Chủ nhật, 08/09/2024 | 01:36 - GMT+7

Bộ Công Thương phê duyệt khung chương trình phát triển công nghiệp công nghệ cao đến năm 2030 đáp ứng cuộc CMCN 4.0

Ngày 20/8, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 1992/QĐ-BCT phê duyệt khung Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao (Chương trình) thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030.

27/08/2021 - 14:29
Quyết định của Bộ Công Thương nhằm cụ thể hoá các mục tiêu, nội dung của Quyết định 130/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030. Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.
Kế thừa các thành quả đạt được của Chương trình giai đoạn 2011-2020
Trong giai đoạn 2011-2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghiệp công nghệ cao đến năm 2020. Chương trình được giao cho Bộ Công Thương chủ trì với mục tiêu thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng giá trị sản xuất công nghiệp công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp; nâng cao năng lực đối mới công nghệ và sản xuất sản phẩm công nghệ cao phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu; hình thành và phát triển mạng lưới danh nghiệp sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.
Giai đoạn 2011-2020, Chương trình đã góp phần mạnh mẽ thúc đẩy làm chủ, phát triển công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực công nghiệp ưu tiên
Kết thúc giai đoạn 2011-2020, Chương trình đã đạt được nhiều thành quả tích cực. Các nhiệm vụ tham gia Chương trình đều có sản phẩm đầu ra định hướng thị trường rất cao và là những dự án công nghệ cao tiên phong được triển khai đầu tư tại Việt Nam; được thực hiện theo mô hình doanh nghiệp chủ trì, kết hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học thúc đẩy nghiên cứu, phát triển nhằm làm chủ công nghệ cao, tạo ra sản phẩm công nghệ cao ở quy mô lớn; ứng dụng rộng rãi công nghệ cao trong các ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội.
Mặc dù tỷ lệ nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ triển khai các nhiệm vụ thuộc Chương trình chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với kinh phí đối ứng từ phía doanh nghiệp (với tỷ lệ ngân sách nhà nước hỗ trợ khoảng 20% trên tổng số kinh phí phê duyệt của nhiệm vụ), tuy nhiên Chương trình đã đạt được nhiều kết quả và hiệu ứng rất tích cực; có thể coi đây là một trong những mô hình tiêu biểu cho hợp tác công - tư (PPP) hiện đang được chính phủ tập trung chỉ đạo để phát triển trong thời gian tới.
Đánh giá chung, kết quả đạt được của Chương trình giai đoạn vừa qua đã góp phần mạnh mẽ thúc đẩy làm chủ, phát triển công nghệ cao trong nhiều lĩnh vực điển hình như trong các lĩnh vực công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học, công nghệ điện tử y sinh, công nghệ thông tin…, tạo ra nền tảng công nghệ phục vụ sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, ứng dụng có hiệu quả vào hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ; thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng doanh nghiệp công nghệ cao, dự án ứng dụng công nghệ cao và sự tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp công nghệ cao và công nghệ trung bình-cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp.
Tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao bắt nhịp khu vực và thế giới  
Trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời cuộc CMCN 4.0 đã và đang tạo ra nhiều cơ hội và thách thức, Chính phủ đã thực hiện nhiều quyết sách nhằm tạo điều kiện phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, đảm bảo sự phát triển KHCN trong nhiều lĩnh vực bắt nhịp với tốc độ phát triển khu vực và thế giới.
Ngày 27/01/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030. Chương trình gồm 03 chương trình thành phần gồm: Chương trình nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ cao, phát triển sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì); Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao (Bộ Công Thương chủ trì) và Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì).
Nhằm cụ thể hoá các mục tiêu, nội dung của Quyết định số 130/QĐ-TTg, ngày 20/8/2021, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1992/QĐ-BCT phê duyệt khung Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao. Trong giai đoạn mới, Chương trình được xác định sẽ tiếp tục kế thừa, phát triển hơn nữa các thành quả KHCN trước đó, đồng thời triển khai các nhiệm vụ, dự án bám sát vào yêu cầu thực tiễn của ngành Công Thương và đất nước trong bối cảnh tham gia sâu vào cuộc CMCN lần thứ 4.
Trong giai đoạn mới, Chương trình sẽ tiếp tục kế thừa các thành quả KHCN trước đó, đồng thời bám sát yêu cầu thực tiễn của ngành Công Thương và đất nước trong bối cảnh mới
Mục tiêu phát triển, làm chủ công nghệ cao; thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực công nghiệp ưu tiên
Chương trình có mục tiêu nghiên cứu, làm chủ, phát triển công nghệ cao, ứng dụng hiệu quả công nghệ cao trong sản xuất sản phẩm, cung cấp dịch vụ công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; góp phần hình thành, phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao và hệ sinh thái doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Theo đó, Chương trình đặt ra các mục tiêu cụ thể gồm:
Thứ nhất, phát triển và làm chủ một số công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao ưu tiên đầu tư phát triển đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất sản phẩm và cung ứng dịch vụ công nghệ cao.
Thứ hai, thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng; đẩy mạnh sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao trong Danh mục sản phẩm được khuyến khích phát triển, góp phần gia tăng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.
Trong đó, tập trung định hướng ưu tiên phát triển các lĩnh vực có nhiều ưu thế cạnh tranh trong cuộc CMCN 4.0 gồm: công nghiệp năng lượng, công nghiệp sinh học, công nghiệp vật liệu mới, công nghiệp điện tử - công nghệ số, công nghiệp chế tạo và tự động hoá.
Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, triển khai thành công ít nhất 30 dự án công nghệ cao ứng dụng trong công nghiệp, có tính lan toả về mặt KH&CN và kinh tế-xã hội.
Thứ ba, góp phần xây dựng và phát triển công nghiệp công nghệ cao; hình thành hệ sinh thái các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao; phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển công nghiệp công nghệ cao.
Theo ông Trần Việt Hòa, Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ - Bộ Công Thương “Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu trên, Bộ Công Thương sẽ tổ chức lồng ghép các nhiệm vụ phát triển công nghiệp công nghệ cao trong các chương trình KH&CN các cấp đã được giao. Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, các doanh nghiệp trong các ngành kinh tế trọng điểm để nghiên cứu, phát triển và làm chủ công nghệ lõi, công nghệ chủ chốt của CMCN lần thứ 4 phù hợp với định hướng danh mục công nghệ được ưu tiên và sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển”.
100% dự án phải xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp
Về chỉ tiêu đánh giá, Chương trình đặt ra các chỉ tiêu đánh giá cụ thể bao gồm chỉ tiêu về ứng dụng và chỉ tiêu về trình độ KHCN, sở hữu trí tuệ và đào tạo.
Với chỉ tiêu ứng dụng, yêu cầu 100% dự án tham gia phải xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp, do doanh nghiệp chủ trì hoặc phối hợp và được ứng dụng, thử nghiệm tại doanh nghiệp. Tối thiểu 70% đề tài, dự án có vốn đối ứng ngoài ngân sách và không dưới 70% đề tài, dự án đủ điều kiện trở thành sản phẩm thương mại, chuyển giao công nghệ để doanh nghiệp sản xuất đưa sản phẩm ra thị trường.
Chỉ tiêu KHCN, sở hữu trí tuệ và đào tạo đặt ra yêu cầu tối thiểu 70% công nghệ đạt chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật tương đương với công nghệ tiên tiến các nước trong khu vực hoặc trên thế giới. Ngoài ra, ít nhất 80% đề tài, dự án phải được công bố trên các tạp chí KHCN uy tín trong nước hoặc quốc tế. Đồng thời không dưới 60% đề tài, dự án phải được chấp nhận đơn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ hoặc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
“Trong quá trình thực hiện, Vụ Khoa học và Công nghệ với vai trò được Bộ Công Thương giao nhiệm vụ quản lý tổ chức sẽ tạo điều kiện tối đa để các đơn vị đăng ký tham gia, hướng dẫn đơn vị thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy trình thủ tục. Đồng thời, Vụ cũng sẽ thúc đẩy, giúp kết nối doanh nghiệp và các viện, trường, cơ sở nghiên cứu để đảm bảo các nhiệm vụ, dự án có sự liên kết chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học - sản xuất nhằm tạo ra các sản phẩm, dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao vượt trội, có sức cạnh tranh trên thị trường, theo đúng mục tiêu và định hướng đã đề ra” - Ông Trần Việt Hòa cho biết.
Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao đến năm 2030 là giai đoạn phát triển tiếp theo, kế thừa những thành quả tích cực của Chương trình giai đoạn 2013-2020.
Trong giai đoạn trước đó, Chương trình đã triển khai thành công nhiều nhiệm vụ, xây dựng một số dự án điển hình ứng dụng công nghệ cao vào một số lĩnh vực sản xuất công nghiệp như công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học và công nghệ tự động hoá.
Một số dự án thành công điển hình như làm chủ công nghệ sản xuất sợi thuỷ tinh thông tin quang, ứng dụng CNTT hỗ trợ hội chẩn y tế từ xa và kết nối liên thông dữ liệu các bệnh viện, ứng dụng CNC trong y sinh hỗ trợ chẩn đoán một số bệnh ở người và sản xuất kit xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung… Các dự án đã giúp doanh nghiệp nhanh chóng làm chủ các công nghệ cao tiên tiến trên thế giới, thúc đẩy sản suất sản phẩm và cung ứng dịch vụ công nghệ cao theo danh mục ưu tiên, tạo ra hiệu quả kinh tế-xã hội tích cực.
Tìm hiểu thêm về Chương trình tại: https://congnghiepcongnghecao.com.vn/
Hương Giang

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 5
  • 5
  • 7
  • 2
  • 3
  • 8
  • 4