Thứ bảy, 05/10/2024 | 14:15 - GMT+7

Bộ Công Thương: Hướng đến làm chủ một số công nghệ cao đạt trình độ tiên tiến trong khu vực

Phát triển và làm chủ một số công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, ứng dụng có hiệu quả vào hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao của doanh nghiệp… là mục tiêu được Bộ Công Thương đặt ra trong Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao.

11/10/2021 - 13:31
Hiệu quả cao về mặt kinh tế - xã hội
Theo Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), kết quả nổi bật của Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao do Bộ Công Thương triển khai thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 đó là các dự án công nghệ cao đã nghiệm thu đều mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp tham gia thực hiện, hiệu quả xã hội cho cộng đồng cũng như tạo tiền đề để tổ chức chủ trì tiếp tục phát triển công nghệ nhằm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao.

Tăng cường hỗ trợ các dự án phát triển và ứng dụng công nghệ cao nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất thông minh
Tiêu biểu, Dự án “Hoàn thiện công nghệ chế tạo thiết bị hệ thống thu thập, lưu trữ hình ảnh DICOM hệ thống hội chẩn y tế trực tuyến Video và phần mềm bảo mật, khai thác cơ sở dữ liệu hình ảnh DICOM phục vụ chẩn đoán bệnh” do Công ty CP Công nghệ thông minh Ưu Việt chủ trì thực hiện. Sản phẩm hệ thống thiết bị của dự án đã được triển khai ứng dụng thực tế tại 3 bệnh viện tham gia chương trình gồm: Bệnh viện quận Thủ Đức, Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện Medic Hòa Hảo.
Theo đánh giá của các đơn vị này, sản phẩm của dự án cơ bản đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, hỗ trợ đắc lực người dùng trong công tác thu thập, lưu trữ, khai thác hình ảnh phục vụ hội chẩn trực tuyến, chẩn đoán bệnh. Thành công của dự án là tiền đề, cơ sở để Công ty Ưu Việt tiếp tục đầu tư triển khai phát triển công nghệ, mở rộng hoạt động ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động khám chữa bệnh của ngành y tế.
Dự án “Phát triển dịch vụ ứng dụng công nghệ GPS trong quản lý, giám sát, điều phối và tối ưu hóa kế hoạch sử dụng phương tiện” do Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội chủ trì thực hiện đã được nghiệm thu và xếp loại “xuất sắc”. Các sản phẩm của dự án đã được đơn vị chủ trì và nhóm tác giả trực tiếp chuyển giao cho Công ty TNHH Phát triển công nghệ điện tử Bình Anh đầu tư, thương mại hóa sản phẩm cho 14 hãng taxi triển khai ứng dụng trên 5.000 xe trong 12 tháng.
Các sản phẩm công nghệ cao của dự án cũng góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp vận tải trong nước trong dịch vụ taxi truyền thống với dịch vụ vận tải công nghệ Uber, Grab. Những kết quả của dự án còn tạo cơ sở phát triển các dịch vụ ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực logistics và vận tải.
Hay Dự án “Hoàn thiện dây chuyền sản xuất và nâng cao chất lượng bao gói khí quyển biến đổi (MAP) phục vụ bảo quản nông sản, thực phẩm” do Công ty TNHH Công nghệ và dịch vụ thương mại Lạc Trung chủ trì thực hiện. Theo báo cáo và kết quả nghiệm thu cấp cơ sở, sản phẩm của dự án đã đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN12-1:2011/BYT, được đăng ký nhãn hiệu Green MAP và chất lượng tương đương với sản phẩm MAP-CE44 của Viện Công nghệ thực phẩm Hàn Quốc với chỉ tiêu về thời gian bảo quản tăng gấp 4 lần so với các sản phẩm bao gói nông sản, thực phẩm thông thường đạt khoảng 30 ngày.
Dự án cũng đã xây dựng được 5 mô hình với quy trình bảo quản sau thu hoạch, trong đó “Quy trình bảo quản quả vải bằng màng bao gói khí quyển biến đổi” đã được chấp nhận đơn hồ sơ đăng ký độc quyền sáng chế. Dự án đã thương mại hóa được khoảng 50 tấn sản phẩm cho trên 10 doanh nghiệp, góp phần nâng cao giá trị thương phẩm các sản phẩm rau quả của Việt Nam.
Triển khai thành công ít nhất 30 dự án công nghệ cao
Bộ Công Thương mới đây đã ban hành Quyết định 1992/QĐ-BCT phê duyệt khung Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030, với mục tiêu chung đó là nghiên cứu, làm chủ, phát triển công nghệ cao, ứng dụng hiệu quả công nghệ cao trong sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung cấp dịch vụ công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần hình thành, phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao và các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực này.
Đáng chú ý, nội dung của chương trình hỗ trợ các dự án ứng dụng công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển để tạo ra các sản phẩm công nghệ cao có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, có thể thay thế sản phẩm nhập khẩu, hướng tới xuất khẩu trong các ngành, lĩnh vực công nghiệp do Bộ Công Thương được Thủ tướng Chính phủ giao quản lý.
Đồng thời, hỗ trợ các dự án phát triển và ứng dụng công nghệ cao nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất thông minh và quá trình chuyển đổi số trong các doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp...
Dự kiến sản phẩm chính của chương trình là phát triển và làm chủ một số công nghệ cao đạt trình độ tiên tiến trong khu vực được hình thành từ các lĩnh vực công nghệ chủ chốt như công nghệ sinh học, công nghệ năng lượng, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, công nghệ điện tử… được ứng dụng có hiệu quả trong các lĩnh vực công nghiệp, sản xuất sản phẩm và cung ứng dịch vụ công nghệ cao.
Đặc biệt, triển khai thành công được ít nhất 30 dự án công nghệ cao ứng dụng trong các lĩnh vực công nghiệp, có tính lan tỏa cao về mặt khoa học công nghệ và kinh tế - xã hội; góp phần hình thành, xây dựng và phát triển hệ sinh thái các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao trong các lĩnh vực công nghiệp.
Tại Quyết định 1992/QĐ-BCT cũng nêu, về chỉ tiêu về tính ứng dụng, 100% số dự án tham gia chương trình xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp, do doanh nghiệp chủ trì hoặc phối hợp thực hiện và được ứng dụng, thử nghiệm tại doanh nghiệp; tối thiểu 70% kết quả đề tài, dự án tham gia chương trình đủ điều kiện trở thành sản phẩm thương mại, chuyển giao cho doanh nghiệp để sản xuất sản phẩm đưa ra thị trường; tối thiểu 70% số đề tài, dự án tham gia chương trình có vốn đối ứng ngoài ngân sách nhà nước.
Ông Trần Việt Hòa, Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ, Bộ Công Thương cho biết, để thực hiện hiệu quả các mục tiêu của chương trình, Bộ Công Thương sẽ tổ chức lồng ghép các nhiệm vụ phát triển công nghiệp công nghệ cao trong các chương trình khoa học và công nghệ các cấp đã được giao. Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, các doanh nghiệp trong các ngành kinh tế trọng điểm để nghiên cứu, phát triển và làm chủ công nghệ lõi, công nghệ chủ chốt của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phù hợp với định hướng danh mục công nghệ được ưu tiên và sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.
Trong quá trình thực hiện, Vụ Khoa học và Công nghệ với vai trò được Bộ Công Thương giao nhiệm vụ quản lý tổ chức sẽ tạo điều kiện tối đa để các đơn vị đăng ký tham gia, hướng dẫn đơn vị thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy trình thủ tục. “Vụ cũng sẽ thúc đẩy, giúp kết nối doanh nghiệp và các viện, trường, cơ sở nghiên cứu để đảm bảo các nhiệm vụ, dự án có sự liên kết chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học - sản xuất nhằm tạo ra các sản phẩm, dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao vượt trội, có sức cạnh tranh trên thị trường, theo đúng mục tiêu và định hướng đã đề ra” - ông Trần Việt Hòa chia sẻ.
Theo Báo Công Thương

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 6
  • 0
  • 9
  • 4
  • 1
  • 7
  • 3