Chủ nhật, 28/04/2024 | 19:48 - GMT+7

Nâng cao hiệu quả sản xuất nhờ trạm biến áp không người trực

Ứng dụng trạm biến áp không người trực trong quản lý, vận hành lưới điện là hoạt động thúc đẩy lộ trình xây dựng lưới điện thông minh, hướng tới mục tiêu hiện đại hóa, tự động hóa ngành điện của Chính phủ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

26/06/2023 - 11:05
Theo đại diện Công ty Điện lực Thanh Hóa (PC Thanh Hóa), công ty hiện đang quản lý hệ thống lưới điện trên địa bàn rộng, với hơn 800km đường dây và 23 trạm biến áp (TBA) 110kV. Theo phương thức quản lý truyền thống, tại mỗi TBA thường phải vận hành với chế độ trực 3 ca 4 kíp và cần ít nhất 6-8 công nhân. Quá trình này gây lãng phí không nhỏ nguồn nhân lực mà còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn khi thực hiện thao tác trực tiếp với các thiết bị. 
Để đảm bảo hiệu quả công tác truyền tải điện và an toàn cho người lao động, PC Thanh Hóa đã và đang tích cực triển khai công tác số hóa, chuyển đổi số, từng bước áp dụng công nghệ, kỹ thuật số vào quản lý vận hành lưới điện. Đặc biệt, PC Thanh Hóa chú trọng triển khai lắp đặt và ứng dụng mô hình TBA không người trực trên địa bàn toàn tỉnh.
Trạm biến áp 110kV Tĩnh Gia 2 (PC Thanh Hóa) điều khiển xa không cần người trực (Ảnh: npc.com.vn/)
Phát triển mô hình trạm biến áp không người trực là hoạt động thúc đẩy lộ trình xây dựng lưới điện thông minh, hướng tới mục tiêu hiện đại hóa, tự động hóa ngành điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng Công ty Điện lực miền Bắc… Mô hình này giúp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, đổi mới và cải tiến quy trình quản lý và vận hành hệ thống lưới điện.
Đại diện PC Thanh Hóa cho biết, thực hiện theo chủ trương của EVN và Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, PC Thanh Hóa đã chuyển đổi thành công 23 TBA 110kV truyền thống thành các TBA thao tác xa. Trong đó có 17 TBA được chuyển thành TBA thao tác xa không người trực và 6 TBA được chuyển thành TBA thao tác xa có người giám sát tại chỗ để thực hiện theo dõi, kiểm tra thiết bị hàng ngày, hàng tháng. 
Các TBA mới đều được thiết kế, xây dựng và đưa vào vận hành theo tiêu chí không người trực, gồm nhiều tính năng hiện đại như: hệ thống điều khiển, hệ thống camera giám sát an ninh, giám sát thao tác và hệ thống báo cháy, giám sát ắc quy online…Quá trình chuyển đổi các TBA truyền thống đều đáp ứng tối ưu hoá chi phí đầu tư cáp và các thiết bị trung gian, giảm số lượng cán bộ, nhân viên trực vận hành tại trạm điện, giảm thiểu các sự cố.
Thí nghiệm, đánh giá thực tế TBA 110kV không người trực trước khi đưa vào vận hành (Ảnh: npc.com.vn/)
Qua đánh giá thực tế, TBA không người trực đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực như: giảm thời gian thao tác vận hành, đóng cắt thiết bị; rút ngắn thời gian xử lý sự cố lưới điện... Từ đó giúp PC Thanh Hóa giảm tối đa khối lượng công việc mà nhân viên vận hành phải thường xuyên theo dõi xử lý, nâng cao năng suất lao động. Đây là bước tiến quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng lưới điện thông minh trên địa bàn tỉnh, giúp nâng cao độ tin cậy, đảm bảo tính chính xác của thiết bị, linh hoạt khi đưa ra các phương án giải quyết vấn đề quá tải…
Cùng với việc chuyển đổi các TBA truyền thống sang TBA không người trực, PC Thanh Hóa đã xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm điều khiển xa Công ty Điện lực Thanh Hóa. Toàn bộ dữ liệu từ các TBA và hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh sẽ được truyền tải nhanh chóng về trung tâm để các điều độ viên trực tiếp theo dõi, giám sát quản lý vận hành, phân tích dữ liệu, chẩn đoán sự cố, điều độ công suất lưới điện truyền tải. Kết quả tính đến hết tháng 5/2023 tỉ lệ thao tác xa luôn đạt 100%.
Việc nắm bắt xu hướng và áp dụng thành tựu khoa học công nghệ tự động hóa đã giúp PC Thanh Hóa giảm bớt áp lực trong vận hành, quản lý lưới điện, nâng cao năng lực của người lao động; đồng thời góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện an toàn, liên tục, đáp ứng được các yêu cầu sử dụng điện ngày càng cao trên địa bàn.
Thời gian tới, cùng với lộ trình chuyển đổi số của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Công ty Điện lực Thanh Hoá sẽ tiếp tục nghiên cứu, quy hoạch, phát triển và ứng dụng lưới điện thông minh vào công tác quản lý vận hành; coi đây là chìa khóa giúp nâng cao hiệu quả, tiết kiệm chi phí và giúp đơn vị khai thác, quản lý phân phối điện năng.
Trường Quang 

Cùng chuyên mục

Sản phẩm công nghệ cao, công nghệ xanh cho người tiêu dùng và sản xuất

26/04/2024 - 08:32

Ngày 25/4, tại Hà Nội, Trung tâm Giao dịch thông tin, công nghệ và thiết bị (Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia) phối hợp Hội Tự động hóa Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam, Hội Kinh tế số, Chi hội Doanh nhân xúc tiến thương mại quốc tế tổ chức “Triển lãm sản phẩm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”. Nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, công nghệ xanh lần đầu được giới thiệu đến người tiêu dùng và cho sản xuất.

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 2
  • 7
  • 5
  • 4
  • 0
  • 1