích cực cho đồng nghiệp.
Cách mạng công nghệ 4.0 tạo sự thay đổi rất lớn trong quản trị nhân sự, doanh nghiệp. Muốn thu hút lực lượng lao động chất lượng cao cần thay đổi cơ cấu quản lý và người lao động cũng cần trau dồi, nâng cao trình độ để thích nghi với cách thức quản lý mới.
5. Kết luận
Công nghiệp 4.0 không chỉ thay đổi cách thức kinh doanh, quản lý mà còn thay đổi cả thói quen tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ của khách hàng. Để bắt kịp xu hướng buộc các doanh nghiệp phải cải cách lại cách thức quản lý và hiến kế lại một số công việc.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể ứng dụng các phần mềm quản lý để đánh giá hiệu quả làm việc của nhân viên, giúp công việc của nhà quản trị đơn giản, hiệu quả hơn, nhà quản lý sẽ có nhiều thời gian để đầu tư cho các dự án chiến lược của doanh nghiệp.
 TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN:
1. Từ Thúy Anh và đồng sự (2020) “Cơ sở khoa học xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia, Mã số: KHGD/16-20
http://chuongtrinhkhgd.moet.gov.vn/content/dauthaudautucong/Lists/DuAn/Attachments/107/%C4%90T.046a.pdf
2. Nguyễn Thắng (2019) “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tác động đến Việt Nam”
http://hdll.vn/vi/thong-tin-ly-luan/cuoc-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-tu-va-tac-dong-den-viet-nam.html
3. Võ Văn Lợi (2019) “Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam đáp ứng yêu cầu của Cách mạng Công nghiệp 4.0”
http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/phat-trien-nguon-nhan-luc-viet-nam-dap-ung-yeu-cau-cua-cach-mang-cong-nghiep-40-302127.html
4. Trần Việt Dũng (2019) “Quản trị nhân sự doanh nghiệp ở Việt Nam thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”
http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/quan-tri-nhan-su-doanh-nghiep-o-viet-nam-thoi-ky-cach-mang-cong-nghiep-40-305718.html
5. Chu Thị Bích Ngọc (2018) “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”
http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao-doi-binh-luan/nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-viet-nam-trong-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-40-147363.html
Industry 4.0 and changes in human resource management methods
ABSTRACT
The Industry 4.0 has helped businesses access domestic and international markets faster, cheaper and more efficiently by reducing intermediaries, promoting cooperation between businesses and allowing businesses to interact with each other. The Industry 4.0 also allows businesses easily interact with their customers, suppliers, partners and staff around the world. This process creates more new jobs but requires employees to be more qualified and more adaptable. In addtion, the Industry 4.0 has profoundly impacted the types of employment, the amount of collected information, and the level of connectivity and interaction between employees with their organization and leaders on virtual systems. As a result, employees who do not have suitbale skills for new requirements brought by the Industry 4.0 are at high risk of losing their jobs and find it difficult to find new jobs.
Key words: Industry 4.0, human resource, human resource quality, human resource management.
Master DO THI ANH PHUONG
Hong Bang International University

ThS. ĐỖ THỊ ANH PHƯƠNG
Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng
Bài đăng Tạp chí Công thương số 13/2020

Cùng chuyên mục

Đà Nẵng công bố những dấu ấn chuyển đổi số năm 2023

20/08/2024 - 10:26

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng vừa có thông báo về kết quả đánh giá, xếp hạng chuyển đổi số năm 2023 của các cơ quan, địa phương trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, đồng thời biểu dương, trao tặng Bằng khen cho các cơ quan, đơn vị có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực này.

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 5
  • 6
  • 5
  • 6
  • 5
  • 5
  • 6