Thứ bảy, 27/04/2024 | 20:06 - GMT+7

Bộ KH&CN tăng cường hỗ trợ các nghiên cứu công nghệ mới, chip bán dẫn

Theo chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tăng cường hỗ trợ cho các nghiên cứu trong lĩnh vực bán dẫn; nghiên cứu các lợi thế của Việt Nam trong lĩnh vực này; đồng thời, hoàn thiện chính sách tạo đột phá trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

19/02/2024 - 08:36
Theo nội dung được Bộ trưởng Bộ KH&CN chia sẻ với báo chí, trong thời gian qua, chúng ta đã hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện cho việc ưu tiên đầu tư và phát triển chíp bán dẫn. Luật Đầu tư và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đã bổ sung các ưu đãi đặc biệt cho các dự án công nghệ cao, quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, trong đó bao gồm cả các dự án sản xuất chíp.
Năm 2020, Bộ KH&CN đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm Công nghệ cao được khuyến khích phát triển tại Quyết định số 38/2020/QĐ-TTg ngày 30/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ (trong đó công nghệ sản xuất vi mạch điện tử tích hợp là công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển; vật liệu bán dẫn, mạch điện tử tích hợp là các sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển).
Trong thời gian qua, để hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực vi mạch, Bộ KH&CN đã phê duyệt một số nhiệm vụ KH&CN trong các chương trình KH&CN cấp quốc gia.
Qua các nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, đội ngũ nghiên cứu, cán bộ kỹ thuật của Việt Nam đã từng bước nâng cao năng lực, làm chủ được một số công nghệ trong ngành vi mạch.
Hệ sinh thái về nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực vi mạch tích hợp đã từng bước được hình thành. Một số tổ chức, doanh nghiệp đã có đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ chíp bán dẫn như: Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel; Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch (ICDREC, Đại học Quốc gia TPHCM)…
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực vi mạch cũng đã được các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam quan tâm. Một số cơ sở giáo dục đại học đã có liên kết với các doanh nghiệp để phối hợp nghiên cứu phát triển chíp.
Tuy nhiên, theo đánh giá, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam có tỉ lệ nội địa hoá còn thấp, hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) chưa đồng bộ.... Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn còn hạn chế và Việt Nam. Hơn nữa, cũng cần nỗ lực để đạt được những thoả thuận hợp tác hỗ trợ chuyển giao công nghệ với các cường quốc công nghệ, từ đó, tiến tới việc tự chủ hoàn toàn các công đoạn quan trọng trong quy trình sản xuất chip bán dẫn.
Do vậy, trong thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường hỗ trợ cho các nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực bán dẫn thông qua Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia (NAFOSTED), các Chương trình nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên (Chương trình phát triển vật lý…); ưu tiên nguồn lực triển khai Chương trình sản phẩm quốc gia, trong đó có sản phẩm quốc gia là vi mạch điện tử tích hợp.
Đồng thời tăng cường phối hợp với các bộ ngành, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Viettel, VNPT, FPT, CMC... để nghiên cứu, đánh giá các khâu trong chuỗi sản xuất chíp (thiết kế, chế tạo, gia công và đóng gói...) mà Việt Nam có lợi thế và khả năng thành công để tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có ưu tiên nguồn lực và các chính sách phù hợp.
Bộ cũng sẽ hỗ trợ tăng cường năng lực cho một số doanh nghiệp Việt Nam để tham gia vào chuỗi sản xuất chíp, hình thành các trung tâm nghiên cứu – phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo liên quan đến vật liệu bán dẫn, thiết kế chíp tại Việt Nam; tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách đột phá để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn, thiết kế chíp, thúc đẩy phát triển các cơ sở nghiên cứu và thiết kế chíp.
Ngoài ra, Bộ cũng sẽ xây dựng các chính sách về đầu tư và hỗ trợ những trang thiết bị cho việc đo lường, kiểm định các sản phẩm chip bán dẫn theo đúng tiêu chuẩn, góp phần rút ngắn thời gian sản xuất và đầu ra sản phẩm.
Nguồn: sohuutritue.net.vn

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 2
  • 6
  • 4
  • 2
  • 8
  • 6