Chủ nhật, 28/04/2024 | 14:51 - GMT+7

Đà Nẵng: Phấn đấu đến năm 2030 công nghiệp CNTT chiếm tối thiểu 15% GRDP

Nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách và phát triển hạ tầng công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) thành phố hiện đại, đồng bộ, đảm bảo năng lực và an toàn, an ninh thông tin, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch số 163/KH-UBND về Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố đến năm 2030.

21/08/2023 - 16:58
Theo đó, Kế hoạch ra mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến an toàn cho các doanh nghiệp đầu tư trong và ngoài nước; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp CNTT trở thành ngành kinh tế mũi nhọn góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, tạo động lực thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội của thành phố Đà Nẵng; kết nối đồng bộ với mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN.
Đồng thời, tập trung phát triển nền kinh tế số đóng góp tối thiểu 20% GRDP thành phố, trong đó công nghiệp CNTT-TT chiếm tối thiểu 10% GRDP thành phố vào năm 2025. Đến năm 2030, kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP thành phố. Trong đó công nghiệp CNTT chiếm tối thiểu 15% GRDP thành phố.
Thành phố Đà Nẵng sẽ đưa công nghiệp CNTT trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thành phố (Ảnh: UNBD TP. Đà Nẵng)
Hỗ trợ khởi nghiệp và thành lập doanh nghiệp công nghệ. Đưa số lượng doanh nghiệp công nghệ số đạt mức 03 doanh nghiệp/1.000 dân. Phấn đấu đến năm 2030, đạt tối thiểu 8.950 doanh nghiệp công nghệ số và 115.000 nhân lực công nghệ số. Tốc độ tăng trưởng doanh thu công nghiệp CNTT bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 10%/năm; tốc độ tăng trưởng doanh thu xuất khẩu phần mềm giai đoạn 2021-2030 đạt 12%/năm; Đến năm 2030, thành phố Đà Nẵng có tối thiểu 07 Khu công nghệ thông tin, công viên phần mềm.
Hình thành trạm cáp quang ven biển thứ 2 của thành phố Đà Nẵng để bảo đảm hạ tầng cho các doanh nghiệp đầu tư kết nối tuyến cáp quang biển đi quốc tế; Phấn đấu 100% các doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp cận về hạ tầng để triển khai ứng dụng IoT; phủ sóng 5G tối thiểu 50% diện tích các khu công nghiệp trên địa bàn; Đến năm 2030, bảo đảm cung cấp hạ tầng tính toán, lưu trữ chuyên sâu để triển khai các ứng dụng lõi liên quan đến Cách mạng 4.0 với tối thiểu 05 Trung tâm dữ liệu, quy mô trên 500 rack.
Để đạt được các mục tiêu trên, UBND TP. Đà Nẵng đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Trong đó, chú trọng công tác truyền thông các chính sách hiện hành của thành phố về phát triển công nghiệp CNTT, về hình ảnh ngành công nghiệp CNTT của thành phố Đà Nẵng lên Cổng thông tin điện tử thành phố, báo đài và các phương tiện truyền thông đại chúng khác; thường xuyên phổ biến, hướng dẫn các chủ trương, chính sách, quy định mới của nhà nước cho các doanh nghiệp CNTT, công nghệ số; tuyên truyền, vinh danh các Doanh nghiệp đạt các giải thưởng cao về Make in Việt Nam.
Về cơ chế, chính sách, thành phố sẽ tham mưu xây dựng quy chế hoặc quy định về quản lý nhà nước các Khu CNTT tập trung tại Đà Nẵng; Nghiên cứu áp dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc thù của Quốc hội, Chính phủ đối với các Khu CNTT tập trung trên địa bàn thành phố; Xây dựng Đề án thúc đẩy, phát triển, ươm tạo doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ công nghệ số tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng và các Khu CNTT tập trung, Khu Công viên phần mềm trên địa bàn thành phố.
Đồng thời, triển khai các chính sách phát triển nguồn nhân lực công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông gắn với nền kinh tế số theo Đề án phát triển nguồn nhân lực cho khu vực tư tại một số ngành, lĩnh vực mũi nhọn của thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Thu hút các doanh nghiệp CNTT vào hoạt động tại các Khu CNTT tập trung, Công viên phần mềm đã được đầu tư; Hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân triển khai sandbox để phát triển, thử nghiệm và áp dụng các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới; Cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng CNTT để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn lực Nhà nước.
Song song đó, thành phố cũng tập trung xây dựng nền tảng để phát triển trí tuệ nhân tạo. Phát triển hạ tầng số; hoàn thiện các thủ tục pháp lý để sớm đưa các Khu CNTT, Công viên phần mềm đã được quy hoạch trên địa bàn thành phố vào hoạt động gồm: Khu Công viên phần mềm số 2, Khu không gian đổi mới sáng tạo Hòa Xuân, Khu CNTT Đà Nẵng Bay, Tòa nhà Công nghệ cao Viettel Đà Nẵng.
Phát triển doanh nghiệp CNTT; phát triển, đảm bảo chất lượng các sản phẩm công nghiệp CNTT; thúc đẩy Make In Vietnam. Triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trên địa bàn thành phố; tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp công nghệ số với các doanh nghiệp ngành nghề khác. Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển sản phẩm CNTT trọng điểm; ưu tiên phát triển công nghiệp phần mềm, sản xuất nội dung số, thiết kế, sản xuất vi mạch, cung cấp dịch vụ CNTT có lợi thế cạnh tranh và có tiềm năng xuất khẩu.
Đồng thời đặt hàng; truyền thông, quảng bá, hỗ trợ phát triển thị trường cho sản phẩm công nghệ số; khuyến khích, triển khai dùng thử các công nghệ, giải pháp, ứng dụng chuyển đổi số của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Khuyến khích các doanh nghiệp CNTT tham gia vào các chương trình, đề tài khoa học ứng dụng và các sản phẩm triển khai thí điểm của thành phố; phát triển sản phẩm mới phục vụ xây dựng thành phố thông minh tại Đà Nẵng.
Công tác phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp công nghệ số và nền kinh tế số cũng được quan tâm, chú trọng. Thành phố cũng tăng cường thu hút đầu tư và nguồn lực bên ngoài; Hợp tác phát triển sản phẩm, xúc tiến thương mại, nghiên cứu khoa học và khuyến khích khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT, chuyển đổi số.
Xem chi tiết Kế hoạch số 163/KH-UBND: tại đây
Thời gian qua, thành phố Đà Nẵng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp CNTT; chú trọng bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực; tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư; quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng CNTT - truyền thông; tập trung thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số. Đến nay, hạ tầng CNTT - truyền thông tại thành phố Đà Nẵng đã có những bước phát triển vượt bậc, được mở rộng theo hướng dịch vụ đa dạng, phong phú với chất lượng ngày càng cao đáp ứng các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp, cũng như sẵn sàng cho việc triển khai xây dựng thành phố thông minh.
Năm 2020, Đà Nẵng đã thúc đẩy chuyển đổi số, đạt được nhiều giải thưởng: Hạ tầng số thông minh (bao gồm cả dữ liệu số), Dịch vụ công thông minh; là đơn vị 12 năm liên tục (2009-2021) dẫn đầu bảng xếp hạng khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT - truyền thông Việt Nam (Việt Nam ICT Index) (chỉ số này dựa trên 4 chỉ tiêu thành phần, gồm: hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng nhân lực, ứng dụng CNTT và dịch vụ công trực tuyến);
Năm 2021, xếp hạng A (dẫn đầu) về an toàn thông tin và thuộc Top 3 địa phương dẫn đầu về thương mại điện tử.
Năm 2022, năm thứ ba liên tiếp (2020-2022) đạt Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam (giải thưởng danh giá và duy nhất dành cho các thành phố/đô thị); năm thứ hai liên tiếp (2021-2022) xếp Nhất khối các tỉnh thành về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh và dẫn đầu cả 03 trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số.
Tố Uyên


Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 2
  • 7
  • 3
  • 5
  • 0
  • 5