Việt Nam được biết đến là một thị trường mới nổi ở khu vực châu Á, được các chuyên gia phân tích và doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao với nhiều tiềm năng phát triển.
Từ nhu cầu liên tục gia tăng của chuỗi cung ứng toàn cầu, lĩnh vực bán dẫn ngày càng trở nên sôi động và đã trở thành lĩnh vực nhận được nhiều sự ưu ái. Nhất là khi các ngành sản xuất đang có xu hướng phát triển chậm lại do khan hiếm nguồn cung vi mạch như hiện nay, cơ hội mới cho Việt Nam đã mở ra và ngành công nghiệp bán dẫn được dự báo sẽ bước vào một “thời đại hoàng kim” mới.
Thị trường chất bán dẫn trên toàn thế giới dự kiến sẽ tăng 19,7% lên 527 tỷ USD vào năm 2021 so với một năm trước đó và tiếp tục tăng 8,8% vào năm 2022, theo dự báo vừa công bố ngày 9/6 của Tổ chức phi lợi nhuận World Semiconductor Trade Statistics (WSTS),
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet Xét theo khu vực, số liệu của WSTS cho thấy, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất với 23,5%, tiếp theo là Châu Âu với 21,1%, Nhật Bản là 12,7% và Châu Mỹ với 11,1%.
Trong đó, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam những năm gần đây đã phát triển thành ngành công nghiệp quan trọng nhất của quốc gia. Tổng kim ngạch xuất khẩu các nhóm hàng này vào năm 2020 lên tới 95,8 tỷ USD, bằng 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Hiện Việt Nam đứng thứ 9 trên toàn cầu ở lĩnh vực xuất khẩu hàng điện tử.
Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tính cả năm 2020, xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 51,18 tỷ USD, giảm nhẹ 0,4% so với năm 2019. Trong đó xuất khẩu nhóm hàng này sang thị trường Trung Quốc đạt 12,34 tỷ USD, tăng mạnh 48,8%; sang EU (28 nước) đạt 10,06 tỷ USD, giảm 18,6%; sang thị trường Mỹ đạt trị giá 8,79 tỷ USD, giảm 1,2%; sang Hàn Quốc đạt 4,58 tỷ USD, giảm 11% so với năm trước.
Trong đó chỉ tính riêng tháng 12/2020, trị giá xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 4,61 tỷ USD, tăng 4,6% so với tháng trước. Có mức tăng trưởng ấn tượng lên tới 11,9%, các mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đã đạt 2,31 tỷ USD trong cùng kỳ. Đặc biệt là trong kỷ nguyên IoT (Internet vạn vật), nhu cầu của thị trường đối với ngành công nghiệp bán dẫn sẽ ngày càng trở nên bức thiết.
Hiện nay, với sức ảnh hưởng của cuộc cách mạng 4.0, thị trường bán dẫn ở các quốc gia đang phát triển cũng liên tục tăng trưởng mạnh mẽ. Trong đó, Việt Nam được biết đến là một thị trường mới nổi ở khu vực châu Á, được các chuyên gia phân tích và doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao với nhiều tiềm năng phát triển. Sự gia tăng về lượng cầu tiêu dùng là nguyên nhân trực tiếp giúp các nhà máy bán dẫn Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, thu hút nguồn vốn FDI của nhiều doanh nghiệp nước ngoài trong thời gian qua.
Nhờ chính sách và hành lang pháp lý tạo điều kiện cho việc đầu tư và phát triển các sản phẩm công nghệ cao, lĩnh vực vi mạch bán dẫn là ưu tiên hàng đầu, các khu công nghiệp và công nghệ cao tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Bắc Ninh và Bắc Giang…với vị trí địa lý thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào đã trở thành điểm đến hấp dẫn dành cho các nhà đầu tư.
Gần đây nhất, Công ty Intel Products Việt Nam (IPV, thuộc Tập đoàn Intel, Mỹ) đã nhận được Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh dự án với vốn đầu tư tăng thêm 475 triệu USD để xây dựng cơ sở sản xuất thử nghiệm và lắp ráp chip hiện đại nhất tại Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (SHTP); nâng tổng số vốn đầu tư của Intel vào Việt Nam đến thời điểm hiện tại lên tới 1,5 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex (SEHC) vừa được chấp nhận chuyển đổi từ doanh nghiệp công nghệ cao sang doanh nghiệp chế xuất đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phụ trợ trong chuỗi cung ứng của Samsung, đặc biệt là doanh nghiệp ngành bán dẫn, đem lại giá trị thặng dư tốt hơn.
Tại Việt Nam, công nghiệp bán dẫn được coi là nền tảng hỗ trợ và đẩy mạnh sự phát triển của các ngành công nghiệp khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế theo chiều sâu. Đây cũng là ngành kinh tế được Chính phủ xác định có sản phẩm nằm trong 9 sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm quốc gia thực hiện từ năm 2012 theo Quyết định số 439/QĐ-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ, và là phương thức quan trọng để chuyến hóa các thành tựu khoa học công nghệ thành hàng hóa thương mại có giá trị gia tăng cao. |
Hà Trần