Thứ sáu, 29/03/2024 | 15:42 - GMT+7

Mấu chốt của chuyển đổi số là nguồn nhân lực

PV Tạp chí Dệt may và Thời trang đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Thị An- nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng về vấn đề chuyển đổi số.

09/09/2021 - 09:58
Năm 2021 tiếp tục nhiều thách thức với doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp ngành Dệt May. Chuyển đổi số hay số hoá doanh nghiệp vẫn được nhận định là xu hướng cho hầu hết các ngành hàng sản xuất xuất khẩu. Xoay quanh vấn đề này, PV Tạp chí Dệt may và Thời trang đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng.
PGS.TS Bùi Thị An
Theo PGS.TS, xu thế chuyển đổi số đã tác động lên nền kinh tế và xã hội như thế nào trong năm vừa qua?
Nghị quyết Đại hội XII đã đặt ra vấn đề về vai trò quan trọng của khoa học công nghệ và điều đó được khẳng định rõ hơn trong nghị quyết Đại hội XIII. Trong đó, quan điểm phát triển nhanh và bền vững dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là ưu tiên số 1.
Có thể thấy rằng chuyển đổi số đã thực sự bao phủ lên toàn bộ các khía cạnh của cuộc sống trong năm vừa qua, từ kinh tế, chính trị, xã hội và ngay cả trong cuộc sống đời thường. Ngay như trong những thời điểm dịch Covid -19 bùng phát, phải thực hiện giãn cách xã hội, thực hiện nghiêm ngặt các công tác phòng, chống dịch, chúng ta gần như hoạt động, làm việc qua các thiết bị thông minh: máy tính, điện thoại với sự hỗ trợ của mạng Internet và các phần mềm công nghệ…
Cũng từ đây, các ứng dụng về y tế, hội họp, học trực tuyến ra đời và được sử dụng mạnh mẽ, điều đó đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số một cách nhanh chóng. Bên cạnh đó, chuyển đổi số đã giảm được rất nhiều các thủ tục hành chính. Ngoài ra, còn giúp minh bạch được rất nhiều vấn đề, đồng thời tiết kiệm được thời gian, chi phí và tiết kiệm được cả con người; thúc đẩy những giải pháp quản trị, quản lý, sán xuất kinh doanh hiệu quả hơn…
Nhiều ngành nghề đã nhanh chóng ứng dụng chuyển đổi số vào công tác quản lý, điều hành, sản xuất kinh doanh… Với ngành công nghiệp, trong đó có Dệt May, việc chuyển đổi số nên “chuyển động” thế nào để tạo bứt phá, thưa PGS.TS?
- Trong giai đoạn hiện nay, chuyển đổi số là vấn đề cấp thiết, do đó tất cả các ngành nghề đều phải ưu tiên cho công cuộc"số hoá". Đối với lĩnh vực công nghiệp, trong đó có Dệt May cần phát triển nền công nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng công nghiệp thông minh; ứng
dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác; giảm những khâu trung gian khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế...
Tiến hành thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác quản trị để có các chính sách, điều hành kịp thời phát triển lĩnh vực như dự báo, xúc tiến thương mại, cảnh báo thị trường, quản lý quy hoạch…
Doanh nghiệp Dệt May lấy khách hàng làm trung tâm trong toàn bộ chuỗi giá trị; chuyển đổi mô hình, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, chủ động và minh bạch nguồn nguyên vật liệu đầu vào, xây dựng mô hình sản xuất linh hoạt, tự động hoá và tăng năng suất, đầu tư hiện đại hóa xây dựng thương hiệu và minh bạch tài chính, thu hút đầu tư. Theo dự báo của các chuyên gia, chuyển đổi số và thương mại điện tử sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2021 và tạo xung lực mới cho tăng trưởng của nền kinh tế. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam xây dựng những chiến lược kinh doanh mới. Tuy nhiên, tôi cho rằng, không chỉ Dệt May mà tất cả các ngành cần xác định lộ trình triển khai mô hình quản trị và hoạt động trên nền tảng số, không thể làm ồ ạt ngay khi chưa đảm bảo các điều kiện về nguồn nhân lực và điều kiện số hóa…
Chuyển đổi số cần chú trọng đến đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Gia nhập cuộc đua chuyển đổi số ngoài yếu tố nhanh, hiệu quả, an toàn còn cần tính đến xây dựng văn hóa số trong doanh nghiệp. Nhìn nhận của PGS.TS về vấn đề này?
Mấu chốt của chuyển đổi số là nguồn nhân lực. Từ nhân lực quản trị đến nhân lực trực tiếp tham gia các chuỗi cung ứng sản phẩm… Vì vậy, vấn đề đặt ra là đào tạo nhân lực có kịp với xu thế chuyển đổi số. Cùng với đó, chuyển đổi số thành công sẽ giúp tiết kiệm nguồn nhân lực. Tuy nhiên, với đặc thù của Dệt May là gia công sản phẩm, thì việc chuyển đổi số cần tính đến các giải pháp xử lý những tình huống phát sinh về dôi dư lao động, an sinh xã hội.
Thực tế, trong bối cảnh thời kỳ mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với hội nhập, cam kết thương mại, lao động, xuất khẩu; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 … đã có nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động các ngành nghề. Đào tạo, sử dụng và “kích hoạt” họ thế nào phù hợp với xu thế chuyển đổi số, đòi hỏi sự năng động, nhạy bén của doanh nghiệp… Cùng với đó, các doanh nghiệp cần gắn bó sâu sắc chuyển đổi số với chiến lược và phát triển. Đặc biệt, trong một cơ quan doanh nghiệp, lãnh đạo phải là người đi tiên phong.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đề cao sự hợp tác, khuyến khích tư duy mở; sử dụng dữ liệu và phân tích để đưa ra các quyết định kinh doanh, linh hoạt nhạy bén thích nghi với những thay đổi của môi trường bên trong và bên ngoài doanh nghiệp… Những
yêu cầu này đòi hỏi doanh nghiệp và người lao động phải thay đổi nền nếp, tác phong làm việc trong doanh nghiệp, đơn vị tương thích với môi trường làm việc số… Đó chính là văn hóa số khi xây dựng doanh nghiệp thông minh.
Xin cảm ơn PGS.TS!
Theo Tạp chí Dệt may và Thời trang Việt Nam

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 0
  • 1
  • 2
  • 0
  • 2
  • 5