Ngành Thông tin và nhiều thành tựu, đóng góp xứng đáng vào lịch sử phát triển của Thủ đô Hà Nội và đất nước. Bước vào giai đoạn đưa các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân, của các cơ quan, tổ chức và DN lên môi trường số, ngành Thông tin và Truyền thông đã ghi dấu ấn với sứ mệnh dẫn dắt chuyển đổi số, góp phần hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng vì Việt Nam hùng cường.
Những bước tiến tích cực trong chuyển đổi số
Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 về chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Sở Thông tin và Truyền thông với vai trò là cơ quan tham mưu giúp UBND TP về công tác chuyển đổi số tại địa phương, đã tham mưu UBND TP ban hành các chương trình, kế hoạch: Chương trình chuyển đổi số TP Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2025; Kế hoạch Chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan Nhà nước, phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng TP Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025 và các Kế hoạch hàng năm.
Các nhà mạng sẵn sàng hạ tầng số và bảo đảm an ninh mạng cho quá trình chuyển đổi số trên địa bàn TP Hà Nội. Ảnh: Cao Hưng
Chuyển đổi số là việc mới của cả nước và bắt đầu được triển khai trong 3 năm gần đây, Hà Nội với quy mô TP hơn 10 triệu dân, số lượng đơn vị hành chính lớn (30 UBND quận, huyện, thị xã; 579 xã, phường, thị trấn), việc triển khai chuyển đổi số trên địa bàn lớn như vậy sẽ có nhiều khó khăn hơn so với các tỉnh/TP khác.
Tuy nhiên, với sự quyết liệt chỉ đạo của các cấp lãnh đạo từ Thành ủy, UBND TP và sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị TP, đã có nhiều chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động trong công tác chuyển đổi số tại các cấp ủy, chính quyền, tổ chức, DN và Nhân dân Thủ đô. Thể hiện rõ ở một số kết quả nổi bật như:
Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đào tạo, bồi dưỡng được tích cực triển khai trên nhiều phương diện và nhiều hình thức đa dạng (Cổng thông tin điện tử Hà Nội, Cổng thông tin điện tử Sở Thông tin và Truyền thông, mạng xã hội: Zalo, Facebook…).
Các hoạt động, sự kiện được TP tổ chức triển khai được người dân, DN ghi nhận với quy mô, phạm vi rộng: hội nghị TP thông minh Việt Nam - châu Á 2023; Sự kiện phát động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn TP trong các lĩnh vực: an sinh xã hội, y tế, giáo dục, công thương,...
Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước đã ban hành Nghị quyết quy định về mức phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến (mức thu bằng “không” áp dụng cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nộp hồ sơ thực hiện các dịch vụ công theo hình thức trực tuyến (Nghị quyết số 7/2023/NQ-HĐND ngày 4/7/2023).
Hạ tầng số của Hà Nội đã được triển khai đồng bộ và tiếp tục hoàn thiện như: hạ tầng mạng diện rộng của TP (mạng WAN), hệ thống giao ban trực tuyến đến 579/579 xã, phường, thị trấn, tích hợp với mạng truyền số liệu chuyên dùng Chính phủ phục vụ chỉ đạo, điều hành Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xuyên suốt đến cấp xã. Đồng thời, TP tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, DN viễn thông quản lý, duy trì, triển khai hạ ngầm các đường dây cáp viễn thông tại các tuyến phố trên địa bàn TP và thử nghiệm mạng 5G,... đảm bảo an toàn thông tin liên lạc trên địa bàn TP.
TP Hà Nội đã đưa vào vận hành các hệ thống thông tin quan trọng, cốt lõi của TP nhằm cung cấp số liệu, thông tin phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo TP đến 03 cấp trực thuộc TP đảm bảo theo hướng đồng bộ, tập trung, thống nhất, liên thông, tích hợp với các hệ thống của Trung ương (Hệ thống quản lý văn bản và điều hành TP; Hệ thống thông tin báo cáo TP; Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của TP,…).
Chữ ký số được triển khai đồng bộ trên các hệ thống thông tin phục vụ xử lý công việc trên môi trường mạng và dịch vụ công trực tuyến, với 12.713 chữ ký số chuyên dùng cho cán bộ, công chức thuộc TP; hơn 40 nghìn chữ ký số miễn phí cho công dân Hà Nội để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch điện tử thực hiện…
Triển khai thí điểm Tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn quận Hoàn Kiếm năm 2023. Ảnh: Sở TT&TT
Khẳng định vai trò trong chuyển đổi số của Thủ đô
Trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ bám sát sự chỉ đạo, định hướng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông tham mưu TP ban hành và triển khai các chương trình, kế hoạch chuyển đổi số của TP nói chung, ngành thông tin và truyền thông nói riêng; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cấp ủy, chính quyền, tổ chức, DN và Nhân dân Thủ đô tích cực hưởng ứng tham gia chuyển đổi số;
Đồng thời, phối hợp hướng dẫn, phối hợp với các Sở, ban, ngành trong việc xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi của TP phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của TP; tiếp tục chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn TP.
Thúc đẩy các DN viễn thông trong việc phát triển mạng di động 5G và phát triển băng rộng cố định, di động làm nền tảng cho phát triển kinh tế và xã hội số. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế phát triển DN công nghệ số, đẩy nhanh chuyển đổi số DN dựa trên các nền tảng số, tạo hệ sinh thái DN trong các ngành, lĩnh vực.
Những kết quả bước đầu đạt được trong công cuộc chuyển đổi số của TP hiện tại là động lực để các cấp, các ngành TP tiếp tục triển khai các chỉ tiêu, nhiệm vụ góp phần từng bước xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Theo Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT năm 2022 (Báo cáo Vietnam ICT Index) được công bố vào tháng 10/2023, Hà Nội xếp thứ nhất Bảng xếp hạng chung về chỉ số công nghiệp CNTT. Theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam thì Hà Nội tiếp tục đứng thứ 2 trong 7 năm liên tiếp về Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam. |
Nguồn: phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/