Thứ bảy, 27/04/2024 | 19:40 - GMT+7

Duy trì vai trò dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia

Trong bối cảnh doanh thu viễn thông của nhà mạng nói chung suy giảm 5-10% trong năm 2023, riêng mảng viễn thông di động của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vẫn giữ được tăng trưởng 0,8%. Kết quả kinh doanh này không chỉ cho thấy hiệu quả từ những thay đổi nội tại mà còn là động lực quan trọng để tập đoàn tiếp tục bảo đảm vai trò là doanh nghiệp nhà nước dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia.

28/02/2024 - 08:32
Giữ vững tăng trưởng doanh thu di động
Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT Tô Dũng Thái, năm 2023, trong bối cảnh doanh thu dịch vụ di động của nhà mạng suy giảm mạnh (giảm 5-10%), khiến tăng trưởng doanh thu chung của các nhà mạng rất thấp, thì di động VinaPhone vẫn giữ được mức tăng trưởng 0,8%. Kết quả này dù còn khiêm tốn, song góp phần không nhỏ vào tăng trưởng chung của tập đoàn với tổng doanh thu 54.856 tỷ đồng, tăng 2,14% so với năm 2022; lợi nhuận đạt 4.468 tỷ đồng, tăng 0,7%; nộp ngân sách nhà nước 3.849 tỷ đồng, tăng 12,7%.
Kỹ sư VNPT kiểm tra, bảo dưỡng mạng 5G bảo đảm phục vụ khách hàng
Thông tin cụ thể, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Nguyễn Nam Long cho biết, VNPT đã có những thay đổi mạnh mẽ về kinh doanh, phát triển thị trường, tiếp tục được định hướng tập trung theo từng đối tượng khách hàng. Tập đoàn triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy kinh doanh dịch vụ, trong đó phải kể đến ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), định danh điện tử (eKYC) vào chuẩn hóa thông tin thuê bao; mở rộng kênh, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông lưu động; phát triển mới di động hoàn thành vượt mức kế hoạch…
Do vậy, ngoài tăng trưởng doanh thu dịch vụ di động, các dịch vụ cốt lõi khác, như doanh thu dịch vụ băng rộng tăng trưởng 3,6%, giữ vững vị trí số 1 về thị phần; dịch vụ truyền hình MyTV tăng trưởng doanh thu trên 10%, chiếm vị trí số 1 về thị phần; nhóm dịch vụ số doanh nghiệp tăng doanh thu 17,5%...
Phân tích về những kết quả trên, ông Tô Dũng Thái chia sẻ, việc duy trì kết quả kinh doanh này, nhất là với mảng di động, ngoài sự nỗ lực chung, có vai trò quan trọng của đội ngũ kinh doanh ở các tỉnh, thành phố. Đặc biệt là vai trò của VinaPhone trong việc thay đổi, áp dụng cơ chế, chính sách về trải nghiệm khách hàng, gia hạn gói cước. Việc thay đổi các chính sách, quyết định được dựa trên phân tích dữ liệu và do vậy phục vụ khách hàng tốt hơn.
Đáng chú ý, việc trải nghiệm khách hàng tiếp tục được tập đoàn xác định là một trong những công việc trọng tâm trong năm 2023. Trong đó, VNPT đã triển khai các hệ thống quản trị, giám sát, đánh giá trải nghiệm khách hàng, chất lượng hạ tầng mạng lưới và dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin. Các dịch vụ cốt lõi được quản trị trải nghiệm khách hàng thông qua bộ chỉ số KPI đo lường tại các điểm chạm trong toàn bộ hành trình khách hàng tiếp xúc và sử dụng sản phẩm, dịch vụ. Giải pháp này đã giành được giải thưởng Excellence Arword 2023 của TM Forum trong mục trải nghiệm khách hàng.
VNPT chắc chắn làm 5G
Với định hướng tiếp tục mở rộng theo hướng đột phá về hạ tầng, công nghệ để phục vụ hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước, từ năm 2023, VNPT triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin tới năm 2025. Trong đó, tập đoàn đã triển khai phát sóng thử nghiệm, hiện diện vùng phủ 5GVinaphone tại 16 tỉnh, thành phố, phục vụ hoạt động trải nghiệm công nghệ mới của khách hàng tại các khu vực trung tâm và các sự kiện, lễ hội.
Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ 4.0 để nâng cao trải nghiệm khách hàng, VNPT cũng tập trung các chương trình tối ưu hóa mạng lưới của VNPT theo hướng giúp nâng cao chất lượng trải nghiệm khách hàng. Nỗ lực đó của VNPT đã được Tổ chức Ookla - đơn vị đo kiểm tốc độ di động và internet hàng đầu thế giới xác thực, VinaPhone đã trở thành mạng di động nhanh nhất Việt Nam năm 2023.
Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Nguyễn Nam Long, VNPT tiếp tục duy trì vai trò dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, đồng hành cùng Chính phủ, bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp chuyển đổi số trong 3 lĩnh vực trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, tập đoàn đẩy mạnh phát triển các trợ lý ảo, phục vụ các bộ, ban, ngành trung ương; đưa ra bộ giải pháp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng thời chuẩn bị công bố bộ giải pháp cho nông nghiệp thông minh.
Riêng với trụ cột xã hội số, với quan điểm xuyên suốt “đưa mọi người dân lên môi trường số”, VNPT tiếp tục hoàn thiện các giải pháp, ứng dụng như hợp đồng online, chữ ký số, và đặc biệt là phát triển sản phẩm IoT (thiết bị internet kết nối vạn vật), smarthome (bộ giải pháp nhà thông minh) để phục vụ nhu cầu của khách hàng…
Liên quan đến việc kinh doanh dịch vụ 5G, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT Tô Dũng Thái chia sẻ, việc triển khai 5G cũng như vấn đề kinh doanh dịch vụ 5G không đơn giản với các nhà mạng toàn cầu nói chung và thị trường Việt Nam nói riêng khi vừa xây dựng mạng lưới vừa phải bảo đảm bài toán về kinh doanh.
Trong định hướng cho các nhà mạng lớn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nêu rõ, không đầu tư 5G thì chắc chắn doanh nghiệp không thể phát triển. Do vậy, vấn đề mở rộng dịch vụ 5G là đầu tư thế nào và khi nào.
“Năm nay VNPT chắc chắn làm 5G và sẽ triển khai như cam kết theo yêu cầu về đấu giá của Bộ Thông tin và Truyền thông. Song chúng tôi cũng sẽ phải tính toán căn cơ để bảo đảm việc kinh doanh dịch vụ này”, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT Tô Dũng Thái cho biết.
Nguồn: hanoimoi.vn

Cùng chuyên mục

Hơn 500 doanh nghiệp tham gia Diễn đàn và Triển lãm quốc tế Đô thị thông minh châu Á lần 3

22/04/2024 - 08:40

Từ ngày 17/4 đến 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Exporum Việt Nam phối hợp cùng Hội Tự động hóa Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam, Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số đồng tổ chức Diễn đàn và Triển lãm Quốc tế Đô thị thông minh châu Á - Smart City Asia 2024 lần 3 với chủ đề Công nghệ Số và Công nghệ Xanh trong phát triển đô thị thông minh.

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 2
  • 6
  • 3
  • 7
  • 0
  • 1