Theo ông Đặng Quang Thiện- Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 (Trung tâm 1), xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ mới/sản xuất ra sản phẩm mới và ứng dụng, chuyển giao máy móc thiết bị tiên tiến hiện đại là nội dung được Trung tâm 1 ưu tiên triển khai không chỉ trong năm 2021 mà nhiều năm trở lại đây. Trong đó, ưu tiên các mô hình trong lĩnh vực chế biến nông – lâm – thủy sản, cơ khí, dệt may và các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Việc các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị, công nghệ cao trong sản xuất đã giúp nâng cao năng suất lao động, sản phẩm có chất lượng cao, giá thành giảm, từ đó tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
“Đây chính là ưu tiên trong hoạt động khuyến công của Trung tâm 1, để từ đó phổ biến, tuyên truyền, nhân rộng mô hình cho các doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh, thành phố mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại để sản xuất các sản phẩm mới”, ông Thiện cho hay.
Thực tế, các đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng, chuyển giao máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất được Trung tâm 1 hỗ trợ thực hiện luôn được đánh giá cao về mặt hiệu quả và quy mô. Tiêu biểu, đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật đúc các sản phẩm cơ khí phục vụ xuất khẩu tại Công ty cổ phần đúc Thái Nguyên (Cụm Công nghiệp Cao Ngạn, Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên). Thực hiện đề án, doanh nghiệp đã đầu tư ứng dụng dây chuyền đúc các sản phẩm cơ khí bằng khuôn cát tươi tự động với công nghệ làm mẫu tiên tiến cho ra sản phẩm mang tính kỹ thuật cao, kích thước lớn, có khả năng tái sử dụng đến 95% lượng cát, không phát sinh nước thải trong sản xuất. Hiện sản phẩm của doanh nghiệp đã và đang xuất khẩu sang Hàn Quốc và một số nước châu Âu.
Công ty cổ phần đúc Thái Nguyên là một trong số nhiều doanh nghiệp công nghiệp nông thôn được Trung tâm 1 hỗ trợ đầu tư ứng dụng thiết bị máy móc thiết bị tiên tiến hiện đại vào sản xuất Cũng theo ông Đặng Quang Thiện, năm 2021 sự bùng phát của dịch bệnh khiến các doanh nghiệp CNNT nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung gặp rất nhiều thách thức, thậm chí phải giảm, ngưng sản xuất, kinh doanh. Đứng trước những khó khăn trên, Trung tâm 1 đã chủ động thực hiện việc liên hệ, trao đổi với các doanh nghiệp tham gia chương trình khuyến công qua các nền tảng công nghệ để kịp thời nắm bắt được tiến độ triển khai, thực hiện cũng như các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, Trung tâm 1 cũng đã phối hợp với Trung tâm Công nghệ tích hợp liên ngành Giám sát hiện trường thuộc Trường Đại học kỹ thuật công nghệ, Đại học Quốc gia hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong việc tổ chức sản xuất, kinh doanh, xây dựng lịch trình làm việc tại chỗ theo tuần, tháng dựa vào dự báo công việc và lịch thay đổi, thiết lập giờ làm việc từng phòng ban, xưởng sản xuất,… Trong trường hợp phải thực hiện giãn cách xã hội thì xác định rõ các vai trò công việc, từng vị trí: Cần quay trở lại văn phòng ngay, tạm nghỉ hoặc tiếp tục làm việc từ xa; thiết lập lịch trình quay trở lại làm việc ở cấp độ nhân viên theo từng khu vực, thành lập đội quản lý sự cố, công cụ và quy trình hỗ trợ.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc hỗ trợ doanh nghiệp CNNT chuyển đổi số gặp nhiều trở ngại. Lãnh đạo Trung tâm 1 cho hay: Lựa theo tình hình thay đổi của dịch bệnh, thực tế hoạt động của doanh nghiệp, Trung tâm 1 tiếp tục xây dựng các bước công việc triển khai hỗ trợ chuyển đổi số, gồm 5 bước cơ bản: Xác định mong muốn, nhu cầu của doanh nghiệp; khảo sát thực tế, thu thập thông tin, dữ liệu; xây dựng phần mềm phù hợp với đặc thù của từng doanh nghiệp; đào tạo, chuyển giao phần mềm; đánh giá hiệu quả sử dụng.
“Bước đầu, chúng tôi sẽ tập trung vào đối tượng các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở khu vực nông thôn, có nhiều hoạt động phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh để áp dụng hỗ trợ chuyển đổi số, sau khi áp dụng thành công sẽ là mô hình nâng cao, nhân rộng ra các đối tượng khác”, ông Thiện thông tin thêm.
Theo Báo Công Thương