Thứ bảy, 05/10/2024 | 13:43 - GMT+7

Phát triển công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn là đầu tư cho tương lai

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh như vậy tại lễ ra mắt Trung tâm điện tử, vi mạch bán dẫn (ESC) thuộc Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP), chiều 6/9.

07/09/2023 - 08:37
Cùng dự có Đến dự có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM Vũ Hải Quân…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Nhà nước sẽ đầu tư hạ tầng, phòng thí nghiệm hiện đại nhất cho các trường đại học, doanh nghiệp đào tạo nhân lực để nắm vững cả chuỗi giá trị của công nghiệp vi mạch bán dẫn - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Tính đến hết năm 2022, cả nước có hơn 1.000 bài báo khoa học được công bố quốc tế ở ngành công nghiệp bán dẫn, gần 650 bài báo khoa học được công bố quốc tế liên quan đến lĩnh vực vi mạch. Trong lĩnh vực thiết kế chip, tại Việt Nam có khoảng 50 doanh nghiệp với tổng số lao động hơn 5.000 kỹ sư Việt Nam và đang có xu hướng tăng.
Việc phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp hỗ trợ và đội ngũ kỹ sư thiết kế chip, kỹ sư điện tử, sẽ giúp Việt Nam dần nâng bậc, và tham gia sâu hơn trong các công đoạn trong chuỗi giá trị vi mạch bán dẫn. Theo nhận định của các hiệp hội vi mạch quốc tế, nếu làm tốt xu hướng phát triển này, Việt Nam có thể nghĩ đến tự sản xuất chip từ năm 2030 trở đi.
Việt Nam cũng đã đón nhận sự đầu tư của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn trên thế giới từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,… đủ lớn để tạo ra hệ sinh thái phát triển của ngành vi mạch bán dẫn, trước hết ở các khâu thiết kế và đóng gói.
Vì vậy, Trung tâm điện tử, vi mạch bán dẫn (ESC) có mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hai công đoạn ưu tiên phát triển của Việt Nam là thiết kế vi mạch và ứng dụng vi mạch. Các công đoạn này sẽ phục vụ cho mục tiêu phát triển các doanh nghiệp trong nước, củng cố cho mục tiêu định vị TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung là trung tâm thiết kế vi mạch bán dẫn của khu vực và thế giới.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và các đại biểu thực hiện nghi thức ra mắt Trung tâm điện tử, vi mạch bán dẫn (ESC) - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng sự ra mắt Trung tâm Điện tử và vi mạch bán dẫn là minh chứng trong quá trình TPHCM thử nghiệm những cơ chế chính sách, mô hình mới theo tinh thần Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, để tạo ra những động lực mới trong quá trình phát triển.
Trung tâm Điện tử và vi mạch bán dẫn không chỉ là kết quả hợp tác chiến lược giữa Khu Công nghệ cao TPHCM với các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu về vi mạch bán dẫn, các trường đại học, nhà nghiên cứu, mà còn là sự liên kết giữa những người con đất Việt đã thành đạt trên thế giới nay trở về đóng góp cho quê hương.
Theo Phó Thủ tướng, công nghiệp vi mạch bán dẫn đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với cuộc cách mạng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tri thức, thay thế cho mô hình phát triển dựa vào tài nguyên thiên nhiên trước đây. Trong khi đó, Việt Nam có tiềm năng về con người hết sức chăm chỉ, ham học hỏi, đội ngũ các nhà khoa học luôn đau đáu với sự phát triển của đất nước.
"Không thể có một ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn phát triển nếu thiếu đội ngũ nhân lực có trình độ, chuyên môn cao. Chúng ta đã lựa chọn nguồn tài nguyên vô tận là trí tuệ cùng với huy động, kết nối, hợp tác để thu hút nhân tài, làm động lực phát triển mới. Đây là hướng đi đúng đắn", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thăm nơi giảng dạy, học tập của Trung tâm điện tử, vi mạch bán dẫn (ESC) - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Phó Thủ tướng đánh giá cao mô hình vườn ươm của Trung tâm Điện tử và vi mạch bán dẫn nhằm đào tạo đội ngũ giảng viên nòng cốt cho các lớp đào tạo về vi mạch bán dẫn trong trường đại học; nhưng cũng lưu ý cần quan tâm nghiên cứu cơ bản, làm chủ công nghệ lõi chứ không dừng lại ở "cầm tay, chỉ việc" để công nghiệp vi mạch bán dẫn của Việt Nam đi xa hơn.
"Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ có cơ chế, chính sách để khuyến khích các trường đại học nghiên cứu cơ bản, đào tạo nhân lực chất lượng cao sau đại học để dẫn dắt sự phát triển của công nghiệp vi mạch bán dẫn; tạo ra nhu cầu nhân lực cho công nghiệp vi mạch bán dẫn thông qua thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa.
Nhà nước sẽ đầu tư hạ tầng, phòng thí nghiệm hiện đại nhất cho các trường đại học, doanh nghiệp đào tạo nhân lực để nắm vững cả chuỗi giá trị của công nghiệp vi mạch bán dẫn. Đây là đầu tư cho phát triển, cho tương lai.", Phó Thủ tướng nói và khẳng định Chính phủ sẽ cùng TPHCM lắng nghe các doanh nghiệp, nhà khoa học, giảng viên đại học để kết nối và phát triển ngành công nghiệp đện tử, vi mạch bán dẫn từ khâu thiết kế đến sản xuất, kiểm chuẩn…
Theo https://baochinhphu.vn/

Cùng chuyên mục

Đà Nẵng công bố những dấu ấn chuyển đổi số năm 2023

20/08/2024 - 10:26

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng vừa có thông báo về kết quả đánh giá, xếp hạng chuyển đổi số năm 2023 của các cơ quan, địa phương trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, đồng thời biểu dương, trao tặng Bằng khen cho các cơ quan, đơn vị có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực này.

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 6
  • 0
  • 9
  • 3
  • 0
  • 0
  • 0