Thứ sáu, 26/04/2024 | 02:21 - GMT+7

Hệ thống năng lượng thông minh phục vụ phát triển đô thị thông minh và bền vững

Ngày 1/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 950).

30/10/2020 - 15:50
Theo nội dung đã phê duyệt, trước mắt ưu tiên tập trung đầu tư các lĩnh vực: giao thông thông minh, chiếu sáng thông minh, lưới điện thông minh, cấp thoát nước thông minh, hệ thống thu gom - xử lý rác thải thông minh và hệ thống cảnh báo rủi ro, thiên tai.
Đô thị thông minh: giải tỏa áp lực đô thị hóa
Theo cáo báo của Ngân hàng Thế giới (WB), dân số đô thị đang tiếp tục tăng và dự báo đến năm 2050, các đô thị sẽ có thêm 2,5 tỷ người dân sinh sống, trong đó châu Á đóng góp 50% dân số đô thị tăng thêm.
Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng. Trong hai thập kỷ qua, hệ thống đô thị Việt Nam đã phát triển nhanh chóng. Tỷ lệ đô thị hóa tăng nhanh từ 19,6% với 629 đô thị năm 2009 lên trên 38,4% năm 2018 với 819 đô thị. Cùng với quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh và rộng tại nhiều địa phương, dân số tại các khu vực thành thị cũng gia tăng chóng mặt. Ước tính năm 2019, dân thành thị đã chiếm gần 34,4% dân số với hơn 33 triệu người, và dự kiến sẽ đạt 47,25 triệu người vào năm 2030.
Thực tế này yêu cầu sự đổi mới trong cách vận hành, quản lý các đô thị theo hướng hiện đại, thông minh hơn nhằm giải quyết các áp lực đang ngày càng gia tăng tại các đô thị Việt Nam.
Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 định hướng đến năm 2030 là bước ngoặt định hướng cho quá trình phát triển đô thị thông minh của nước ta. 
Ngày 1/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 định hướng đến năm 2030 (Đề án 950). Theo nội dung đã phê duyệt, trước mắt ưu tiên tập trung đầu tư các lĩnh vực: giao thông thông minh, chiếu sáng thông minh, lưới điện thông minh, cấp thoát nước thông minh, hệ thống thu gom - xử lý rác thải thông minh và hệ thống cảnh báo rủi ro, thiên tai.
Đây là văn kiện rất quan trọng của Chính phủ nhằm xác định một hệ thống quan điểm, mục tiêu, các nhóm nhiệm vụ, giải pháp định hướng cho quá trình phát triển đô thị thông minh của nước ta một cách toàn diện, bài bản, thống nhất và có lộ trình cụ thể. Mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam có ít nhất 06 đô thị/06 vùng kinh tế phê duyệt đề án và triển khai xây dựng đô thị thông minh; và đến năm 2030 hình thành được mạng lưới đô thị thông minh của Việt Nam.
Trên cơ sở các nhiệm vụ được giao, để đảm bảo việc cung cấp năng lượng phục vụ phát triển các đô thị thông minh một cách hiệu quả, bền vững, việc phát triển năng lượng thông minh đã được Bộ Công Thương xem xét và triển khai các nhóm giải pháp, nhiệm vụ một cách tổng thể toàn diện.
Hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý
Về cơ bản, hệ thống khung pháp lý đã có thể đáp ứng nhu cầu phát triển hệ thống năng lượng thông minh
Về cơ bản, hệ thống cơ sở pháp lý đã có thể đáp ứng nhu cầu phát triển hệ thống năng lượng thông minh thông qua triển khai các nhiệm vụ thuộc các Chương trình và Đề án trong lĩnh vực năng lượng, cụ thể là Đề án phát triển Lưới điện Thông minh tại Việt Nam (Quyết định số 1670/QĐ-TTg), Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện (Quyết định số 279/QĐ-TTg), Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 (Quyết định số 280/QĐ-TTg)...
Trong quá trình triển khai Nghị quyết 52/NQ-TW và Nghị quyết 55/NQ-TW, trên cơ sở lồng ghép các nhiệm vụ, Bộ sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành triển khai xây dựng, trình Thủ tướng Chính, Chính phủ và Quốc hội ban hành các văn bản nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về năng lượng theo định hướng:
- Hoàn hiện hệ thống khung pháp lý cho thị trường năng lượng, thị trường điện cạnh tranh và hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật;
- Huy động nguồn lực xã hội tham gia phát triển hạ tầng năng lượng, tập trung vào hệ thống nguồn điện, hệ thống phân phối và các dịch vụ phụ trợ của hệ thống điện;
- Đa dạng hóa nguồn cung, đặc biệt các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.
Phát triển hạ tầng năng lượng điện
Sử dụng thiết bị bay không người lái (drone) là một trong những phương thức áp dụng công nghệ cao đã và đang được triển khai
Theo khảo sát và đánh giá gần đây của Bộ Công Thương, khả năng tiếp cận CMCN 4.0 trong lĩnh vực năng lượng và điện nước ta ở mức cao. Cụ thể, nhiều tổng công điện lực đang triển khai thành công hệ thống tự động thu thập và quản lý dữ liệu đo đếm từ xa (AMR) đến hầu hết các khách hàng. Một phần các TBA 110kV đã được trang bị Hệ thống tự động hóa trạm (SAS)… Những công nghệ hiện đại như điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu (SCADA)/hệ thống quản lý năng lượng (EMS) đang được triển khai áp dụng rộng rãi nhằm quản lý và điều khiển tự động đến hầu hết các lưới truyền tải và mở rộng khả năng kết nối của hệ thống tự động điều chỉnh tăng giảm công suất phát điện (AGC) đối với tất cả các nhà máy điện có công suất trên 30MW. Tất cả các máy biến áp và kháng điện 500kV đều được trang bị thiết bị giám sát đầu máy biến áp trực tuyến (DGA), trong khi các máy biến áp 220kV quan trọng cũng đang được lên kế hoạch trang bị thiết bị DGA.
Với những thuận lợi đó, Bộ sẽ tiếp tục ưu tiên đẩy mạnh triển khai những nhiệm vụ liên quan đến ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 trong phát triển hệ thống năng lượng, cụ thể:
- Về nguồn điện: Phát triển các dạng nguồn năng lượng phân tán như điện mặt trời mái nhà, hệ thống lưu trữ năng lượng…;
- Về lưới điện (truyền tải và phân phối): Ứng dụng các công nghệ AI, dữ liệu lớn… trong phát triển lưới điện thông minh tập trung vào lĩnh vực quản lý, vận hành và điều độ hệ thống truyền tải, phân phối điện, cung cấp các dịch vụ phụ trợ;
- Về phụ tải điện và các dịch vụ khách hàng: Đẩy mạnh triển khai các hoạt động ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và nhiệm vụ quản lý nhu cầu điện tại các công trình đô thị như giao thông, chiếu sáng đô thị, phụ tải điện trong các tòa nhà văn phòng, khách sạn và dân dụng…
Nâng cao hiệu quả quá trình quản lý, thực thi
Bộ Công Thương xác định, đây là nhiệm vụ cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị bao gồm các ban, ngành từ Trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, tổ chức khoa học công nghệ và các cơ sở đào tạo. Với nội dung này, Bộ Công Thương sẽ chủ động tích cực triển khai phát triển hệ thống năng lượng thông minh, đồng bộ với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp khác trong lĩnh vực xây dựng, công nghệ thông tin và truyền thông, khoa học và công nghệ… nhằm thực hiện các mục tiêu chung về phát triển đô thị thông minh trong nước cũng như đã cam kết với các đối tác trong khu vực.

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 2
  • 4
  • 9
  • 2
  • 8
  • 5