Thứ bảy, 27/04/2024 | 04:48 - GMT+7

Đồng Tháp: Thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả nhờ chuyển đổi số

Theo báo cáo của tỉnh Đồng Tháp, sau 01 năm thực hiện Nghị quyết 04- NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI về chuyển đổi số, nhận thức về chuyển đổi số của đội ngũ cán bộ, công chức, người dân tỉnh Đồng Tháp đã có những thay đổi rõ rệt, từng bước hình thành thói quen ứng dụng công nghệ số trong công việc, cuộc sống.

07/04/2023 - 14:56
Về mặt xây dựng chính quyền số, 12/12 huyện, thành phố cùng các sở, ban, ngành của tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, văn bản chuyên đề về chuyển đổi số; thành lập Trung tâm Chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông và bổ sung chức năng, nhiệm vụ và nhân sự để hỗ trợ các cơ quan, đơn vị và địa phương thực hiện chuyển đổi số. Đồng thời, tình cũng lựa chọn ngày 10/10 hàng năm làm ngày Chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp nhân ngày Chuyển đổi số năm 2022.
Lễ ra mắt Trung tâm Chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp (Ảnh: vietnamnet.vn/)
Kết quả bước đầu cho thấy 100% thủ tục hành chính đến nay có đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% văn bản được trao đổi qua môi trường mạng (trừ văn bản mật); 30% cơ quan nhà nước tham gia cung cấp dữ liệu mở phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hộI; 79,2% lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng số để sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản cho yêu cầu công việc. 
Về kinh tế số, tỉnh ghi nhận 57% doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử; 56,67% dân số tham gia mua sắm trực tuyến; 100% sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) có mặt trên các sàn thương mại điện tử; 10% nông dân biết ứng dụng công nghệ IoT vào quy trình sản xuất, khai thác thông tin cung - cầu thông qua mạng internet, mua bán trực tuyến, thay đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”; năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu/năm 13,77%.
Còn trong phương diện xã hội số, quá trình triển khai các kế hoạch về chuyển đổi số đã giúp 79,5% hộ gia đình tại tỉnh Đồng Tháp có kết nối Internet băng rộng cố định; 75,3% thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh; 55% dân số có tài khoản thanh toán điện tử; trên 50% dân số có kiến thức số, kỹ năng số cơ bản; 100% dân số có danh tính số; trên 80% các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục khác triển khai hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập trên môi trường số; 80% dân số có hồ sơ sức khoẻ điện tử; 81,5% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa. 
Người dân Đồng Tháp thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt (Ảnh: doanhnghiephoinhap.vn/)
Để nâng cao ý thức người dân trong việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong sinh hoạt, đời sống hàng ngày, tỉnh Đồng Tháp còn triển khai xây dựng các Tổ công nghệ số cộng đồng, tổ chức nhiều lượt ra quân hướng dẫn người dân thanh toán không dùng tiền mặt và sử dụng ứng dụng e-Dongthap; phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông, ngân hàng tổ chức đào tạo 4 lớp tập huấn nâng cao nhận thức chuyển đổi số cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn. Trong đó, thành phố Cao Lãnh là địa phương tiên phong triển khai thực hiện thí điểm Tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ.
Từ những kết quả nổi bật của năm 2022, tỉnh Đồng Tháp xác định năm 2023 sẽ là năm trọng tâm của công tác chuyển đổi số trên địa bàn toàn tỉnh, hướng tới tạo ra những đột phá, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số đến năm 2025 và mục tiêu của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Qua đó, Đồng Tháp phấn đấu đến năm 2025 nằm trong top 25 và đến năm 2030 nằm trong top 20 tỉnh, thành phố có chỉ số chuyển đổi số tốt nhất cả nước.
Để thực hiện thành công mục tiêu này, Đồng Tháp xác định sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị và nhân dân về chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong quá trình triển khai, luôn tổ chức phân tích, rút kinh nghiệm từ những kết quả đã làm được và hạn chế; từ đó đề ra các giải pháp khắc phục, đưa ra hướng giải quyết mới cho phù hợp với thực tiễn địa phương. Đồng thời, trong chương trình thực hiện cần để ý, tháo gỡ những khó khăn trong chính sách đào tạo, tập trung phát triển đội ngũ nguồn nhân lực công nghệ thông tin nhằm thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đi vào chiều sâu và hiệu quả. 
Quang Ngọc

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 2
  • 5
  • 8
  • 9
  • 7
  • 4