Thứ bảy, 20/04/2024 | 00:22 - GMT+7

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam và xu hướng phát triển trong tương lai

Năm 1955, John McCarthy là người đầu tiên đưa cụm từ “trí tuệ nhân tạo” (TTNT) tại Hội nghị The Dartmout, trở thành một khái niệm khoa học. Có thể hiểu, TTNT là một lĩnh vực của khoa học và công nghệ làm cho máy có những khả năng trí tuệ của con người như: biết suy nghĩ và lập luận để giải quyết vấn đề, biết giao tiếp do hiểu ngôn ngữ và tiếng nói, biết học và tự thích nghi.

17/04/2020 - 21:30
1. Trí tuệ nhân tạo và quan điểm của Nhà nước về phát triển trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam
Năm 1955, John McCarthy là người đầu tiên đưa cụm từ “trí tuệ nhân tạo” (TTNT) tại Hội nghị The Dartmout, trở thành một khái niệm khoa học. Có thể hiểu, TTNT là một lĩnh vực của khoa học và công nghệ làm cho máy có những khả năng trí tuệ của con người như: biết suy nghĩ và lập luận để giải quyết vấn đề, biết giao tiếp do hiểu ngôn ngữ và tiếng nói, biết học và tự thích nghi.
Thuật ngữ “TTNT” thể hiện trí tuệ của máy móc. Nó là giao điểm giữa dữ liệu lớn, học máy và lập trình máy tính (Petropoulos, 2017). Theo Servoz (2019), TTNT có thể quan sát theo phạm vi rộng và phạm vi hẹp. Ở phạm vi tổng quát, TTNT liên quan đến máy móc với khả năng nhận thức rộng, có khả năng suy nghĩ, hoặc mô phỏng một cách chân thực, các khả năng trí tuệ của con người và có tiềm năng vượt qua trí tuệ con người. Ở phạm vi hẹp, TTNT thực hiện các nhiệm vụ cụ thể đòi hỏi trí tuệ của con người và có thể vượt qua khả năng của con người.
Tại Việt Nam, từ năm 2014, TTNT đã được đưa vào danh mục công nghệ cao ưu tiên đầu tư phát triển. Chính phủ xác định đây là một trong những công nghệ đột phá, mũi nhọn của cuộc CMCN 4.0. Trong năm này, Chính phủ đã phê duyệt danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển(*), trong đó TTNT đã được đưa vào danh mục công nghệ cao ưu tiên đầu tư phát triển.
Ngày 04/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0 xác định công nghệ TTNT là một trong các công nghệ đột phá, mũi nhọn của CMCN 4.0.
Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 3/2018 đã đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu, đánh giá tác động và xây dựng Chiến lược quốc gia về cuộc CMCN 4.0. Trong quá trình xây dựng Chiến lược, công nghệ TTNT sẽ được đánh giá, nghiên cứu kỹ lưỡng để hình thành những chiến lược, lộ trình, giải pháp cụ thể phát triển và ứng dụng TTNT phù hợp nhất với thực tế và tiềm năng của Việt Nam.
Để thúc đẩy phát triển TTNT, tháng 7/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được Chính phủ giao xây dựng Chiến lược quốc gia về cuộc CMCN 4.0. Trong Dự thảo chiến lược đã được lấy ý kiến, TTNT được xác định là một trong các ngành công nghệ ưu tiên phát triển, cần tập trung các nhóm chính sách để thúc đẩy phát triển, trong đó nguồn nhân lực là một trong những ưu tiên hàng đầu.
2. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam những năm gần đây
Tại Việt Nam, TTNT thực sự được chú ý trong vài năm trở lại đây khi khái niệm CMCN 4.0 được đề cập. Một số doanh nghiệp đã nhanh chóng cập nhật xu hướng TTNT của thế giới và bước đầu có sản phẩm cụ thể và áp dụng vào quá trình sản xuất, kinh doanh cũng như ở một số ngành, lĩnh vực như: thông tin và truyền thông, y tế, giáo dục, du lịch, giao thông, thương mại điện tử...
 * Trong ngành thông tin và truyền thông
FPT là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam sở hữu nền tảng TTNT toàn diện, được xây dựng trên cơ sở những công nghệ về học máy, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính… tiên tiến nhất hiện nay. Tháng 6/2017, FPT đã cho ra mắt FPT.AI, nền tảng dành riêng cho các lập trình viên để tạo ra các giao diện tương tác bằng ngôn ngữ tự nhiên, tích hợp vào các nền tảng hội thoại như Facebook Messenger hoặc các ứng dụng hội thoại do doanh nghiệp tự phát triển và các thiết bị thông minh như robot, điện thoại di động, thiết bị điều khiển. Năm 2018, FPT.AI giới thiệu 4 sản phẩm: nền tảng hội thoại (FPT.AI Conversation) - ứng dụng phổ biến nhất hiện nay là chatbot, giúp tự động gắn kết với khách hàng; dịch vụ nhận dạng và xử lý giọng nói, ứng dụng trong tổng đài tự động (FPT.AI Speech); xử lý ảnh và tài liệu - ứng dụng trong bài toán nhận dạng các loại giấy tờ tùy thân và nhận diện khuôn mặt (FPT.AI Vision) và hệ cơ sở tri thức (FPT.AI Knowledge).
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã đầu tư nhân lực, nguồn lực để làm chủ công nghệ TTNT. VNPT đã triển khai công nghệ TTNT trên ứng dụng quản lý đăng ký và cập nhật thông tin thuê bao SMCS Mobile. Công nghệ này sẽ tự động bóc tách toàn bộ dữ liệu ảnh, chuyển đổi thành text và đưa thông tin vào các trường dữ liệu tương ứng, cho phép sử dụng chữ ký điện tử và hồ sơ điện tử, giúp hạn chế tối đa hiện tượng SIM rác và rút ngắn thời gian đăng ký thông tin thuê bao xuống tối đa 5 giây. Ngoài ra, VNPT đã đưa ra ứng dụng giúp xây dựng du lịch thông minh, giao thông thông minh, chính phủ điện tử.
Viettel đang phát triển mạnh công nghệ TTNT phân tích giọng nói, hình ảnh, hoàn thiện phần mềm trợ lý ảo, phân biệt các hành vi bất thường từ dữ liệu, biến những giá trị thông tin thành tài sản. Dịch vụ nhận dạng tiếng nói của Viettel (cùng với FPT) đứng đầu thị trường, vượt Google về độ chính xác. Được thành lập năm 2014, Trung tâm Không gian mạng (VTCC) của Viettel hiện tập trung cung cấp 3 dịch vụ về xử lý tiếng nói, bao gồm: Tổng hợp tiếng nói (Text to Speech), Nhận dạng tiếng nói (Speech to Text) và Voice wake-up. Sản phẩm có thể ứng dụng trên nhiều nền tảng khác nhau như đọc báo tự động, ứng dụng trong sách nói, hoặc ứng dụng trong hệ thống chăm sóc khách hàng tự động. Ngoài ra, công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên cho tiếng Việt cũng đang được Trung tâm này tập trung phát triển với một trong những ứng dụng đầu tiên là Bot Platform – nền tảng tạo chatbot/trợ lý ảo.
  * Trong y tế
Tại Việt Nam, ứng dụng TTNT vào lĩnh vực y tế ngày càng phổ biến. Nhiều phần mềm, hệ thống có hợp phần chính là TTNT đã được ứng dụng hiệu quả trong y tế. Một số bệnh viện đã áp dụng triển khai ứng dụng TTNT (hệ thống IBM Watson for Oncology - IBM WFO) (***) để tư vấn hỗ trợ điều trị ung thư. IBM WFO được xây dựng dựa trên việc tổng hợp hàng triệu hồ sơ bệnh án ung thư, hơn 300 tạp chí y khoa, 200 sách giáo khoa và hơn 15 triệu trang tài liệu y văn trên thế giới liên quan tới điều trị ung thư. Với nền tảng điện toán đám mây cùng các thuật toán tối ưu, hệ thống TTNT giúp bác sĩ dễ dàng tìm kiếm trên 200 triệu trang tài liệu y khoa trong vòng 3 giây; đồng thời đưa ra các gợi ý phác đồ điều trị, lịch trình thời gian trong kế hoạch điều trị; đưa ra so sánh giữa các phác đồ điều trị; đưa ra các bằng chứng cho mỗi lựa chọn và cung cấp các bằng chứng thử nghiệm lâm sàng. IBM WFO có thể hỗ trợ các bác sĩ ung bướu trong việc phát triển các phác đồ điều trị 13 loại ung thư phổ biến. Tại Việt Nam, IBM WFO được sử dụng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ (từ tháng 01/2018), Bệnh viện K Trung ương (từ tháng 2-5/2018), và Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh - TP. HCM (từ tháng 9/2018).
Ngoài ra, Bộ Y tế đã và đang đẩy mạnh phát triển y tế thông minh, ví dụ như triển khai bệnh án điện tử (****) tại các cơ sở khám chữa bệnh. Thay vì bệnh án giấy chỉ dùng riêng lẻ được từng bệnh án của từng người bệnh, bệnh án điện tử bao gồm 2 loại dữ liệu: một là ghi chép lâm sàng (văn bản), hai là dữ liệu cận lâm sàng (số đo máy móc đưa lại như dữ liệu hình ảnh, xét nghiệm). Hồ sơ bệnh án điện tử được lập, cập nhật, hiển thị, ký số, lưu trữ bằng phương tiện điện tử. Mỗi người bệnh chỉ có một mã số quản lý, lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử tại một cơ sở khám, chữa bệnh. Bệnh án điện tử ghi nhận toàn bộ nội dung thông tin như hồ sơ bệnh án giấy và phải có chữ ký số của người chịu trách nhiệm nội dung thông tin được nhập vào hồ sơ bệnh án điện tử; tuân thủ việc bảo vệ thông tin cá nhân. Bệnh án điện tử do từng bệnh viện tạo ra và lưu giữ theo chuẩn quy định (*****).
Việc xây dựng bệnh án điện tử cũng như nhiều công trình nghiên cứu sử dụng công nghệ TTNT trong ngành y tế (******) đã giúp cho bác sỹ rút ngắn thời gian khám chữa bệnh, bệnh lý được xác định chính xác, rút ngắn thời gian chờ đợi của bệnh nhân, đồng thời giảm rủi ro, sai sót trong chỉ định, chống chỉ định thuốc, dự đoán hiệu ứng phụ khi dùng thuốc, tương tác thuốc khi kê đơn.
* Trong du lịch
Với trợ giúp của công nghệ TTNT, ngành du lịch đã và đang tạo ra nhiều sản phẩm mới hấp dẫn. Các ứng dụng công nghệ giúp các đơn vị du lịch giảm thời gian, nhân lực, chi phí sản xuất, từ đó giảm giá thành dịch vụ, mang lại lợi ích cho du khách…
Bắt đầu từ giữa tháng 4/2019, Vinpearl trở thành hệ thống khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt (Face Recognition) dựa trên nền tảng TTNT (*******). Công nghệ này có 5 ưu thế: nhận diện tốc độ trong vòng một giây, hệ thống thuật toán xử lý dữ liệu lớn với quy mô hàng triệu gương mặt, linh động cảnh báo an ninh trong thời gian thực, chính xác gần như tuyệt đối 100% và bảo mật thông tin khách hàng ở cấp độ cao nhất. Tính năng ưu việt của công nghệ giúp du khách giảm thiểu tối đa thời gian chờ đợi thủ tục và quá trình di chuyển giữa các khu vực nội bộ của Vinpearl, mang đến sự tiện lợi tối đa cho du khách.
3. Xu hướng phát triển trí tuệ nhân tạo trong tương lai
Trong cuộc CMCN 4.0, TTNT được xem là một trong những công cụ cốt lõi để tạo nên sức đột phá của các sản phẩm công nghệ. Nhiều quốc gia trên thế giới đã ghi nhận xu thế phát triển tất yếu và tác động chuyển đổi to lớn của TTNT trong mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội.
Tại Việt Nam, ứng dụng TTNT đã, đang góp phần tạo ra những sản phẩm công nghệ mới, thúc đẩy sự phát triển của nhiều lĩnh vực. Trong những năm tới, việc ứng dụng TTNT có khả năng tập trung vào một số lĩnh vực như:
Trong giao thông vận tải: Sử dụng TTNT trong công tác quản lý, điều hành và quy hoạch giao thông sẽ trở nên phổ biến. Dựa vào các dữ kiện giao thông được tự động thu thập bằng công nghệ camera, TTNT phân tích hành vi giao thông, dự báo sự kiện giao thông xảy ra trên đường, tự động điều khiển đèn tín hiệu, tối ưu hóa dòng giao thông và khuyến nghị những lộ trình lưu thông phù hợp. TTNT cũng sẽ được ứng dụng trong công tác quản lý, bảo trì hệ thống công trình giao thông.
TTNT cũng đang từng bước được nghiên cứu và thí điểm trong phát triển phương tiện thông minh, xe tự lái; bước đầu xây dựng các giải pháp kết nối, chia sẻ, cung cấp, trao đổi thông tin giữa phương tiện và phương tiện (V2V), phương tiện và cơ sở hạ tầng (V2I và I2V), phương tiện và trung tâm (V2C và C2V) và giữa các thiết bị hạ tầng với nhau (I2I).
Trong thanh toán và tín dụng: Các ngân hàng đã bắt đầu sử dụng TTNT để bảo mật thông tin khách hàng hay tư vấn trong các giao dịch trực tuyến. TTNT cũng được sử dụng tại 3 lĩnh vực back office bao gồm: trợ giúp nhân viên chăm sóc khách hàng, thực hiện các giao dịch tự động và giải quyết khiếu nại; trong đó, trợ giúp nhân viên chăm sóc khách hàng là ứng dụng đang được phổ biến hơn cả.
Trong lĩnh vực thanh toán, TTNT được sử dụng rộng rãi nhằm phát hiện và ngăn chặn các giao dịch lỗi và có nhiều tiềm năng trong việc chống và phát hiện rửa tiền.
Trong y tế: Các ứng dụng dựa trên TTNT có thể cải thiện các kết quả sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho hàng triệu người trong những năm sắp tới. Những ứng dụng tiềm năng của TTNT trong y tế bao gồm: robot y tế hỗ trợ phẫu thuật hoặc chăm sóc bệnh nhân; phân tích y tế giúp chẩn đoán và điều trị điều chỉnh mang tính cá nhân hơn; quản lý các hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Trong giáo dục: TTNT hứa hẹn sẽ tăng cường giáo dục ở tất cả các cấp, đặc biệt bằng cách cung cấp dịch vụ giáo dục ở quy mô cá nhân. Trong tương lai gần, robot dạy học, học trực tuyến, đặc biệt qua Mobile Learning là xu thế phát triển tất yếu, và được mệnh danh là "cuộc cách mạng tiếp theo" trong giáo dục (********).
Trong bảo vệ môi trường: Ứng dụng công nghệ TTNT trong Internet vạn vật giúp giải quyết các bài toán quan trắc và cảnh báo chất lượng không khí, môi trường, cảnh báo ngập dựa trên nền tảng sensor kết nối camera.
Trong lĩnh vực an ninh - trật tự xã hội: Ứng dụng công nghệ camera TTNT giải quyết các bài toán như nhận diện khuôn mặt trên cơ sở dữ liệu có sẵn; cảnh báo hành vi bạo lực; cảnh báo cột khói - camera tầm cao; tự động đeo bám đối tượng, phương tiện theo yêu cầu; phân tích chọn lựa những camera khu vực xảy ra sự cố.
Chú thích:
(*)Theo Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg ngày 25/11/2014.
(**)Trong đó, dùng TTNT để nhận dạng hướng dẫn viên du lịch giả.Công nghệ này đang được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thành phố Đà Nẵng áp dụng.
(***)IBM Watson for Oncology (IBM WFO) là hệ thống ứng dụng TTNT hỗ trợ đưa ra phác đồ điều trị ung thư dựa trên bằng chứng, được phát triển bởi công ty IBM và các chuyên gia của Trung tâm ung thư Memorial Sloan Kettering (Hoa Kỳ).
(****)Bệnh án điện tử (EMR) là phiên bản số của hồ sơ bệnh án, được ghi chép, hiển thị và lưu trữ bằng phương tiện điện tử.
(*****)Bệnh viện Vân Đồn là nơi đầu tiên làm bệnh án điện tử đúng theo chuẩn.
(******)Ví dụ như dùng nhận dạng tiếng nói để tạo bệnh án điện tử, nghiên cứu về sử dụng thuốc ở Việt Nam, gợi ý phác đồ điều trị cho bệnh nhân.
(********)Trong giai đoạn đầu tiên, ứng dụng nhận diện gương mặt được triển khai tại Vinpearl Nha Trang.
(********) Tổ chức World Advertising Research Center (WARC) ước tính đến năm 2025, khoảng 72,6% người dùng internet trên thế giới sẽ chỉ truy cập mạng qua thiết bị di động thông minh (smartphone), tương đương gần 3,7 tỷ người (theo CNBC).
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Nhật Quang (2010), Giáo trình TTNT, Đại học Bách khoa Hà Nội.
2. Vũ Hải Quân (2019). Phát triển TTNT 2020-2030: Tầm nhìn chiến lược, Đại học Quốc gia TP. HCM.
3. Ngọc Bích (2018). Việt Nam với làn sóng ứng dụng công nghệ TTNT, https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-voi-lan-song-ung-dung-cong-nghe-tri-tue-nhan-tao/519587.vnp, xem 17/8/2018.
4. Phạm Thị Thu Hà (2019). Phát triển TTNT tại Việt Nam: Thực trạng, kinh nghiệm quốc tế và xu hướng phát triển, http://hdll.vn/vi/thong-tin-ly-luan/phat-trien-tri-tue-nhan-tao-ai-tai-viet-nam-thuc-trang-kinh-nghiem-quoc-te-va-xu-huong-phat-trien.html, xem 14/11/2019.
Nguồn: http://www.ncif.gov.vn/

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 1
  • 8
  • 7
  • 7
  • 7
  • 4