Thứ hai, 29/04/2024 | 03:31 - GMT+7

Bình Phước ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao

Bình Phước trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có nhiều thuận lợi thu hút đầu tư và nguồn nhân lực. Hơn nữa, tỉnh Bình Phước còn quỹ đất dồi dào, chủ yếu là đất công, dễ xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp.

18/08/2023 - 08:42
​Công nghiệp công nghệ cao (CNCNC) có vai trò đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế, bởi nó giúp đẩy nhanh quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển mạnh sang tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, phát triển CNCNC là yếu tố quan trọng thực hiện những nội dung cơ bản về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Nhiều tiềm năng phát triển
CNCNC là lĩnh vực được Chính phủ tập trung phát triển trong những năm gần đây. Hiện cả nước có 49 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp CNCNC; 3 khu công nghệ cao quốc gia đa ngành, quy mô lớn tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Ngoài ra, một số tỉnh, thành phố cũng đã quy hoạch và thành lập khu công nghệ cao như Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Hà Nam, Phú Yên, Cần Thơ. Quy mô các doanh nghiệp, dự án tham gia sản xuất sản phẩm công nghệ cao và cung ứng dịch vụ công nghệ cao bước đầu có sự gia tăng, hình thành một số doanh nghiệp, dự án quy mô lớn, giúp CNCNC của nước ta đạt được những kết quả nhất định.
Công ty cổ phần Tập đoàn Hanfimex Việt Nam (huyện Phú Riềng) áp dụng công nghệ cao hệ 9 cửa của Nanopix (Đức) trong khâu bắn màu phân loại hạt điều nhân trắng
Doanh nghiệp tham gia sản xuất sản phẩm công nghệ cao ở Việt Nam hầu hết là doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI), các doanh nghiệp trong nước còn ít và quy mô nhỏ. Chưa có sự đa dạng về lĩnh vực ngành nghề, đa số doanh nghiệp, dự án thuộc lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin, một số lĩnh vực khác như công nghiệp vật liệu mới, công nghiệp sinh học chưa có nhiều. Ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho CNCNC chưa phát triển.
Tại các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ đã thu hút được nhiều doanh nghiệp công nghệ cao đến đầu tư. Ngoài thu hút doanh nghiệp FDI, các địa phương đã chú trọng tạo môi trường cho các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp khoa học và công nghệ tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm công nghệ cao. Song song đó, các địa phương đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng, những điều kiện cần thiết để thu hút và giữ chân nhà khoa học, chuyên gia, lao động chất lượng cao đến nghiên cứu và làm việc lâu dài tại địa phương.
Có 60 triệu người Việt Nam thường xuyên sử dụng internet cho thương mại điện tử và con số sẽ tăng lên khi dân số Việt Nam đạt 100 triệu người, phần đông là dân số rất trẻ, vì vậy có nhiều tiềm năng cho chúng tôi đầu tư tại Việt Nam trong tương lai”.
Ông RAFAEL PRANKEL
Giám đốc Chính sách công khu vực Nam Á và Đông Nam Á, Tập đoàn Meta
Thu hút đầu tư vào Bình Phước
Bình Phước trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có nhiều thuận lợi thu hút đầu tư và nguồn nhân lực. Hơn nữa, tỉnh Bình Phước còn quỹ đất dồi dào, chủ yếu là đất công, dễ xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp. Với định hướng phát triển của tỉnh gia tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp, Bình Phước có thể thực hiện chính sách đi tắt, đón đầu, chọn lọc và tiếp nhận các làn sóng dịch chuyển đầu tư, phát triển ngành công nghiệp theo hướng bền vững, giá trị gia tăng cao và khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh riêng có. Với tiềm năng và lợi thế đó, ngày 18-10-2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1493/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Phát triển CNCNC tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030”.
Bình Phước xác định công nghiệp công nghệ cao là giải pháp quan trọng để phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong tình hình mới. Trong ảnh: Khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc (TX. Chơn Thành) nhìn từ trên cao
Đề án nêu rõ, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 366 công ty đang hoạt động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế và cụm công nghiệp. Trong đó có 2 công ty sản xuất sản phẩm thuộc lĩnh vực CNCNC, gồm: Công ty TNHH Tech Seal - Dai Binh (Khu công nghiệp Đồng Xoài I, TP. Đồng Xoài) sản xuất sản phẩm cơ khí chính xác và Công ty TNHH HCM Vina (Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước, TX. Chơn Thành) sản xuất, gia công sợi các-bon và thủy tinh. Tuy nhiên, 2 công ty này chưa được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp công nghệ cao. Như vậy đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Phước chưa có doanh nghiệp nào được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ngành công thương đã tham mưu chính sách hỗ trợ để thu hút đầu tư vào tỉnh dựa trên những ưu tiên thu hút vào lĩnh vực CNCNC. Đặc biệt hướng tới nhóm nhà đầu tư của các quốc gia có lợi thế như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước thành viên EU. Trước mắt đã có các đơn vị liên lạc với ngành để đầu tư lĩnh vực ép dầu vỏ hạt điều chế biến nhựa sinh học, chế biến viên nén gỗ nhiệt lượng cao từ công nghệ Đức; dệt nhuộm tiết kiệm nhiên liệu, nước từ công nghệ Ý... Đặc biệt là đang thu hút đầu tư sản xuất vỏ bánh xe cao su để tối ưu hóa nguồn nguyên liệu cao su thiên nhiên sẵn có ở địa phương”.
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương
VŨ NGỌC LONG
Cơ hội phát triển
Tỉnh xác định CNCNC là giải pháp quan trọng để phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong tình hình mới, là nhiệm vụ cần thiết để phát triển trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Đi tắt, đón đầu có trọng tâm, trọng điểm, tập trung phát triển công nghệ chủ lực, có lợi thế, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh. Phát triển CNCNC gắn với phát triển khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực có trình độ cao, coi trọng chất lượng tăng trưởng và giá trị tăng thêm của sản phẩm CNCNC. Tỉnh Bình Phước đã đưa ra mục tiêu phát triển CNCNC giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, đến năm 2025, Bình Phước sẽ từng bước hình thành một số cơ sở sản xuất thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh như sản xuất phần mềm, tích hợp hệ thống, sản xuất các thiết bị công nghệ thông tin trên địa bàn. Thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến thuộc một số lĩnh vực vào hoạt động sản xuất như công nghệ sinh học (ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, y - dược, bảo vệ môi trường, bảo quản thực phẩm...), công nghệ vật liệu mới (ứng dụng vật liệu nano trong nông nghiệp, xử lý môi trường...). Đến năm 2030, phát triển ngành công nghệ thông tin trở thành một trong những lĩnh vực kinh tế quan trọng của tỉnh. Ứng dụng công nghệ sinh học rộng rãi trong các ngành như nông nghiệp, bảo vệ môi trường, chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, thực phẩm. Hình thành một số ngành thuộc các lĩnh vực công nghiệp chế tạo và tự động hóa, điện tử, năng lượng, vật liệu mới...
Để đạt các mục tiêu nêu trên, Bình Phước ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có thương hiệu, công nghệ hiện đại trong và ngoài nước thuộc các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghiệp chế tạo và tự động hóa, công nghiệp điện tử, công nghiệp năng lượng, phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển CNCNC. Bình Phước phấn đấu đến năm 2025, phát triển 8.290 ha khu công nghiệp, 25.864 ha khu kinh tế, 730 ha cụm công nghiệp. Tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp đạt từ 60-70%. Đến năm 2030 phát triển 11.522 ha khu công nghiệp, 25.864 ha khu kinh tế, 1.279 ha cụm công nghiệp; suất đầu tư đạt từ 3,5-4 triệu USD/ha.
Bình Phước đang tràn đầy cơ hội phát triển. Bình Phước đang đổi mới vươn lên mạnh mẽ. Và Bình Phước đang chờ đón các nhà đầu tư để cùng nhau gặt hái thành công”.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy
NGUYỄN MẠNH CƯỜNG
Bình Phước đang chờ đón các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư vào lĩnh vực CNCNC. Đây là lĩnh vực mới, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với các nền kinh tế; bởi nó sẽ giúp đẩy nhanh quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển mạnh sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, góp phần nâng cao năng suất lao động và rút ngắn khoảng cách phát triển với các quốc gia trên thế giới. Do vậy, phát triển CNCNC là xu thế tất yếu mà các tỉnh, thành, trong đó có Bình Phước phải thực hiện.
Nguồn: Báo Bình Phước

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 2
  • 7
  • 8
  • 4
  • 4
  • 6