Trong khuôn khổ các hoạt động Sàn giao dịch Công nghệ năm 2023, Sở Khoa học Công nghệ TP. HCM tổ chức hội thảo giới thiệu: “Công nghệ pin sạc Li-ion và công nghệ khí hydro xanh ứng dụng lưu trữ và chuyển hoá năng lượng”, trong đó Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP. HCM là đơn vị thực hiện.
Hội thảo có sự tham gia của ông Nguyễn Đức Tuấn, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP. HCM; PGS. TS Trần Văn Mẫn, Trưởng Phòng Khoa học Công nghệ, trường đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; cùng đại diện một số Sở, Ban ngành, trường đại học, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng trên toàn quốc.
Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến (Ảnh chụp màn hình)
Tại Hội thảo, PGS. TS Trần Văn Mẫn, Trưởng Phòng Khoa học Công nghệ, trường đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đại diện nhóm nghiên cứu đã trình bày báo cáo về hiện trạng và tương lai của lĩnh vực pin sạc Li-ion và công nghệ khí hydro xanh.
Theo đó, công nghệ pin sạc Li-ion sử dụng vật liệu silica/carbon có triển vọng thay thế một phần vật liệu graphite thương mại về giá thành cũng như về tính năng sử dụng trong pin. Pin sạc Li-ion đang được hướng đến là nguồn điện chủ yếu cho các loại xe điện (Electric Vehicles, EV) hay các loại xe sử dụng động cơ xăng lai điện (Hybrid Electric Vehicle, HEV) giảm thiểu được sự phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính từ các xe sử dụng động cơ đốt trong.
Pin sạc Li-ion có các dạng như: Pin dạng cúc áo là sản phẩm dự trữ năng lượng chuyên dụng cho các thiết bị điện tử nhỏ gọn như điều khiển thiết bị từ xa, đồng hồ, tay cầm máy tính, tai phone,…; Pin túi (pouch-cell) thông dụng trong các thiết bị di động. Quy trình lắp ráp pin túi sẽ bao gồm các bước: phối trộn vật liệu và tạo màng điện cực; tạo hình điện cực; sấy chân không; ép màng điện cực; lắp ráp pin; tiêm điện giải; hoạt hoá điện hoá; loại bỏ khí.
PGS. TS Trần Văn Mẫn, Trưởng Phòng Khoa học Công nghệ, trường đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trình bày tổng quan về pin sạc li-ion và năng lượng hydro (Ảnh chụp màn hình)
Ngoài ra, PGS. TS Trần Văn Mẫn cũng trình bày tổng quan về năng lượng hydro. Theo cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) có 4 giải pháp để phát triển năng lượng hydro, trong đó giải pháp trọng tâm là chuyển đổi, xây dựng cơ sở hạ tầng cho việc lưu trữ, vận chuyển và phân phối nhiên liệu hydro cạnh tranh hơn.
Giải pháp này đòi hỏi cần có sự hỗ trợ những người đảm nhiệm các hoạt động nghiên cứu và phát triển trong quá trình sản xuất (Research and Development - R&D) nhằm giảm chi phí năng lượng H2 từ công nghệ sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, phân phối và các thiết bị, sản phẩm ứng dụng
Hiện nay, trên thế giới hydro đang được nghiên cứu ứng dụng trong việc chuyển hoá pin nhiên liệu cho các phương tiện như xe hơi, tàu thuỷ,.. với các công nghệ sản xuất như công nghệ reforming khí metan, các công nghệ khí hóa than, công nghệ điện phân, công nghệ quang - điện- hóa tách nước và công nghệ sinh học.
Tùy vào phương pháp sản xuất, hydro có thể được phân loại thành 3 nhóm như sau: grey hydrogen (hydro xám), blue hydrogen (hydro lam) và green hydrogen (hydro xanh) trong đó hydro xanh được coi là năng lượng sạch để hỗ trợ cho năng lượng gió và năng lượng mặt trời cung cấp năng lượng tại những nơi xa nhà máy năng lượng tái tạo.
Đại biểu đến từ doanh nghiệp thiết bị đo kiểm của Mỹ đặt câu hỏi tại Hội thảo (Ảnh chụp màn hình)
Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến cũng đặt nhiều câu hỏi để thảo luận các vấn đề liên quan đến pin sạc Li-ion và công nghệ khí hydro xanh. Từ đó, giúp nhóm nghiên cứu sẽ có thêm cơ sở để tiếp tục củng cố tài liệu nghiên cứu, xác định những nội dung cần thiết để phát triển và ứng dụng công nghệ pin sạc Li-ion và công nghệ khí hydro xanh ứng dụng lưu trữ và chuyển hoá năng lượng tại Việt Nam.
Thông qua Hội thảo, Ban tổ chức mong muốn nhận được sự quan tâm, hợp tác của doanh nghiệp ngành sản xuất xe điện, ngành sản xuất máy tính và các thiết bị dùng pin.
Minh Khuê