Thứ bảy, 27/04/2024 | 02:39 - GMT+7

Chuyển đổi số là chìa khóa để doanh nghiệp Bình Dương mở cửa sản xuất

Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để thích ứng với dịch bệnh, sẵn sàng “sống chung với dịch”.

15/10/2021 - 12:14
Bình Dương có 29 khu công nghiệp với tổng diện tích là 12.662,8 ha. Theo thống kê của Sở Công Thương Bình Dương, do hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh bùng phát mạnh, từ đầu quý III đến nay, hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh chậm lại, tốc độ suy giảm rõ rệt so với 2 quý trước. Trong 09 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó công nghiệp khai khoáng giảm 31,4%; công nghiệp chế biến tăng 3,1%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt và nước tăng 4,9%; cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 3,5%.
Với sự nỗ lực của chính phủ và các cấp chính quyền, mặc dù dịch bệnh Covid-19 đã có dấu hiệu “hạ nhiệt” nhưng theo các chuyên gia, cần thêm nhiều thời gian nữa, dịch bệnh mới có thể khống chế hoàn toàn. Do đó, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để thích ứng với dịch bệnh, sẵn sàng “sống chung với dịch”. Trong đó, chuyển đổi số được các doanh nghiệp Bình Dương coi là “chìa khóa” để mở cửa cho việc khôi phục lại sản xuất.
Doanh nghiệp bứt phá nhờ chuyển đổi số
Là nhà phát triển khu công nghiệp, đô thị và hạ tầng giao thông hàng đầu tại Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp – CTCP (Becamex IDC Corp) hiện có 19 công ty thành viên, công ty liên kết hoạt động chuyên nghiệp ở các lĩnh vực: logistics, xây dựng, thương mại, bất động sản, dịch vụ, viễn thông – công nghệ thông tin, sản xuất bê tông, vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản, y tế và giáo dục. Với phương châm hoạt động “liên tục đổi mới để phát triển”, trong bối cảnh dịch bệnh, Becamex IDC càng thúc đẩy nhanh hơn quá trình ứng dụng công nghệ số vào quản trị. Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Công nghệ thông tin của Becamex IDC, đơn vị này đã áp dụng hệ thống văn phòng điện tử vào công tác quản trị doanh nghiệp. Hệ thống văn phòng điện tử giúp tăng tốc độ xử lý một nhiệm vụ từ 5 - 7 lần, đồng thời giảm chi phí hoạt động của một số lĩnh vực từ 50 - 70%.
“Dịch Covid-19 có rủi ro rất lớn cho các doanh nghiệp, nguy cơ gặp phải bẫy thu nhập trung bình cho Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng cũng cao. Chúng ta cần có những bước tiến và đầu tư mạnh mẽ, tạo ra những phương tiện sản xuất mới để hỗ trợ những nhà đầu tư”, ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh.
 Công ty TNHH Điện tử Foster đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, vận hành sản xuất. (Ảnh: Báo Bình Dương)
Chuyển đối số cũng được Công ty TNHH Điện tử Foster (Khu công nghiệp VSIP II) thực hiện khá tốt và thực sự đem lại hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh. “Trước tình hình dịch bệnh vừa qua, tuy có hạn chế về nguồn nhân lực nhưng do công ty ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, thực hiện chuyển đối số nên hoạt động không bị ảnh hưởng nhiều”, ông Trần Hưng Đạo, Giám đốc Công ty cho biết.
Theo đó, các dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử, kiểm tra hàng hóa đều đã được tự động hóa, đem lại  hiệu quả tăng gấp 5 lần so với thông thường.
Đối với công tác quản lý đầu vào về vật tư, trước đây công ty sử dụng excel để quản lý khiến cho hệ thống bị chậm. Hiện nay, công ty đã áp dụng mã vạch để quản lý nên rất thuận tiện. “Chỉ cần quét mã vạch, kiểm tra trên hệ thống là biết vật tư này đã đi đến đâu, sản phẩm đang đến công đoạn nào”, ông Đạo cho hay.
Chuyển đổi số thực sự mang lại hiệu quả rất tốt cho doanh nghiệp, giúp giảm số lượng nhân công, giảm được rủi ro thất thoát hàng hóa, truy vết nhanh khi có sự cố xảy ra đối với sản phẩm. Chuyển đối số cũng tạo ra sự thay đổi tích cực cho toàn bộ chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng sản phẩm và chất lượng trải nghiệm cho người tiêu dùng.
Nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ khôi phục sản xuất
Để doanh nghiệp không “đơn độc” trên hành trình mở cửa, khôi phục lại sản xuất sau tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19, tỉnh Bình Dương đã triển khai những chính sách và giải pháp thiết thực, kịp thời.
Theo TS. Nguyễn Việt Long, Quyền Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương, chìa khóa phát triển trong thời kỳ 4.0 là việc hỗ trợ để nâng cấp trình độ, công nghệ sản xuất cho các doanh nghiệp. Bình Dương hiện đang có các chính sách hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng doanh nghiệp, cần được đẩy nhanh vào thực tiễn sau dịch bệnh. Hiện, tỉnh Bình Dương cũng đã giao Becamex IDC hoàn thành xây dựng giai đoạn đầu Trung tâm Sản xuất thông minh 4.0. Trung tâm được kỳ vọng sẽ trở thành nơi đặt ra đề bài nghiên cứu, chuyển giao công nghệ phù hợp với nhu cầu thực tiễn.
Bình Dương sẽ hỗ trợ nâng cấp trình độ, công nghệ sản xuất cho doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất. (Ảnh: Báo Bình Dương)
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo Kế hoạch, các lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số tại tỉnh Bình Dương gồm y tế, giáo dục, sản xuất công nghiệp và logistics, giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường, quy hoạch và quản lý đô thị, nông nghiệp, vực văn hoá và du lịch, năng lượng. Để thực hiện kế hoạch, UBND tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp, gồm chuyển đổi nhận thức, xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách, phát triển hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu; ứng dụng, phát triển nền tảng số; bảo đảm an toàn và an ninh thông tin; nghiên cứu, phát triển, hợp tác quốc tế và đổi mới sáng tạo trong môi trường số; phát triển nguồn nhân lực, đo lường chuyển đổi.
Tin tưởng rằng, với những chính sách, giải pháp của tỉnh sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện chuyển đối số, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh nhà khôi phục kinh tế, vượt qua những khó khăn do đại dịch mang lại.
Bích Phương

Cùng chuyên mục

Hơn 500 doanh nghiệp tham gia Diễn đàn và Triển lãm quốc tế Đô thị thông minh châu Á lần 3

22/04/2024 - 08:40

Từ ngày 17/4 đến 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Exporum Việt Nam phối hợp cùng Hội Tự động hóa Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam, Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số đồng tổ chức Diễn đàn và Triển lãm Quốc tế Đô thị thông minh châu Á - Smart City Asia 2024 lần 3 với chủ đề Công nghệ Số và Công nghệ Xanh trong phát triển đô thị thông minh.

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 2
  • 5
  • 8
  • 0
  • 2
  • 7