Xác định chuyển đổi số (CĐS) là nhiệm vụ quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua tỉnh Thanh Hoá đã chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt về nhiệm vụ CĐS. Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động của các cấp, các ngành và sự tham gia của toàn dân, đến nay công tác CĐS trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực.
Năm 2023, tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức 05 sự kiện hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia được tập trung vào các hoạt động mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp và thúc đẩy, quảng bá để toàn dân sử dụng sản phẩm, dịch vụ số Việt Nam. Đồng thời, công tác truyền thông thúc đẩy quá trình chuyển đổi số luôn được các cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm thực hiện, được triển khai đồng bộ từ đầu tư hạ tầng, đổi mới nội dung, hình thức, tần suất tuyên truyền, đa dạng các phương thức truyền thông, từ hệ thống truyền thanh cơ sở đến trang/cổng thông tin điện tử và sử dụng các nền tảng mạng xã hội để thực hiện việc phổ biến, tuyên truyền.
Các thông tin về chuyển đổi số liên tục được cập nhật trên trang https://chuyendoiso.thanhhoa. gov.vn (Ảnh chụp màn hình)
Trang thông tin chuyển đổi số của tỉnh (https://chuyendoiso.thanhhoa. gov.vn) đã đưa được 127 tin bài, thu hút được khoảng 1.861.035 lượt người theo dõi và là kênh thông tin chính thống để cập nhật và đưa thông tin về chuyển đổi số phục vụ cán bộ, công chức, viên chức, Tổ công nghệ số cộng đồng, người dân và doanh nghiệp (về các chính sách pháp luật, sáng kiến, cách làm). Trang thông tin điện tử của các đơn vị đã đưa được 685 tin, bài và phát lại trên hệ thống đài truyền thanh là 2.137 lượt tin2 để tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ quan, đơn vị tiếp tục được quan tâm đầu tư đồng bộ, hiện đại từ cấp tỉnh đến cấp xã nhằm phục vụ tốt công tác chuyên môn, chuyển đổi số; 100% cán bộ, công chức được trang bị thiết bị CNTT; 100% các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh có hạ tầng mạng LAN, kết nối Internet đảm bảo thông suốt, an toàn để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. 100% các hệ thống thông tin của cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện chuyển đổi sang IPv6; người dùng thực hiện truy cập song song cả 02 dải địa chỉ (địa chỉ IPv4 và IPv6) trên môi trường mạng.
Ông Đỗ Hữu Quyết - Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông, Phó Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thanh Hoá cho biết, tỉnh đặc biệt quan tâm đến đầu tư, phát triển hạ tầng trong chuyển đổi số; Thanh Hóa xác định xây dựng chính quyền số giúp phát triển kinh tế số, xã hội số. Trong chính quyền số tập trung nâng cao dịch vụ công mức độ 3-4 để phục vụ người dân, doanh nghiệp; nâng cao mức độ hài lòng đối với người dân doanh nghiệp với việc thực hiện dịch vụ nhà nước cung cấp.
Phát triển dữ liệu số
Dữ liệu số đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình thực hiện chuyển đổi số; do đó, các ngành, các đơn vị đã thực hiện số hóa, phát triển dữ liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) của các cơ quan, đơn vị và tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu; khai thác dữ liệu phục vụ cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công, nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành của các cơ quan, đơn vị và hỗ trợ trong công tác ra quyết định của các cơ quan giúp nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành của các cơ quan, đơn vị.
Việc tạo lập, kết nối, chia sẻ dữ liệu giúp người dân, doanh nghiệp không phải kê khai, cung cấp thông tin nhiều lần; Cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan nhà nước không phải nhập lại thông tin khi thao tác nghiệp vụ trên nhiều phần mềm; việc khai thác các dữ liệu dùng chung sẽ làm giảm việc đầu tư trùng lặp, gây lãng phí và cho phép cung cấp dữ liệu mở ra bên ngoài phục vụ khu vực tư xây dựng, phát triển hệ sinh thái ứng dụng, dịch vụ mới cho xã hội
Công an thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh, Thanh Hoá hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng trên điện thoại di động. (Ảnh: Báo Thanh Hoá)
Năm 2023, cổng Dữ liệu mở của tỉnh (https://opendata.thanhhoa.gov.vn) đã được đưa vào triển khai, sử dụng với 234 CSDL mở của 15 lĩnh vực (Giáo dục; Thông tin và Truyền thông; Giao thông vận tải; Khoa học và Công nghệ; Kinh tế; Lao động; Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp; Tài chính; Văn hóa du lịch; Xã Hội; Xây dựng; Y tế sức khỏe; Công nghiệp; Nông thôn mới) nhằm chia sẻ, công khai các dữ liệu mở phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và công khai, minh bạch thông tin của các cơ quan chính quyền cho người dân, doanh nghiệp.
Nhờ đó, đối với nhiều người dân tỉnh Thanh Hoá chuyển đổi số không còn là chuyện xa lạ mà hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày. Chuyển đổi số giúp người dân thuận tiện rất nhiều khi thực hiện những thủ tục hành chính tại các cơ quan nhà nước, bệnh viện.
"Đòn bẩy" phát triển kinh tế - xã hội
Xác định chuyển đổi số lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm và là đối tượng thụ hưởng kết quả mà chuyển đổi số mang lại; thời gian qua các cấp ủy, chính quyền tỉnh Thanh Hoá đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển xã hội số và kinh tế số.
Hiện, 100% nhà văn hoá, thôn khu phố, các điểm du lịch được lắp đặt Wifi miễn phí. Đoàn Thanh niên đã hỗ trợ xây dựng mã QR Code tại các điểm du lịch (Đền Sòng Sơn, đền Chín Giếng, Chùa Khánh Quang, Khu di tích Lam Kinh, Khu du lịch Pù Luông; đền Trần, đền cô Bơ….) phục vụ du khách tra cứu, tìm hiểu thông tin về các điểm du lịch, du lịch tâm linh trên địa bàn các huyện. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện việc chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội; 100% đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội (đã đăng ký tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản Mobile money...).
Kinh tế số cũng đã bước đầu đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh, tỷ trọng đóng góp kinh tế số của tỉnh trong tổng quy mô nền kinh tế đạt 8,28%17 . Việc phát triển kinh tế số đã thay đổi hoàn toàn nhận thức, cách làm truyền thống của doanh nghiệp, người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm từ bó hẹp trong địa bàn, trong huyện, trong tỉnh ra ngoài tỉnh.
Có thể thấy kết quả bước đầu về chuyển đổi số ở tỉnh Thanh Hoá là những tín hiệu tích cực, đáp ứng tốt hơn yêu cần thiết yếu của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong thời gian tới Thanh Hoá cần tiếp tục triển khai và thực hiện quyết liệt hơn nữa những giải pháp chuyển đổi số, đặc biệt là sự thay đổi trong nhận thức và tham gia tích cực từ người dân, doanh nghiệp, cùng đồng hành trong thực hiện chuyển đổi số để đạt kết quả cao hơn.
Minh Khuê