Thứ sáu, 01/11/2024 | 16:28 - GMT+7
Với việc áp dụng thành công ISO 9000, hệ thống sản xuất tinh gọn (Lean), hệ thống chỉ số hoạt động kinh doanh chính (KPls)… nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã nâng cao năng suất chất lượng, vận hành hiệu quả và đáp ứng tốt các yêu cầu của đối tác.
01/08/2016 - 08:41Với việc áp dụng thành công ISO 9000, hệ thống sản xuất tinh gọn (Lean), hệ thống chỉ số hoạt động kinh doanh chính (KPls)… nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã nâng cao năng suất chất lượng, vận hành hiệu quả và đáp ứng tốt các yêu cầu của đối tác.
Theo bà Vũ Hồng Dân, Trưởng phòng Nghiên cứu Năng suất, Viện Năng suất Việt Nam: Thành công tại các DN dệt may thời gian qua như một ví dụ điển hình trong việc tiêu chuẩn hóa. Chỉ sau một thời gian ngắn triển khai và áp dụng các công cụ như ISO 9000, SA8000, Lean…, nhiều công ty dệt may đã khắc phục được những tồn tại cố hữu lâu nay như: Năng suất thấp, hàng lỗi hỏng trên công đoạn cao, các nguồn lực không được sử dụng hiệu quả…
Điển hình tại Công ty May Hưng Nhân - Thái Bình, sau 3 tháng triển khai áp dụng giải pháp cải tiến theo mô hình Lean, đã giảm thời gian xử lý lỗi từ 20 giây xuống còn 3 giây; giảm hàng tồn trên chuyền từ 2.000 sản phẩm xuống dưới 400 sản phẩm; rút ngắn thời gian sản xuất từ 2,5 ngày xuống 0,5 ngày/chuyền; không có hàng tồn cuối chuyền, năng suất lao động dây chuyền tăng từ 15 - 30%.
Ở lĩnh vực cơ khí, Công ty CNC - ViNa, Hà Nội cũng là một điểm sáng. DN này đã chủ động đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng các phương pháp quản trị để tối ưu hóa nguồn lực, nhờ đó tỷ lệ các dự án hoàn thành đúng tiến độ giao hàng tăng 19%; tỷ lệ đơn hàng lắp ráp cơ đúng tiến độ từ 22% lên 64%; tỷ lệ đơn hàng lắp ráp điện đúng tiến độ từ 11% lên 55%; giảm tồn kho hàng chính hãng so với kho chung xuống dưới 20%, giảm giá trị hàng lưu kho chính hãng từ 1,586 tỷ đồng xuống còn 1,216 tỷ đồng/tháng.
Việc áp dụng các mô hình, hệ thống, công cụ cải tiến đúng, kịp thời đã giúp DN sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực sẵn có; tạo dựng được các mô hình điểm tốt để các DN chia sẻ và học hỏi, làm cơ sở áp dụng điểm và nhân rộng. Tuy nhiên, theo đánh giá, tỷ trọng DN áp dụng các mô hình và công cụ cải tiến hiện còn thấp, mới chỉ chiếm khoảng 3,5%, tập trung vào DN lớn, DN có vốn đầu tư nước ngoài, DN vừa và nhỏ rất ít.
Trong bối cảnh hội nhập, việc áp dụng các mô hình, hệ thống, công cụ cải tiến để nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của DN là một đòi hỏi tất yếu. Tuy nhiên, để triển khai thành công việc áp dụng mô hình, hệ thống quản lý và công cụ cải tiến tại DN trong thời gian tới, bà Vũ Hồng Dân cho rằng: DN cần xây dựng cơ chế kiểm tra, đánh giá, giám sát để có biện pháp khắc phục, phòng ngừa, cải tiến kịp thời; xây dựng cơ chế ghi nhận và khuyến khích sự đóng góp của cá nhân và tập thể trong việc áp dụng, cải tiến nâng cao năng suất chất lượng…
Bên cạnh đó, DN cần tích cực đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng quản lý dự án của đội ngũ giảng viên, chuyên gia tư vấn. Đồng thời, phát triển đội ngũ chuyên gia thành các nhóm chuyên gia sâu theo từng nhóm ngành; chủ động xây dựng kế hoạch và tiến hành kiểm tra giám sát tiến độ và chất lượng tư vấn hướng dẫn tại DN để có những điều chỉnh kịp thời…
Thống kê của Tổ chức Quốc tế về Tiêu chuẩn hóa (ISO) cho thấy, các hệ thống quản lý dựa theo tiêu chuẩn như: ISO 14000, ISO 22000, ISO/TS 16949, ISO 27000, ISO 13485 chưa được các DN Việt Nam quan tâm và áp dụng nhiều, vì vậy số lượng các DN được cấp chứng chỉ còn rất hạn chế.
Theo baocongthuong.com.vn
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 83/CĐ-TTg về việc tăng cường đào tạo nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây.