Thứ năm, 31/10/2024 | 07:28 - GMT+7

Chuyển đổi số và công nghệ số có cần đưa vào Luật Phát triển công nghiệp?

Chuyển đổi số và công nghệ số có cần đưa vào Luật Phát triển công nghiệp? Tăng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trong không gian công nghiệp có cần chú ý đến trong Luật?

28/03/2022 - 14:27
Bộ Công Thương đang đề nghị xây dựng Luật Phát triển công nghiệp, tập trung vào việc thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên cơ sở tạo cơ chế, môi trường hấp dẫn để đẩy mạnh thu hút đầu tư.

Sản xuất công nghiệp tăng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Câu hỏi được đặt ra là chuyển đổi số và công nghệ số có cần đưa vào Luật Phát triển công nghiệp?. Về vấn đề này, PGS.TS Trần Đình Thiên - thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - nhận định, công nghiệp truyền thống thuộc hệ thống vật thể trong không gian vật lý, do đó nếu nói về luật lệ cho nó thì chỉ là các vấn đề của vật thể đấy, của các liên kết về vật và vấn đề đầu ra, đầu vào của vật thể. Trong không gian vật lý này có khoảng cách và thời gian rõ ràng.
Tuy nhiên, hiện nền sản xuất chuyển sang trạng thái mới. Theo đó, nó không chỉ còn ở không gian vật thể, không chỉ dừng ở những khai niệm về đầu ra, đầu vào thuần túy của vật thể mà gắn liền với quá trình số, có một sự tồn tại số, có không gian số để vận hành.
Thậm chí nền công nghiệp như sắt thép, xi măng vẫn là vật thể và nằm trong không gian vật lý đấy, nhưng để vận hành theo nghĩa toàn cầu trong hệ thống thì cần được số hóa, được điều hành trên nền tảng số, được tiếp cận thị trường và đo lường nhu cầu bằng các công cụ số chứ không phải ở hình thức “liên lạc chạy bộ”.
 
PGS.TS Trần Đình Thiên - thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
Hiện nay, mọi nền sản xuất truyền thống phải được tích hợp với nền tảng số và được số hóa. Như vậy, công nghiệp sẽ được đặt trong bối cảnh “đời sống kép” gồm đời sống vật thể và đời sống số hóa cần được tích hợp với nhau.
Do đó, chắc chắn muốn giải quyết vấn đề phát triển của ngành công nghiệp mà lâu nay chúng ta vẫn coi là vật thể này thì phải giải quyết cả các vấn đề của kinh tế số, của quá trình số hóa. Chắc chắn đây là điểm mới và rất có ý nghĩa của Luật Phát triển công nghiệp.
Lý giải thêm về điều này, PGS.TS Trần Đình Thiên cho biết, hiện nay, chúng ta chưa có Luật Công nghiệp, đặc biệt công nghiệp chế biến chế tạo là chưa có. Trong khi đó, đây là lực lượng cần đi đến quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhất, phải tiếp cận công nghệ cao nhất và việc này luôn gắn liền với không gian số, nền tảng số và linh hồn quá trình vận hành của nó phải theo quy trình số.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã có Luật Công nghiệp, và giờ họ ứng xử Luật Công nghiệp đời cũ này trên tinh thần số hóa. Do đó, nếu có cơ hội để xây dựng Luật thì cần làm luôn việc này. Đây sẽ vừa là cơ hội cũng là thách thức. “Một nền công nghiệp vật thể trong không gian số, giải quyết vấn đề bằng số, điều hành bằng số là chuyện dứt khoát phải làm. Do đó, trong quá trình làm Luật, chắt chắn, vấn đề kinh tế số, số hóa sản xuất công nghiệp cần phải tính đến”, ông Trần Đình Thiên chia sẻ.
Chưa kể, cách ứng xử công nghiệp truyền thống thay đổi dẫn đến xử lý vấn đề thay đổi. Bên cạnh đó, lao động trong những nhà máy truyền thống thay đổi, dây chuyền sản xuất thay đổi trên nền tảng số, không gian số thì Luật phải tính đến vấn đề này. Nếu chúng ta tính đến một cách nghiêm túc thì đây là cơ hội để chúng ta không rơi vào tình trạng cái thiên hạ sắp bỏ đi rồi thì chúng ta mới nhập cuộc và chưa kịp thích nghi thì đã bị lạc hậu.
Đối với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trong không gian công nghiệp có cần chú ý đến trong Luật Phát triển công nghiệp? Về vấn đề này, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, đây là nhu cầu của loài người. Đặc biệt đối với công nghiệp của chúng ta hiện nay trình độ còn thấp, công nghệ chưa cao, lao động tiền lương thấp, trình độ thấp, vì vậy, đi liền với đó là hệ lụy về mặt môi trường và xã hội rất lớn. Do đó, chúng ta mới nhắc đến các khai niệm bền vững, thậm chí cao hơn nữa là nền kinh tế xanh. Đây sẽ là những vấn đề có tính chất quyết định, ràng buộc và định hướng mục tiêu cho phát triển công nghiệp. Đó là việc chúng ta không chỉ sản xuất ra sắt, thép mà còn đặt yếu tố không gây ô nhiễm môi trường, không làm cho người lao động bị tổn thương.
Thay đổi và chuyển đổi là hai khai niệm khác nhau. Thay đổi có thể chỉ là đôi chút, nhưng chuyển đổi là sự thay đổi hoàn toàn sang một hệ khác hẳn. Nền công nghiệp truyền thống cần chuyển sang hệ thống công nghiệp mà ở đó tích hợp được với công nghệ số, thậm chí trên cả những nền tảng công nghệ lâu nay chưa có, ví dụ như tự động hóa.
Làm luật không chỉ giải quyết vấn đề cũ mà cần giải quyết vấn đề cũ trên một tư duy mới, theo những định hướng mới. Tư duy và cách tiếp cận mới này phải là định hướng chi phối.
Rõ ràng, đây là cơ hội để chúng ta rút ngắn luật này, đồng thời góp phần thúc đẩy định hướng tốt, nhưng mặt khác đặt ra những thách thức to lớn cho những nhà làm luật.
Theo Báo Công Thương

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 8
  • 1
  • 9
  • 6
  • 5
  • 8
  • 0