Thứ sáu, 19/04/2024 | 08:35 - GMT+7

Ứng dụng công nghệ cao thúc đẩy nền y tế thông minh

Y tế thông minh là mục tiêu hướng tới của các nền kinh tế đã và đang phát triển, trong đó Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc.

29/06/2021 - 08:19
Ngành y tế đã sớm nhận ra những ưu việt của công nghệ, giúp giải quyết các ách tắc và tồn tại từ lâu như quá tải, chậm trễ trong giải quyết hồ sơ, thủ tục... đồng thời thúc đẩy hiệu quả khám chữa bệnh, tiết kiệm thời gian chuẩn đoán và thăm khám, giúp bệnh nhân hưởng lợi nhờ khám chữa bệnh từ xa…

Liên kết dữ liệu liên bệnh viện với chi phí chỉ bằng 1/3

Theo Đề án phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030, một trong 03 mục tiêu quan trọng xây dựng hệ thống y tế Việt Nam hiện đại, chất lượng là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin góp phần cải cách hành chính, giảm quá tải bệnh viện, sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử hướng tới không sử dụng bệnh án giấy.

Để có thể triển khai hiệu quả bệnh án điện tử, việc liên kết dữ liệu và đảm bảo hình ảnh y tế được truyền tải chất lượng giữa các phòng, khoa và cơ sở khám, chữa bệnh với nhau là rất quan trọng. Thực tế, các công nghệ có khả năng thực thi điều này đã được triển khai tại nhiều nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên vấn đề là chi phí không hề rẻ. Điều này đặt ra rào cản không nhỏ cho các bệnh viện và cả nền y tế trong tiến trình triển khai bệnh án điện tử.

Nhằm tháo gỡ rào cản này, bộ giải pháp PACS-CLOUD với mục tiêu kết nối dữ liệu liên bệnh viện và hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa đã ra đời. Giải pháp tích hợp các công nghệ thông tin tiên tiến là hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh PACS (Picture Archiving and Communication Systems) cùng với công nghệ ảo hóa và điện toán đám mây (Cloud Computing).

Đây là giải pháp được hội đồng khoa học và các chuyên gia trong lĩnh vực y tế đánh giá cao. Trong 5 năm triển khai thử nghiệm từ 2016-2020, công nghệ đã giúp kết nối liên thông dữ liệu tại 23 bệnh viện, trong đó có nhiều bệnh viện tuyến TW và bệnh viện hạng I như bệnh viện Thống Nhất, bệnh viện Nhân dân Gia Định, bệnh viện quận Thủ Đức, bệnh viện Đa khoa Tp. Vinh… Trong thời gian thử nghiệm chưa từng ghi nhận trường hợp sự cố nào xảy ra.

Ứng dụng bộ công cụ hỗ trợ bệnh viện thực hiện hội chẩn trực tuyến
Ngoài ra, với nguyên tắc được xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn hình ảnh y khoa quốc tế DICOM (Digital Image and Communication in Medicine) và HL7 (Health Level 7), các hình ảnh được truyền tải được bảo toàn về mặt chất lượng, giúp bác sỹ đưa ra chuẩn đoán chính xác hơn với thời gian ít hơn so với phương pháp truyền thống.

Theo chủ nhiệm dự án nghiên cứu TS. Nguyễn Chí Ngọc (Đại học Bách Khoa Tp. HCM): “Về cơ bản, bộ giải pháp đã khắc phục được nhược điểm của hệ thống server cũ của các bệnh viện, như khó mở rộng và sửa chữa, chi phí thay thế và duy trì tốn kém.” “Với các thiết bị được xây dựng như nghiên cứu thử nghiệm, một gói hình ảnh khoảng 600MB chỉ mất 7 phút để truyền từ bệnh viện Đồng Nai lên bệnh viện tuyến TW ở Tp. Hồ Chí Minh”, TS. Ngọc chia sẻ. 

Chủ nhiệm dự án TS. Nguyễn Chí Ngọc (Đại học Bách Khoa Tp. HCM) trình bày chi tết về các công nghệ được sử dụng trong bộ giải pháp PACS-CLOUD tại Hội thảo của Bộ Y tế
Thực tế trong quá trình triển khai thử nghiệm, bộ giải pháp đã giúp nhiều bệnh viện thực hiện hiệu quả việc khám chữa bệnh từ xa, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí và nhân lực. Uớc tính sơ bộ, giải pháp đã giúp các cơ sở y tế tiết giảm được hàng tỷ đồng chi phí mua vật tư, đồng thời được đội ngũ y tế đánh giá cao về mặt hiệu quả, giúp nâng cao hiệu suất dịch vụ y tế.  

Về mặt công nghệ, dự án có tỷ lệ nội địa hóa tới 85%, giúp giảm chi phí giá thành chỉ bằng 1/3 so với nhập ngoại và bước đầu đã được một số bệnh viện đặt hàng.

Chuẩn đoán nhanh bệnh bẩm sinh trong vòng 6 giờ
 
Bên cạnh đó những ưu điểm vượt trội mà bộ giải pháp PACS-CLOUD mang lại cho ngành y tế nói chung và các bệnh viện nói riêng, không thể không kể đến đến dự án sản xuất chip sinh học công nghệ DNA Microarry chẩn đoán một số bệnh ở người và sản xuất kít hỗ trợ sàng lọc ung thư cổ tử cung trên nhờ ứng dụng công nghệ Protein-array. Dự án đã hỗ trợ đơn vị thực hiện xây dựng nhà máy với các trang thiết bị hiện đại hàng đầu như phòng nghiên cứu vi sinh, kiểm soát chất lượng, kiểm định sản phẩm, đầu tư nghiên cứu làm chủ công nghệ… phục vụ cho nghiên cứu – sản xuất sản phẩm y tế công nghệ cao. 

Sản phẩm kít xét nghiệm của Bimedtech

Đội ngũ các nhà khoa học đã tiến hành phát triển 3 sản phẩm: BIMEDCHIP Thalassemia Detection Kit phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh thalassemia. Đây là sản phẩm kit chẩn đoán in vitro đầu tiên sản xuất tại Việt Nam cho phép phát hiện đồng thời nhiều đột biến gây bệnh thiếu máu bẩm sinh bao gồm cả alpha và beta - thalassemia chỉ trong một lần xét nghiệm với kết quả chính xác, thời gian nhận kết quả nhanh với mức chi phí phù hợp. Tiếp đó, là sản phẩm BIMEDCHIP Non-tuberculous Mycobacteria Panel Kit phục vụ chẩn đoán bệnh lao. Bộ kit này cung cấp kết quả một cách nhanh chóng, chỉ khoảng 6 giờ, so với phương pháp nuôi cấy truyền thống có thể mất nhiều tuần. Việc cung cấp kết quả nhanh chóng và chính xác giúp nhân viên y tế đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả và kịp thời, đem lại lợi ích cho người bệnh. Đặc biệt, sản phẩm BIMEDCHIP Cardiovascular Drug PGx Testing Kit cho phép phát hiện bệnh nhân có xuất hiện biến đổi của các gen liên quan đến sự chuyển hóa tại gan của các thuốc Clopidogrel, Statin, Sinthrome hay không trong một xét nghiệm duy nhất, từ đó giúp cán bộ y tế chọn liều dùng hoặc loại thuốc sử dụng phù hợp với từng bệnh nhân, đem lại hiệu quả tối ưu nhất cho việc dùng thuốc.

Thông qua dự án, có thể thấy Việt Nam đã làm chủ quy trình công nghệ sản xuất các bộ kít sinh học trên nền công nghệ hiện đại DNA Microarray và Protein-array. Các sản phẩm này có ý nghĩa hết sức thực tiễn trong việc hỗ trợ chuẩn đoán nhanh, độ chính xác cao đối với nhiều bệnh liên quan tới tan máu bẩm sinh, định danh 17 khuẩn lao không điển hình, xác định các kháng thuốc clopidogel ở bệnh nhân tim mạch và sàng lọc ung thư cổ tử cung. Điều này có ý nghĩa quan trọng bởi các bệnh trên khá phổ biến ở Việt Nam… Việc có thể xác định nhanh, chính xác bệnh với chi phí tiết kiệm là nguồn hỗ trợđáng kể cho cá nhân bệnh nhân nói riêng, đồng thời nâng cao hiệu quả chữa bệnh, giảm bớt gánh nặng cho cả hệ thống y tế nói chung.
Phòng thí nghiệm BIMEDTECH
Có thể khẳng định, việc ứng dụng và phát triển công nghệ số, công nghệ thông minh trong lĩnh vực y tế đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng hệ thống y tế thành phố hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế; hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, suốt đời.

PGS.TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế phát biểu: “Việc ứng dụng thành công y tế điện tử trong chăm sóc và nâng cao sức khỏe người bệnh có ý nghĩa hết sức quan trọng. Người bệnh sẽ được sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh tiên tiến, hạn chế các rủi ro, tai biến khi điều trị, tiết kiệm được thời gian và chi phí khám chữa bệnh; sẽ góp phần giảm tải bệnh viện, góp phần xây dựng hình ảnh mới của bệnh viện: văn minh, hiện đại, hết lòng vì bệnh nhân.”
Dự án "Ứng dụng công nghệ ảo hóa và điện toán đám mây để xây dựng hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh (PACS-Cloud) phục vụ kết nối liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện" được Bộ Công Thương phê duyệt trong khuôn khổ Chương trình quốc gia phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ.  Công ty Cổ phần Công nghệ Thông minh Ưu Việt chủ trì trực hiện Dự án.
Dự án “Nghiên cứu sản xuất chip sinh học trên nền công nghệ DNA microarray để chẩn đoán một số bệnh ở người” được triển khai từ năm 2016 đến năm 2020 trong khuôn khổ Chương trình quốc gia phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao do Bộ Công Thương chủ trì. Dự án được triển khai bởi Công ty TNHH MTV Nhà máy Công nghệ sinh học và Thiết bị y tế (BIMEDTECH). 
Hà Giang

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 1
  • 8
  • 1
  • 5
  • 5
  • 8