Thứ hai, 29/04/2024 | 19:47 - GMT+7

Các doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc: ứng dụng công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất

Để bắt nhịp với sự chuyển mình mạnh mẽ của thời đại công nghiệp 4.0, nhiều doanh nghiệp tại tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động cải tiến công nghệ, hệ thống máy móc, đầu tư trang thiết bị hiện đại để gia tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao vị thế doanh nghiệp.

14/06/2023 - 08:53
Công ty TNHH Power Logics Vina là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử camera, pin điện thoại… cung cấp chủ yếu cho SamSung. Để đáp ứng yêu cầu sản xuất, đảm bảo chất lượng đơn hàng cho các đối tác, công ty đã và luôn xác định phải đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, đặc biệt là tự động hóa trong sản xuất kinh doanh. 
Các doanh nghiệp Vĩnh Phúc ưu tiên ứng dụng công nghệ trong sản xuất (Ảnh: vccinews.vn/)
Từ quyết tâm này, công ty đã thực hiện chuyển đổi, xây dựng nhà máy đạt chuẩn; đầu tư hệ thống dây chuyền, thiết bị tự động hóa; ứng dụng công nghệ số trong quản lý điều hành; lắp đặt hệ thống camera giám sát tự động. Do đó ở các vị trí sản xuất của công ty, hầu hết công nhân đã làm chủ được công nghệ, giúp tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt nhất, hạn chế tối đa tỷ lệ lỗi, giúp doanh nghiệp đứng vững trên thị trường. 
Đại diện Công ty TNHH Power Logics Vina cho biết: “Nhờ chủ động đổi mới công nghệ, tự động hóa trong sản xuất nên dù gặp nhiều khó khăn trong 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Power Logics Vina vẫn đứng vững và từng bước duy trì ổn định đơn hàng. Sản lượng sản xuất và doanh thu của doanh nghiệp tăng liên tục theo từng tháng. Đến nay, công ty đã trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử về module, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 100 triệu USD; đồng thời còn mở rộng sản xuất 2 xưởng lớn có tổng diện tích hơn 23.000m2, giải quyết việc làm cho 1.500 lao động.” 
Giống với Công ty TNHH Power Logics Vina, Công ty TNHH phát triển công nghệ cao Minh Anh (phường Xuân Hòa, thành phố Phúc Yên) cũng là trường hợp điển hình của ứng dụng tự động hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất. Năm 2022, nhận được nguồn kinh phí hỗ trợ theo chương trình khuyến công của Trung tâm Phát triển công thương Vĩnh Phúc, Công ty TNHH phát triển công nghệ cao Minh Anh đã tiến hành đầu tư máy sấy thăng hoa đông trùng hạ thảo với công suất 10kw, năng suất khô 24 lít/mẻ sấy. Nhờ áp dụng công nghệ này, năng suất sản phẩm đã tăng từ 4.000 lên 6.000 hộp/tháng. Mức doanh thu được ghi nhận đạt hơn 156 triệu đồng/tháng, tương đương 1,9 tỷ trong năm đầu tiên và dự báo tăng ổn định 20%/năm trong những năm tiếp theo. 
Công ty TNHH phát triển công nghệ cao Minh Anh ứng dụng dây chuyền công nghệ hiện đại trong sản xuất, chế biến các sản phẩm đông trùng hạ thảo (Ảnh: vinhphuc.gov.vn/)
So với phương thức sấy truyền thống, sấy thăng hoa có ưu điểm vượt trội giúp nguyên liệu được bảo quản trong trạng thái khô hoàn toàn, tránh bị ẩm mốc trong thời gian dài, khi sử dụng được phục hồi nguyên vẹn như trạng thái tươi mới ban đầu.
Bà Mai Thị Hồng, Giám đốc Công ty TNHH phát triển công nghệ cao Minh Anh cho biết: Công ty đã đầu tư máy hấp khử trùng, buồng cấy vô trùng, phòng nuôi được kiểm soát nhiệt độ - độ ẩm... bảo đảm từng giai đoạn sinh trưởng của đông trùng hạ thảo; nhân giống, nuôi cấy và sản xuất thành công nhiều dòng sản phẩm chế biến từ đông trùng hạ thảo. Hiện sản phẩm của doanh nghiệp đã thâm nhập khắp các tỉnh miền Bắc và được người tiêu dùng đánh giá cao.
Ngoài hai doanh nghiệp kể trên, tại tỉnh Vĩnh Phúc còn có hơn 9.500 doanh nghiệp đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Tuy nhiên, điểm chung của các doanh nghiệp này là chưa mạnh dạn ứng dụng công nghệ số, tự động hóa trong sản xuất dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Điều này đã được thể hiện rõ trong đợt dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí đi đến bước phá sản. Do đó, trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, các doanh nghiệp buộc phải thay đổi phương thức sản xuất bằng cách áp dụng, cải tiến và làm chủ công nghệ tự động hóa.
Để hỗ trợ cho mục tiêu này và giúp doanh nghiệp khai thác hiệu quả lợi thế các Hiệp định Thương mại tự do đem lại, tỉnh Vĩnh Phúc cam kết thời gian tới sẽ nỗ lực tạo mọi điều kiện, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Đặc biệt, tỉnh sẽ dành phần ngân sách gần 60 tỷ đồng của giai đoạn 2020  - 2025 hỗ trợ 50% chi phí cho doanh nghiệp thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số để tự động hóa, nâng cao hiệu quả quy trình kinh doanh, quy trình công nghệ. 
Giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn tỉnh có 143 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoạt động trong các lĩnh vực gia công cơ khí, xây dựng, chế biến nông, lâm, thủy sản, mộc mỹ nghệ, mộc dân dụng... được Trung tâm Phát triển công thương hỗ trợ với tổng kinh phí 14 tỷ đồng xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Việc chủ động ứng dụng công nghệ tự động hóa trong sản xuất kinh doanh đã giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng doanh thu và khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế. Hiện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tham gia xuất khẩu vào 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung ở các thị trường lớn như: Mỹ, Trung Quốc, EU, Nga, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc... với giá trị xuất khẩu hàng hóa năm 2022 đạt gần 15 tỷ USD, tăng 21% so với năm trước đó.
Trường Quang

Cùng chuyên mục

Hơn 500 doanh nghiệp tham gia Diễn đàn và Triển lãm quốc tế Đô thị thông minh châu Á lần 3

22/04/2024 - 08:40

Từ ngày 17/4 đến 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Exporum Việt Nam phối hợp cùng Hội Tự động hóa Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam, Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số đồng tổ chức Diễn đàn và Triển lãm Quốc tế Đô thị thông minh châu Á - Smart City Asia 2024 lần 3 với chủ đề Công nghệ Số và Công nghệ Xanh trong phát triển đô thị thông minh.

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 2
  • 8
  • 8
  • 9
  • 3
  • 5