Thứ hai, 29/04/2024 | 02:32 - GMT+7

Hình thành liên minh đại học đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghệ chip bán dẫn

Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam chính thức khai mạc sáng 19/10 tại Đại học Đà Nẵng. Bộ trưởng Giáo dục-Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chủ trì hội thảo.

01/11/2023 - 08:24
Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong ngành công nghiệp chip bán dẫn; đại diện gần 40 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam và đại diện các doanh nghiệp trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực thiết kế chip bán dẫn lớn như Tập đoàn Intel, Synopsys Việt Nam, Cadence, Công Ty TNHH Active-Semi Việt Nam (Qorvo), Tổng công ty công nghệ cao Viettel, VNPT Technology Việt Nam
Các đại biểu tham gia hội thảo sáng 19/10, Ảnh ANH ĐÀO
Hội thảo nhằm thống nhất, nâng cao nhận thức và quyết tâm cùng hợp lực hành động giữa các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu với sự quan tâm, đầu tư, kiến tạo cơ chế chính sách của Nhà nước, sự đồng hành tích cực của các địa phương, doanh nghiệp sẽ thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn của đất nước.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, Bộ trưởng Giáo dục-Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chủ trì hội thảo. (Ảnh ANH ĐÀO)
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Giáo dục-Đào tạo Hoàng Minh Sơn, nhấn mạnh: Sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao đang là một điểm nghẽn lớn hiện nay trong thu hút các tập đoàn công nghệ lớn chuyển dịch địa điểm đầu tư nghiên cứu, phát triển và sản xuất sang Việt Nam.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ cao nằm ở quy luật khách quan trong quan hệ cung-cầu giữa hệ thống giáo dục-đào tạo và thị trường lao động.
Công nghiệp bán dẫn, vi mạch là một ngành có tiềm năng rất lớn trong tương lai về nhu cầu nhân lực trình độ cao, chất lượng cao. Cũng như nhiều ngành công nghệ cao khác, ngành công nghiệp bán dẫn đòi hỏi mức đầu tư cao và đặt ra yêu cầu về nguồn nhân lực sẵn có.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Kế hoạch hành động trong toàn ngành để thúc đẩy triển khai đào tạo, gia tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, nhất là kỹ sư thiết kế vi mạch.
Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, thành phố Đà Nẵng có một nền tảng, điều kiện rất thuận lợi trong phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhất là trong ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.
Điều này được thể hiện rõ trong Nghị quyết số 43- NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ với tầm nhìn đến năm 2045 là “Xây dựng Đà Nẵng trở thành thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á”.
Một trong 5 lĩnh vực ưu tiên tập trung phát triển của thành phố Đà Nẵng là Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số. Năm 2022, kinh tế số chiếm 19,7% GRDP thành phố; có gần 2.500 doanh nghiệp công nghệ số, đứng thứ 2 sau Thành phố Hồ Chí Minh. Xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số của thành phố chiếm tối thiểu 30% GRDP; đạt tối thiểu 8.950 doanh nghiệp, 115.000 nhân lực công nghệ số với tối thiểu 07 khu công nghệ thông tin, khu công viên phần mềm.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng
Theo Bộ Giáo dục-Đào tạo, hiện có hơn 50 doanh nghiệp FDI lớn đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn mà trong đó lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nhất nguồn nhân lực chất lượng cao. Dự kiến, sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ sẽ có thêm nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam, trong đó chủ yếu yêu cầu nhân lực thiết kế vi mạch, hy vọng sẽ có đầu tư vào công nghiệp sản xuất.
Các tham luận trình bày tại hội thảo nhằm đưa ra giải pháp đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp chíp bán dẫn. Ảnh ANH ĐÀO
Tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế, trong 5 năm tới khoảng 20.000 và 10 năm tới khoảng 50.000 từ trình độ đại học trở lên.
Hiện tại, số nhân lực thiết kế vi mạch có khoảng 5.000 người, theo giới chuyên ngành (đến từ các trường đại học kỹ thuật) thì nhu cầu đào tạo trong một vài năm tới khoảng 3.000 người/năm, trong đó số tốt nghiệp sau đại học chiếm ít nhất 30% (bao gồm cả kỹ sư bậc 7, thạc sĩ, tiến sĩ).
Dịp này, 5 cơ sở giáo dục đại học gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cùng ký kết Biên bản Hợp tác liên minh nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, thống nhất kế hoạch hành động cùng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam để sẵn sàng bảo đảm, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ nhu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Nguồn: Nhân dân

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 2
  • 7
  • 7
  • 6
  • 6
  • 1