Thứ năm, 02/05/2024 | 12:04 - GMT+7

Công bố bản đồ công nghệ lĩnh vực thông tin và truyền thông

Bộ Thông tin và Truyền thông là Bộ, ngành đầu tiên nghiên cứu và công bố 8 bản đồ công nghệ cho tất cả các lĩnh vực quản lý của Bộ.

20/10/2023 - 08:33
Công bố 8 bản đồ công nghệ các lĩnh vực
Ngày 9/10, tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý III/2023 với các đối tượng quản lý tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố Bản đồ công nghệ lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý III với các đối tượng quản lý
Việc xây dựng và công bố bản đồ công nghệ là để các cơ quan quản lý nhà nước sử dụng làm công cụ hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, lập chiến lược mang tính dẫn dắt, xây dựng các kế hoạch triển khai từ ngắn hạn đến trung và dài hạn phù hợp với sự phát triển của công nghệ gắn với chiến lược phát triển ngành và lĩnh vực; hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp trong việc đưa ra quyết định về ứng dụng, triển khai công nghệ mới, tránh đầu tư quá sớm hoặc quá muộn khi công nghệ đã lỗi thời.
Sau 3 tháng nghiên cứu, 11 đơn vị của Bộ đã xây dựng được phiên bản đầu tiên của 8 bản đồ công nghệ cho lĩnh vực thông tin và truyền thông gồm: Viễn thông, Bưu chính, Báo chí, Xuất bản, Chính phủ số, An toàn thông tin, Đại học số, Công nghệ số.
Ông Nguyễn Khắc Lịch, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Bản đồ công nghệ sẽ là công cụ hỗ trợ quản lý, dự báo, dẫn dắt, quyết định lựa chọn chấp nhận, ứng dụng, đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ một cách tối ưu, đạt hiệu quả cao nhất.
Bản đồ công nghệ sẽ giúp các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trả lời ba câu hỏi mang tính sống còn: Các xu hướng lớn nào ảnh hưởng tới ứng dụng công nghệ số trong năm nay? Các công nghệ số nào có tiềm năng cân bằng giữa giá trị và rủi ro? Các công nghệ số mới nổi nào nên thận trọng khi triển khai?.
Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Thành Phúc cho hay, Bản đồ công nghệ viễn thông là tài liệu dẫn hướng trong những năm tới cho công tác xây dựng chiến lược, kế hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, phát triển năng lực đo lường trong lĩnh vực viễn thông. Bản đồ giúp các doanh nghiệp viễn thông lập kế hoạch thay đổi công nghệ, tránh các công nghệ lạc hậu. Các nhà khoa học, nhà quản lý, kỹ sư có thể tham khảo bản đồ công nghệ phục vụ các mục tiêu khác.
Giải quyết "bài toán" tránh đầu tư vào công nghệ lỗi thời
Theo ông Lã Hoàng Trung, Vụ trưởng Vụ Bưu chính, bản đồ công nghệ lĩnh vực bưu chính gồm 21 công nghệ ứng dụng có ảnh hưởng quan trọng trong lĩnh vực Bưu chính. Trong đó, trong vòng 2-5 năm tới, Vụ Bưu chính sẽ định hướng ứng dụng một số công nghệ để phát triển ngành và lĩnh vực, như: Tủ giao nhận hàng thông minh, máy bay không người lái, hợp đồng thông minh...
Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chuyển đổi số Quốc gia Nguyễn Phú Tiến nhận định, xây dựng chính phủ số là một lĩnh vực mới, chúng tôi rất khó khăn trong việc định hướng lựa chọn công nghệ. Thông qua bản đồ công nghệ lĩnh vực chính phủ số, chúng tôi đã có định hướng giúp các doanh nghiệp, cơ quan tổ chức giải quyết được bài toán tránh đầu tư vào các công nghệ lỗi thời, công nghệ có dòng đời ngắn, công nghệ đắt đỏ nhưng ít mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.
"Ví dụ trong 2-5 năm tới, chúng tôi có thể lựa chọn các công nghệ như xác thực phân tán, micro-service, thị giác máy tính trong chính phủ số, điện toán đám mây lai” - ông Nguyễn Phú Tiến nói.
Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin Trần Đăng Khoa cho rằng, với vị thế là một quốc gia top 25 thế giới về an toàn, an ninh mạng, bản đồ công nghệ An toàn thông tin gồm 159 công nghệ giữ vai trò hết sức quan trọng.
Việc phân tích chi tiết về mức độ ảnh hưởng, trưởng thành và kỳ vọng của từng công nghệ là một công cụ hữu ích, hỗ trợ đắc lực cho cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong việc đưa ra các quyết định chiến lược nhằm phát triển sản phẩm Make in Việt Nam, hướng tới tầm nhìn Việt Nam là quốc gia tự chủ về an toàn, an ninh mạng theo Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia.
Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông nhận xét, Bản đồ công nghệ số dự báo sự phát triển của những công nghệ số mới nổi có tầm ảnh hưởng quan trọng đến ngành công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) Việt Nam, gồm 25 công nghệ.
Các công nghệ này được dự báo có tác động lớn đến cách thức tạo ra sản phẩm và cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin trong vòng 2 năm đến 10 năm tới. "Quốc gia nào càng chủ động trong việc tiếp thu và áp dụng các công nghệ này vào các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin sẽ càng có khả năng cạnh tranh, chống chịu tốt hơn trong thời kỳ mới” - ông Nguyễn Thiện Nghĩa bày tỏ.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Bản đồ công nghệ là cố gắng của Bộ Thông tin và Truyền thông trong nhiều năm qua. Các doanh nghiêp trong ngành cũng chưa xây dựng được bản đồ công nghệ vì còn bận bịu việc kinh doanh.
Bộ trưởng chỉ đạo gửi trực tiếp bản đồ công nghệ Bộ vừa công bố cho một số đơn vị lớn trong ngành, các đơn vị này áp dụng vào hoạt động của mình, trên cơ sở đó đánh giá mình đang ở đâu. Sau đó, gửi lại kết quả về cho Vụ Khoa học và Công nghệ để tổng hợp, đánh giá và tư vấn.
Nguồn: Báo Công Thương

Cùng chuyên mục

Hơn 500 doanh nghiệp tham gia Diễn đàn và Triển lãm quốc tế Đô thị thông minh châu Á lần 3

22/04/2024 - 08:40

Từ ngày 17/4 đến 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Exporum Việt Nam phối hợp cùng Hội Tự động hóa Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam, Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số đồng tổ chức Diễn đàn và Triển lãm Quốc tế Đô thị thông minh châu Á - Smart City Asia 2024 lần 3 với chủ đề Công nghệ Số và Công nghệ Xanh trong phát triển đô thị thông minh.

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 3
  • 1
  • 0
  • 2
  • 4
  • 6