Chia sẻ tại tọa đàm Đối thoại với nhà sáng lập Tập đoàn Infosys (Ấn Độ) tối 20/5, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàn Phương cho biết, hơn 50 năm qua, quan hệ hợp tác Việt Nam - Ấn Độ luôn duy trì tình hữu nghị bền vững và ngày càng phát triển tốt đẹp. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, các lĩnh vực chuyển đổi số, công nghiệp phần mềm, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo là những lĩnh vực có nhiều tiềm năng, dư địa để thúc đẩy phát triển giữa hai quốc gia.
Tại Việt Nam, ngành công nghệ thông tin và công nghệ số đang phát triển vượt bậc, với tốc độ phát triển bình quân từ 15 -20%/năm trong 10 năm qua.
Doanh thu hoạt động phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin, phần cứng, hoạt động nội dung số năm 2023 đạt trên 140 tỷ USD.
Hiện đã có nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài như Samsung, Foxconn, LG tham gia sản xuất điện tử phần cứng. Điều đáng nói là Việt Nam đã có những tập đoàn công nghệ lớn đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài như FPT, Viettel, VNPT, CMC.
Việt Nam hiện có hơn 180 trường đại học, cao đẳng tham gia đào tạo công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông với quy mô 50.000 kỹ sư tốt nghiệp hằng năm. Đây là lực lượng rất lớn cho Việt Nam trong quá trình thúc đẩy phát triển công nghệ thông tin, công nghệ số.
Để đạt được kết quả này, Chính phủ Việt Nam đã ban hành hàng loạt chính sách thúc đẩy hệ sinh thái năng động, sáng tạo. Đơn cử là một số chính sách phát triển khu công nghệ thông tin tập trung. Từ năm 2001 đến nay, cả nước đã có 8 khu công nghệ tập trung với hơn 1.000 doanh nghiệp hoạt động với hơn 40.000 lao động.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho phát triển phần mềm, đầu tư vào công nghệ cao, hỗ trợ doanh nghiệp FDI.
Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ ban ngành ban hành nhiều chiến lược. Điển hình là chính sách phát triển AI.
Với chính sách này, Thủ tướng cũng đã ban hành chiến lược quốc gia nghiên cứu phát triển AI đến 2030, với mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu phát triển, ứng dụng AI, đưa AI trở thành công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và đến năm 2030 Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo phát triển các giải pháp ứng dụng AI trong khu vực ASEAN và trên thế giới.
Hỗ trợ ngành công nghệ thông tin phát triển, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Dự kiến, trong tháng 6/2024, Chính phủ sẽ ban hành đề án chiến lược phát triển nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam tầm nhìn 2030; Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Mam tầm nhìn 2030. Chính phủ cũng đã trình Quốc hội để 2025 ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số, hỗ trợ thúc đẩy phát triển lĩnh vực này.
Nguồn: doanhnhansaigon.vn