Thứ sáu, 29/03/2024 | 07:03 - GMT+7

Các ứng dụng tiềm năng của 5G: Quan điểm và nhận thức của các bên liên quan tại Việt Nam

Nghiên cứu các ứng dụng và dịch vụ tiềm năng của 5G là một nhiệm vụ hết sức thiết thực và cấp bách nhằm nhận thức đúng đắn và hỗ trợ cho việc triển khai thương mại sớm công nghệ này tại Việt Nam.

04/08/2020 - 07:55
Công nghệ 5G cho chúng ta những khả năng kỹ thuật vô cùng tiềm tàng trong nhiều ngành cũng như nhiều lĩnh vực. Thế giới vẫn chưa thấy sự bùng nổ trong việc triển khai hạ tầng và dịch vụ 5G trên cấp độ toàn quốc. Điều đó cho thấy vẫn còn những thận trọng trong việc cung cấp các dịch vụ 5G thương mại như đối với các công nghệ di động trước đây. Hơn nữa, các ứng dụng và dịch vụ 5G được may đo phù hợp với từng lĩnh vực, từng quốc gia tùy thuộc vào chiến lược của thị trường hay quốc gia đó
Mở đầu
Với sự tăng trưởng cực kỳ ấn tượng của dữ liệu di động, công nghệ di động 5G đã được ra đời nhằm hỗ trợ tối đa nền kinh tế dựa trên dữ liệu. Tốc độ truy cập cực nhanh, độ trễ siêu thấp, độ ổn định cao và hỗ trợ đến triệu kết nối IoT trên một 1 km2, công nghệ 5G cho thấy những ứng dụng vô cùng tiềm năng phục vụ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các ngành như giao thông, y tế, đô thị thông minh đã và đang tận dụng công nghệ 5G để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, góp phần xây dựng xã hội số. Các ngành công nghiệp sử dụng 5G để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm phục vụ nền kinh tế số đang bùng nổ trên thế giới hiện nay.
Tuy nhiên, công nghệ sẽ không phát huy tác dụng nếu chúng ta không tích hợp chúng vào các sản phẩm, dịch vụ hay mô hình kinh doanh - hay còn gọi chung là các ứng dụng. Thời điểm hiện nay, chỉ có hai ứng dụng của 5G đã được thương mại hóa là ứng dụng Truy cập cố định không dây (FWA) và Di động băng rộng nâng cao (eMBB). Tuy nhiên các ứng dụng này vẫn có nhiều giới hạn trong việc tận dụng hết năng lực của công nghệ 5G, việc xác định thêm nhiều ứng dụng tiềm năng nữa nhằm tạo cơ hội cho người dùng có nhiều cơ hội sử dụng công nghệ này đã và đang đặt ra nhiều thách thức với các quốc gia trên thế giới. Trong bài viết này, chúng tôi tiến hành khảo sát để đưa ra bức tranh cho việc triển khai 5G giai đoạn đầu tại Việt Nam. Trong phần 2, chúng tôi sẽ trình bày cơ sở lý luận và phương pháp luận nghiên cứu. Phần 3 sẽ trình bày các ứng dụng tiềm năng của 5G và Phần 4 sẽ đưa ra các kết quả khảo sát cũng như quan điểm và nhận thức từ người sử dụng tại Việt Nam. Phần 5 chúng tôi đề xuất mô hình phát triển của 5G tại Việt Nam.
Cơ sở lý luận và phương pháp luận
Cuối năm 2017, những kết quả thu được từ các thông số kỹ thuật cho hệ thống 5G dùng chung cơ sở hạ tầng với các hệ thống hiện tại đã là tiền đề cho việc xây dựng mạng 5G đầu tiên trên thế giới. Kể từ thời điểm đó bộ tiêu chuẩn 3GPP release 15 được hoàn thiện đã cho phép phát triển nhiều ứng dụng mới cho 5G. Tuy nhiên, tính đến nay mặc dù rất nhiều ứng dụng của 5G được thử nghiệm, song mới chỉ có 2 dịch vụ được đưa vào khai thác thương mại. Do đó, việc chậm trễ triển khai mạng 5G trên thế giới không nằm ở vấn đề công nghệ và kỹ thuật mà cơ bản nằm ở khía cạnh kinh tế xã hội.
Khác xa với các thế hệ thông tin di động trước đây chỉ có một vài ứng dụng và dịch vụ điển hình, công nghệ 5G có rất nhiều ứng dụng và dịch vụ đa dạng phù hợp với mọi ngành nghề. Vấn đề đặt ra là những ứng dụng nào là phù hợp nhất trong điều kiện và hoàn cảnh hiện nay để có thể đưa ra trong giai đoạn đầu nhằm bảo đảm cho việc triển khai mạng 5G thành công.
Trên thế giới, mặc dù các tiêu chuẩn kỹ thuật cho “5G giai đoạn 1” đã hoàn thiện, song việc nghiên cứu về chủ đề các ứng dụng tiềm năng cho 5G sử dụng công cụ khảo sát ý kiến là một trong các phương pháp mà các bên liên quan sử dụng để đánh giá quan điểm và nhu cầu của khách hàng.
Một số nghiên cứu tập trung vào thị trường Mỹ nơi mạng 5G được triển khai đầu tiên trên thế giới. Một số báo cáo có phương pháp tiếp cận toàn cầu hơn qua việc khảo sát tập khách hàng từ nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, với sự khác nhau trong cách tiếp cận và nhu cầu của khách hàng là khác nhau giữa quốc gia, việc lựa chọn chiến lược triển khai 5G trên thế giới sẽ là khác nhau để phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của từng nước.
Tại Việt Nam, 5G được coi là cơ sở hạ tầng thiết yếu cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư do đó 5G nhận được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và các ngành công nghiệp. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là: “Mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc” [10].
Chính phủ Việt Nam thể hiện rõ quyết tâm là một trong các nước đi đầu trong triển khai công nghệ 5G trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới thông qua nhiều chỉ đạo cụ thể trong năm 2018 và năm 2019. Công nghệ 5G đã được Chính phủ đưa vào định hướng ở cả cấp Trung ương và cấp địa phương, và đưa vào các nhiệm vụ triển khai trong nhiệm kỳ hiện tại và tương lai.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp 3 giấy phép cung cấp thử nghiệm dịch vụ 5G cho các doanh nghiệp viễn thông và đang chuẩn bị các phương án về phối hợp tần số, kế hoạch và lộ trình triển khai.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nhiều lần khẳng định quyết tâm đưa Việt Nam đi cùng với thế giới trong triển khai 5G và triển khai sáng kiến của Việt Nam về thúc đẩy triển khai hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại trong khu vực.
Tháng 5/2019, Tập đoàn Viettel đã thử nghiệm cuộc gọi 5G đầu tiên đưa Việt Nam vào danh sách các nước đầu tiên trên thế giới thử nghiệm thành công 5G. Sau đó 4 tháng, vào ngày 21 tháng 9 năm 2019, doanh nghiệp này đã chính thức phát sóng 5G ở diện hẹp tại thành phố Hồ Chí Minh.
Do đó, việc xác định các ứng dụng 5G tiềm năng là một trong các nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết nhất hiện nay. Đến nay, chưa có một nghiên cứu về vấn đề này ở góc độ quốc gia được thực hiện tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu sẽ cung cấp cho các bên liên quan cái nhìn về việc tiếp cận các ứng dụng 5G tiềm năng và do đó sẽ hỗ trợ cho việc xây dựng chiến lược, kế hoạch và đầu tư cho mạng 5G trong tương lai. Trong nghiên cứu này, đối mặt với đối tượng nghiên cứu là các ứng dụng của 5G nói chung là rất mới đối với người được khảo sát, để tránh việc phản hồi kém chất lượng từ những người tham gia khảo sát, chúng tôi sử dụng phần lớn những câu hỏi khảo sát về chỉ số tiêu dùng 5G (5G consumer index), một câu hỏi định hướng ngành của Gartner và phần còn lại là các câu hỏi dành riêng cho Việt Nam do chúng tôi soạn thảo.
Ưu điểm của phương pháp tiếp cận này đó là:
- Sử dụng các phương pháp và câu hỏi đã được chứng minh phù hợp cho cả người không có kiến thức về 5G và các chuyên gia, do đó, có thể bỏ qua những giả thiết về trình độ của người được khảo sát.
- Sử dụng phương pháp tiếp cận của quốc tế và do đó kết quả khảo sát của chúng tôi có thể được so sánh với kết quả quốc tế, do đó có thể đưa ra những nhận xét thú vị về các ứng dụng tiềm năng của Việt Nam 5G.
Những ứng dụng 5G tiềm năng
Kỷ nguyên của 5G đang gần với chúng ta hơn bao giờ hết. Tất cả những điều kiện cần thiết từ chip 5G, modem và giờ là cả thiết bị và ứng dụng tiềm năng đã sẵn sàng.
Có thể nói, tiêu chuẩn kết nối 5G đã và đang đặt nền tảng cho mô hình tiếp theo trong sự phát triển của nền tảng công nghệ toàn cầu, cũng như cách chúng ta kiểm soát cuộc sống.
Các lợi ích kinh tế và xã hội của 5G sẽ cho phép những cách mạng trong dịch vụ với sự kết nối và ưu việt hơn. Đồng thời 5G sẽ giúp tạo ra các mô hình kinh doanh mới, không chỉ cải thiện năng suất và hiệu quả, mà còn góp phần mở đường cho sự ra đời của nhiều ngành công nghiệp mới.
Hình 1: Các kịch bản sử dụng của IMT cho năm 2020 và sau này theo ITU-R M.2083-02
Để chuẩn bị cho công việc trước khi tiêu chuẩn hóa các tiêu chuẩn kỹ thuật 5G, các doanh nghiệp viễn thông đã thống nhất xác định ba loại dịch vụ khác nhau cho 5G: Băng thông rộng di động nâng cao (eMBB), Truyền thông máy-máy mật độ kết nối lớn (mMTC) và Truyền thông độ trễ thấp với độ tin cậy siêu cao (URLLC) (Hình 1).
Dịch vụ eMBB có thể được xem là giai đoạn đầu tiên của 5G. Giai đoạn phát triển tiếp theo của 5G sẽ vượt ra ngoài các dịch vụ eMBB chuyển sang các ứng dụng URLLC và mMTC.
Lấy những chiếc xe được kết nối làm ví dụ, giai đoạn đầu của dịch vụ eMBB sẽ liên quan đến thông tin giải trí tăng cường trên xe, như cảnh báo giao thông thời gian thực, truy cập internet tốc độ cao, phát trực tuyến video thời gian thực hoặc chơi trò chơi liên quan đến video 3D 4K. Trong các ứng dụng tiềm năng eMBB, có ba thuộc tính riêng biệt 5G sẽ cần cung cấp: Dung lượng cao hơn - Kết nối nâng cao - Tính di động của người dùng cao hơn. Một trong những ứng dụng quy mô lớn nhất của 5G là ứng dụng truyền thông máy – máy (mMTC), sử dụng mạng không dây để thu thập và phân tích dữ liệu từ các cảm biến hoặc điều khiển thiết bị. Các ứng dụng mMTC 5G được phân thành 2 loại:
- MTC quy mô: Các ứng dụng loại này được đặc trưng bởi một số lượng lớn thiết bị được kết nối, sử dụng các thiết bị và mô-đun giá rẻ cho mạng cảm biến không dây, kết nối trong nhà, thiết bị đo thông minh, thường không yêu cầu cao về thời gian thực. Một số ứng dụng bao gồm tòa nhà thông minh, đồng hồ thông minh, nông nghiệp thông minh… 
- MTC quan trọng: Các ứng dụng yêu cầu thời gian thực cao (thường là độ trễ từ đầu đến cuối chỉ cần vài mili giây), độ tin cậy cao (tỷ lệ mất gói dưới 10-3) bao gồm điều khiển giao thông, xe được kết nối, tự động hóa công nghiệp và điều khiển, robot, phẫu thuật từ xa ... Một trong những tính năng chính của URLLC là độ trễ thấp. Với một loạt các dịch vụ 5G độc đáo, bối cảnh giao tiếp sẽ mở rộng sang các phương tiện, tàu cao tốc, máy bay không người lái và robot công nghiệp với tác nhân thay đổi là các ứng dụng URLLC. Phẫu thuật từ xa là một ví dụ. Hành động nhanh chóng, quyết đoán là những yêu cầu quan trọng trong bệnh viện, nơi các bác sĩ ngày càng khuyến khích sử dụng robot để thực hiện phẫu thuật và các chức năng thiết yếu khác. Những robot này được thiết kế để đáp ứng các hướng dẫn từ xa của bác sĩ, cho phép chúng thực hiện các quy trình y tế trong nhiều điều kiện khác nhau. Tuy nhiên, do vấn đề về độ trễ, các thiết bị này thường mất vài giây để phản hồi, khiến các bác sĩ gặp khó khăn trong việc xử lý các biến chứng và trường hợp khẩn cấp đột ngột. Do đó, các bệnh viện đã ngần ngại đưa vào sử dụng thiết bị này. 5G sẽ giảm đáng kể rủi ro, cho phép robot y tế trở nên phổ biến hơn. Công nghệ không dây mới cũng sẽ cho phép các bác sĩ thực hiện các thao tác phức tạp hoặc khó khăn hơn từ xa. Khi kết hợp với dữ liệu lớn, điện toán đám mây, công nghệ trí tuệ nhân tạo và các công nghệ tiên tiến khác, 5G đã và đang mở ra nhiều cơ hội tuyệt vời hơn nữa.
Quan điểm và nhận thức ban đầu của các bên liên quan tại Việt Nam
Ngành công nghiệp ICT là ngành luôn đổi mới với các công nghệ và mô hình hoạt động liên tục cách mạng hóa cách chúng ta học hỏi, giao tiếp và kinh doanh. Mạng 5G là tiền đề để phát triển các hệ thống tiên tiến sử dụng công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo AI, hệ thống lưới điện thông minh, giao thông thông minh, y tế từ xa, thực tế ảo và đặc biệt là các hệ thống IoT.
Đầu năm 2019, với tư cách là cơ quan đóng góp cho nỗ lực của Chính phủ để điều tra các khía cạnh khác nhau của 5G, chúng tôi dự định khảo sát các bên liên quan trong thị trường để đưa ra một số dự báo về giai đoạn đầu triển khai 5G tại Việt Nam. Sau một số phản hồi kém về bản thảo đầu tiên của câu hỏi khảo sát, chúng tôi đã giải quyết bằng cách sử dụng câu hỏi khảo sát từ nguồn quốc tế cụ thể là hệ thống chỉ số tiêu dùng 5G và báo cáo “Cutting through the hype” của Gartner để nghiên cứu chủ đề này và có cơ hội so sánh kết quả của chúng tôi với một số số liệu quốc tế đã được công bố. Với 183 người tham gia khảo sát, từ các cơ quan nhà nước và tư nhân, từ các công ty công nghệ lớn đến các doanh nghiệp khởi nghiệp trong tất cả các lĩnh vực của kinh tế tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển Doanh nghiệp Công nghệ Việt Nam vào ngày 9 tháng 5 năm 2019. Mặc dù có quy mô nhỏ, chúng tôi tin rằng kết quả khảo sát của chúng tôi mang lại những hiểu biết thú vị về quan điểm và nhận thức ban đầu của các bên liên quan đến các ứng dụng của 5G tại Việt Nam.
Hình 2: Các mức độ quan tâm khác nhau trong các ứng dụng tiềm năng 5G so với kết quả khảo sát chỉ số tiêu dùng 5G của Mỹ.
Hầu hết người khảo sát nói rằng họ rất hào hứng với các ứng dụng 5G và mong muốn các ứng dụng này sớm được cung cấp trên thị trường (hơn 80% trong 11 ứng dụng 5G được đề cập) (Hình 2). Khi chúng tôi so sánh con số này với bộ chỉ số tiêu dùng 5G, những người tham gia khảo sát của chúng tôi cho thấy sự quan tâm đến 5G nhiều hơn so với những người tham gia khảo sát tại Mỹ. Điều này có thể hiểu được khi đối tượng mục tiêu của chúng tôi (đại diện cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước) có kiến thức nền tảng về công nghệ cao hơn so với một công dân Mỹ bình thường.
Hình 3: Các ứng dụng tiềm năng 5G khuyến khích các doanh nghiệp ưu tiên so với kết quả khảo sát chỉ số tiêu dùng 5G tại Mỹ
Mặc dù tất cả 11 ứng dụng tiềm năng đã được đề cập trong cuộc khảo sát đều nhận được câu trả lời tích cực đáng kể, song quan điểm về các ứng dụng này có sự phân hóa. Trong khi các ứng dụng về đô thị thông minh, trí tuệ nhân tạo (AI) thế hệ tiếp theo và IoT mật độ kết nối lớn được cho là 03 ứng dụng tiềm năng hàng đầu mà những người khảo sát của chúng tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp công nghệ nên đầu tư. Trong khi phẫu thuật từ xa, mở rộng việc sử dụng máy bay không người lái và phương tiện di chuyển không người lái được kết nối nhận được ít sự quan tâm nhất. Tuy nhiên các ứng dụng lưới năng lượng thông minh, nhận được ý kiến cao nhất (18,1%) tại Mỹ trong kết quả khảo sát chỉ số tiêu dùng 5G, thì tại Việt Nam chỉ cho kết quả dưới trung bình (7,2%) với các nhà khảo sát Việt Nam của chúng tôi (Hình 3).
5G cung cấp nhiều tính năng tiên tiến cho khách hàng của mình. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng ít hơn một nửa số người tham gia khảo sát của chúng tôi sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các tính năng này (Hình 4). Trong khi con số tương tự tại Mỹ trong bộ chỉ số tiêu dùng 5G là gần ba phần tư (74%). Khách hàng không sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các dịch vụ cao cấp có thể đặt ra một thách thức khó khăn cho các doanh nghiệp viễn thông di động và chính phủ để nhanh chóng triển khai mạng 5G toàn quốc. Điều rất thú vị là kết quả khảo sát của chúng tôi tương đồng với kết quả khảo sát tại Anh khi trong một cuộc khảo sát với 1375 người dùng di động được thực hiện riêng cho tờ báo Mirror Online bởi công ty nghiên cứu thị trường Streetbees, hai phần ba số người được hỏi (67%) cho biết họ sẽ không sẵn sàng trả hơn 30 bảng Anh mỗi tháng cho 5G dưới mức kỳ vọng của các nhà mạng là ở mức trên 50 bảng Anh.
Hình 4: Các chi phí dịch vụ mà người dùng sẵn sàng trả cho các tính năng 5G ở giai đoạn triển khai ban đầu (2 năm đầu)
Nhìn vào quan điểm về hiệu quả đầu tư dự án, việc triển khai mạng 5G cần được xem xét kỹ lưỡng hơn khi xem xét các khía cạnh sau:
Thứ nhất, là hiệu quả đầu tư của mạng 5G tại thời điểm hiện tại. Theo ước tính của các nhà cung cấp viễn thông châu Âu, cải thiện mạng 4G và triển khai 5G có thể làm tăng chi phí vốn lên 60% trong giai đoạn 2020-2025. Riêng đối với mạng 5G, dự kiến tỷ lệ chi phí vốn trên tổng doanh thu (capex-to-revenue) sẽ tăng từ 13% lên mức 22%.
Thứ hai, là kế hoạch triển khai và nguồn doanh thu để hoàn vốn. Nhu cầu về dịch vụ di động tại Việt Nam 2G vẫn chiếm phần lớn hơn so với 3G và 4G. Việc người dùng không sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho 5G sẽ là một rào cản cho triển khai công nghệ này bởi dù phải bỏ ra chi phí vốn lớn hơn, nhưng nguồn doanh thu từ 5G không tăng so với 4G. Nếu chưa có được kế hoạch kinh doanh mạng 5G khả thi, các nhà mạng hoàn toàn có thể tiếp tục đầu tư, nâng cấp và khai thác mạng 4G để đáp ứng nhu cầu thị trường.
5G dự kiến sẽ được áp dụng trong nhiều lĩnh vực nhưng thực tế tại Việt Nam cho thấy nhu cầu kết nối 5G trong các ngành dọc là chưa rõ nét. Ngay cả một số quốc gia có nền kinh tế tốt hơn và cơ sở hạ tầng tốt hơn so với Việt Nam, vẫn khá thận trọng với sự phát triển của 5G.
Tạo nguồn doanh thu mới và nâng cao hiệu quả hoạt động là hai lý do chính để triển khai sớm các ứng dụng tiềm năng 5G. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn để triển khai 5G. Hình 5 dưới đây là một số lý do và quan điểm của các bên liên quan.
Hình 5: Lý do chính để triển khai các ứng dụng tiềm năng 5G tại Việt Nam so với khảo sát của Gartner
Quá trình tiến hành khảo sát về vai trò của 5G trong 11 ứng dụng tiềm năng thông qua việc sắp xếp theo tiêu chí nâng cao hiệu quả hoạt động,  nhận dạng hình ảnh (54,9%), theo dõi vị trí (53,7%), cảm biến không quan trọng (47,8%) và đô thị thông minh (47,1%) là một trong những ứng dụng được đánh giá cao nhất nhằm mang lại hiệu quả hoạt động cho khách hàng. Các ứng dụng truyền thông IoT, thực tại ảo (VR), thực tại tăng cường (AR), video nhập vai hoặc hình ba chiều và xe tự lái nhận được ít ý kiến tích cực hơn đáng kể (Hình 5).
Các quan điểm tương đối tích cực về khả năng 5G trở thành một trợ thủ đắc lực cho các quá trình quan trọng như hỗ trợ điều khiển, tự động hóa tại các nhà máy, xí nghiệp dường như phản ánh nhu cầu những người tham gia khảo sát cho rằng phần lớn kết nối hiện tại của họ cần được thay thế bằng công nghệ truyền thông mới khác. Khi so sánh với kết quả khảo sát của Gartner, chúng tôi không thấy bất kỳ mối tương quan nhất quán nào trong bất kỳ danh mục nào hoặc giữa các danh mục giữa hai kết quả khảo sát. Các ý kiến trái chiều ngay cả giữa chuyên gia công nghệ thông tin và truyền thông của mỗi quốc gia đưa ra một chỉ báo tốt cho thấy 5G và các vấn đề của nó phức tạp hơn nhiều so với bất kỳ công nghệ truyền thông nào trong quá khứ và quan điểm thống nhất của ngành về vấn đề 5G vẫn chưa đạt được.
Hình 6: Khung thời gian áp dụng công nghệ 5G trong khảo sát của tổ chức
Khi được hỏi về khung thời gian áp dụng công nghệ 5G vào cơ quan và tổ chức của mình, gần hai phần ba (66,12%) phản hồi rằng tổ chức của họ đã có kế hoạch và khung thời gian áp dụng công nghệ 5G và các ứng dụng của nó vào quy trình hoạt động của mình (Hình 6). Hơn nữa, gần một nửa (49,18%) câu trả lời là khoảng thời gian năm 2019 hoặc 2020 trong khi tại thời điểm của bài báo này, 5G chưa được thương mại hóa tại Việt Nam. Điều này cho thấy quan điểm rất tích cực của ngành về việc ra mắt 5G sớm tại Việt Nam. Do đó, có thể an toàn khi nói rằng các doanh nghiệp có thể dễ dàng áp dụng công nghệ 5G tại Việt Nam.
Hình 7: Rào cản đối với việc triển khai sớm mạng 5G tại Việt Nam
Tại Hình 7 khi khảo sát về rào cản đối với việc triển khai sớm mạng 5G tại Việt Nam cho thấy hầu hết mọi người được hỏi nghĩ rằng “Chi phí đầu tư cho cơ sở hạ tầng của mạng 5G sẽ là rất lớn” là rào cản lớn nhất. Mối lo lắng về những hạn chế và sự không nhất quán của các hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội khác; sự phụ thuộc vào thiết bị, công nghệ, giải pháp kỹ thuật 5G của nước ngoài và sự chưa sẵn sàng của các ngành, lĩnh vực ở Việt Nam đối với các dịch vụ của 5G cũng nhận được đồng thuận của nhiều người được khảo sát. Tuy nhiên, lo ngại về vấn đề mất an toàn, an ninh của một quốc gia khác khi sử dụng các thiết bị viễn thông nước ngoài và các quan điểm khác nhau về các lợi ích đến từ việc triển khai sớm mạng 5G và các ứng dụng 5G ít được người khảo sát lựa chọn.
Mô hình phát triển nào cho 5G tại Việt Nam
Theo các chuyên gia, công nghệ 5G sẽ tạo ra một cuộc cách mạng về kết nối. Nếu 2G, 3G và 4G kết nối bảy tỷ người với nhau, thì 5G dự kiến sẽ kết nối hàng nghìn tỷ thiết bị, chuyển toàn bộ thế giới vật lý thành một thế giới ảo và biến đổi cuộc sống của loài người. Đó là lý do tại sao 5G được so sánh với một bước cơ bản hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vì đây sẽ là cơ sở hạ tầng quan trọng nhất cho Internet vạn vật (IoT). Bất kỳ quốc gia nào muốn đi đầu trong cuộc cách mạng mới đều phải có mạng 5G phát triển trước một bước.
Tại Việt Nam, để tận dụng các cơ hội vàng từ việc tiên phong triển khai công nghệ này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành kế hoạch triển khai thương mại mạng 5G ngay sau năm 2019. Kế hoạch 5G của Việt Nam được chia thành ba giai đoạn: thử nghiệm vào năm 2019, lập quy hoạch băng tần vào năm 20192020 và cấp phép thương mại (tần số và dịch vụ) vào năm 2020. Đến thời điểm hiện tại, việc triển khai thử nghiệm 5G đang được tích cực triển khai đúng theo kế hoạch. Việt Nam đang chứng kiến cả ba công ty viễn thông di động lớn là Viettel, Mobifone và Vinaphone gấp rút tiến hành thử nghiệm 5G trong nửa cuối năm 2019.
Hiện tại 5G mới chỉ được triển khai giai đoạn đầu ở một số quốc gia và mới chỉ được triển khai ở quy mô lớn tại Hàn Quốc, nên rất khó có được kinh nghiệm thành công ở các quốc gia khác để xây dựng mô hình cho Việt Nam. Mô hình phát triển 5G ở đây, trước hết là thử nghiệm với mục tiêu đánh giá toàn diện công nghệ 5G dựa trên các tiêu chí như vùng phủ sóng, công suất, tốc độ truyền tải dữ liệu tối đa và khả năng tương thích giữa các thiết bị 5G và cơ sở hạ tầng mạng hiện có. Sau đó, các nhà khai thác có thể lập kế hoạch, thiết kế và triển khai thử nghiệm mạng 5G trên dải tần số trung bình (<6GHz) và tần số cực cao (mmWave) khi áp dụng công nghệ Massive MIMO.
Với quyết tâm phát triển kinh tế, mạng 5G sẽ được thí điểm tại hai thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Rõ ràng việc triển khai 5G sớm là rất khác so với việc triển khai các công nghệ viễn thông di động trước đây tại Việt Nam. Đóng vai trò quyết định trong triển khai công nghệ di động mới có thể không còn chỉ dựa vào khách hàng cá nhân mà là từ khách hàng tổ chức, doanh nghiệp. Quyết tâm của Chỉnh phủ nếu đi kèm với các giải pháp thị trường cụ thể như gia tăng chi tiêu công cho sử dụng các dịch vụ 5G sẽ là một nguồn lực thúc đẩy to lớn để các nhà khai thác viễn thông di động Việt Nam sớm tiến đến thương mại hóa 5G mà không phải chờ đợi nhu cầu thị trường xuất hiện và gia tăng.
Với nhu cầu kết nối và dịch vụ đến từ khu vực công này, các ứng dụng phù hợp để triển khai trong giai đoạn đầu của 5G có thể là: đô thị thông minh, trí tuệ nhân tạo thế hệ mới, Internet vạn vật toàn diện và nhận diện hình ảnh. Những ứng dụng này là tương đồng với trả lời hàng đầu từ những người tham gia khảo sát này của chúng tôi.
Kết luận
Do thông lượng dữ liệu cao, độ trễ rất thấp, độ tin cậy rất cao, xu hướng phát triển mạng 5G trong tương lai sẽ thực sự bùng nổ trên toàn thế giới. Ngoài ra, việc khai thác hiệu quả mạng 5G sẽ thực sự thay đổi tốc độ phát triển công nghệ, đặc biệt là với sự xuất hiện của nhiều thiết bị chưa được khai thác trước đây. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, việc triển khai sớm 5G sẽ giúp Việt Nam đi tiên phong trong đổi mới sáng tạo. Đồng thời, công nghệ này sẽ giúp Việt Nam đạt thứ hạng cao hơn trong bảng xếp hạng viễn thông thế giới. Do đó, để thực hiện giấc mơ 5G của Việt Nam vào năm tới, cần có chính sách hỗ trợ và thu hút đầu tư từ các khu vực công và tư, cũng như nỗ lực triển khai mạng thế hệ tiếp theo. Trong đó, nguồn lực từ khu vực công được cho là rất quan trọng trong giai đoạn đầu của triển khai sớm công nghệ 5G. Chúng tôi dự định tiếp tục điều tra chủ đề này trong tương lai gần với nhiều nguồn lực hơn để không chỉ đạt được kết quả có ý nghĩa thống kê mà còn lập bản đồ xu hướng khi nhận thức 5G đang tăng lên theo thời gian.
Trần Minh Tuấn, Hồ Tấn Quang, Hoàng Việt Huy, Đinh Khánh Lê, Đặng Thị Hoa, Đồng Hoàng Vũ
Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông Bộ Thông tin và Truyền thông Hà Nội, Việt Nam
Bài đăng Tạp chí Điện tử ngày 23/05/2020

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 0
  • 0
  • 6
  • 6
  • 2
  • 9