Là doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư Hàn Quốc, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, tấm mạch in mềm (FPCB) đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, Công ty TNHH BHFlex Vina, KCN Khai Quang (Vĩnh Yên) đã không ngừng đổi mới công nghệ, đầu tư nhiều dây chuyền, trang thiết bị hiện đại nhằm chủ động trong quá trình sản xuất, nâng cao năng suất lao động và đáp ứng tiến độ cung cấp sản phẩm cho khách hàng. Hoạt động hiệu quả, công ty không ngừng mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh lên 1.600 triệu tấm sản phẩm/năm và đang giải quyết việc làm cho hơn 5.000 lao động.
Toàn tỉnh hiện có 6 doanh nghiệp FDI được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao (CNC) theo quy định tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao. Trong đó, 4 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao còn hiệu lực gồm Công ty TNHH Partron Vina; Công ty TNHH Cammsys Việt Nam, Công ty TNHH Arcadyan Technology; Công ty TNHH BHFlex Vina. Không ngừng cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp này đã và đang tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập ổn định.
Với chiến lược kinh doanh linh hoạt, Công ty TNHH BHFlex Vina, khu công nghiệp Khai Quang (Vĩnh Yên) đã trở thành doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất các sản phẩm linh kiện điện tử của tỉnh. Ảnh: Đức Chung
Sự "ăn nên làm ra" của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đưa Vĩnh Phúc trở thành tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp lớn, là trung tâm sản xuất ô tô, xe máy của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Mô hình tăng trưởng kinh tế của tỉnh bước đầu đã chuyển dịch theo hướng từ chiều rộng sang chiều sâu, trong đó, các ngành sử dụng công nghệ, năng suất cao có xu hướng ngày càng đóng góp tích cực vào cơ cấu GRDP của tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số doanh nghiệp nội làm chủ chuỗi cung ứng sản xuất như Công ty TNHH Công nghệ Cosmos, Công ty Cổ phần công nghiệp Á Mỹ, Công ty Cổ phần CNCTECH Thăng Long... sản xuất các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường các nước khó tính như Hoa Kỳ, châu Âu và các thị trường lớn trên thế giới.
Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tháng 2/2024 đã đặt ra mục tiêu đưa tỉnh Vĩnh Phúc thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng GRDP bình quân đầu người; là hạt nhân thúc đẩy phát triển công nghiệp và dịch vụ hiện đại trong vùng đồng bằng sông Hồng.
Theo đó, 1 trong 5 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá được đề ra là tiếp tục phát huy thế mạnh của tỉnh trong phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao (trong đó chú trọng phát triển công nghiệp cơ khí, chế tạo ô tô xe máy, linh kiện điện tử…), đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm sản xuất ô tô, xe máy lớn của cả nước.
Thực tế, ngành sản xuất điện tử và thiết bị điện là một trong những ngành đã được tỉnh khuyến khích đầu tư phát triển. 5 năm gần đây, nhiều dự án đã được đầu tư phát triển mạnh và trở thành một trong 2 nhóm ngành có đóng góp lớn nhất về giá trị và lao động trong cơ cấu công nghiệp tỉnh.
Vì vậy, theo định hướng phát triển một số ngành công nghiệp chủ yếu đã đề ra trong Quy hoạch, cần hình thành một cụm liên kết ngành Công nghiệp, ưu tiên thu hút các doanh nghiệp nội địa chuyên sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng các ngành đang có thế mạnh phát triển trên địa bàn tỉnh và địa phương xung quanh, trước hết là phục vụ ngành điện tử, thiết bị điện và cơ khí, sản xuất kim loại để nâng cao tỷ lệ nội địa hoá trong chuỗi sản xuất cung ứng linh phụ kiện cho thị trường trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, phát triển ngành cơ khí chế tạo, cơ khí lắp ráp theo hướng vừa phát triển theo chiều rộng để tăng thêm số lượng doanh nghiệp, vừa thúc đẩy đầu tư chiều sâu vào những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của tỉnh và đi thẳng vào những công nghệ hiện đại mang lại hiệu quả cao về giá trị gia tăng, tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.
Nhóm công nghiệp sản xuất ô tô - xe máy tiếp tục đẩy mạnh sản xuất và phát triển các dòng sản phẩm ô tô cao cấp, mô tô và sản xuất các linh kiện phụ tùng phục vụ trong nước và xuất khẩu, gắn với phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
Trên cơ sở lợi thế lớn nhất có sẵn là các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô - xe máy và nhiều doanh nghiệp hỗ trợ sản xuất cho một số thương hiệu nổi tiếng trên thế giới (Toyota, Honda, Ford, Yamaha…), trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, Vĩnh Phúc hoàn toàn có thể kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển lĩnh vực sản xuất và phụ trợ xe điện và từng bước trở thành một “Trung tâm sinh thái sản xuất ô tô hàng đầu ở khu vực phía Bắc”.
Theo đó, thời gian tới, tỉnh đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn; tập trung phát triển khu công nghiệp theo hướng chuyên sâu, công nghệ cao, đảm bảo điều kiện hạ tầng kỹ thuật thu hút các dự án sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, các dự án sản xuất thân thiện môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng lớn.
Khuyến khích các hình thức hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài có công nghệ, kinh nghiệm sản xuất; thúc đẩy hình thành và phát triển các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, thị trường công nghệ. Cùng với đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tận dụng tối đa lợi thế về liên kết vùng đẩy nhanh sự phát triển của tỉnh để làm động lực thúc đẩy sự phát triển chung của vùng và cả nước.
Nguồn: Báo Vĩnh Phúc