Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 199 tổ chức sử dụng tài khoản OA Zalo để thông tin tuyên truyền cho người dân. Trong đó, một số tài khoản có nhiều nội dung về Chuyển đổi số Quốc gia để người dân tiện theo dõi.
Năm 2022, thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTG ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh Bình Dương đã tăng cường thực hiện các giải pháp để đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trên tất cả các phương diện: nhận thức số; thể chế số; nhân lực số; hạ tầng số; dữ liệu và nền tảng số; an toàn thông tin mạng, chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Cụ thể, để nâng cao nhận thức của người dân về chuyển đổi số, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 5212/KH-UBND ngày 06/10/2022 về tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đối số quốc gia năm 2022 trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Tỉnh đã lấy ngày 10/10 hàng năm là “Ngày Chuyển đổi số tình Bình Dương”.
Bình Dương đẩy mạnh chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực (Ảnh: vietnamnet.vn)
Bên cạnh đó, tăng cường thực hiện các nội dung truyền thông, tuyên truyền về Chuyển đổi số trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh như Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương, Báo Bình Dương,.. giúp các cơ quan quản lý nhà nước, người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả của chuyển đổi số, tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại nhằm hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các tiện ích, dịch vụ số an toàn, hiệu quả.
Đặc biệt, tỉnh Bình Dương đã đẩy mạnh truyền thông về Chuyển đổi số trên nền tảng mạng xã hội Zalo. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 199 tổ chức sử dụng tài khoản OA Zalo để thông tin tuyên truyền cho người dân. Trong đó, tài khoản OA Zalo Binh Duong SmartCity của Cổng Thông tin điện tử Bình Dương có số lượng người quan tâm nhiều nhất với 524.694 người. Đến nay, Binh Duong SmartCity đã tuyên truyền 1.360 tin, bài, Infographic, video; trong đó có 117 tin, bài, Infographic, video liên quan đến Chuyển đổi số. Binh Duong SmartCity cũng kết nối thông tin tới OA Zalo Chuyển đổi số của Quốc gia để người dân tiện theo dõi.
Về thể chế số, năm 2022 tỉnh Bình Dương đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác chuyển đổi số như Kế hoạch Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh năm 2022; Triển khai lắp đặt camera giám sát, điều hành giao thông, an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh; Hỗ trợ thúc đẩy chuyển đối số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh,...
Về Nhân lực số, triển khai thực hiện các khoá đào tạo, bồi dưỡng về chuyển đổi số do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, với số lượng là 666 người tham dự. Cũng trong năm 2022, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho gần 100 cán bộ, công chức, viên chức về chuyển đổi số, quản lý dự án công nghệ thông tin.
Ngoài ra, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội thảo triển khai, tập huấn công tác chuyển đổi số năm 2022 cho cán bộ viên chức phụ trách công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh; Tổ chức Hội thảo hướng dẫn xây dựng và triển khai bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; Hội nghị bồi dưỡng, tạp huấn kỹ năng số cộng đồng cho thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng;...
Về Hạ tầng số, đã đạt nhiều bước tiến nhảy vọt so với năm trước, trong đó đáng ghi nhận nhất là việc hình thành một phần hạ tầng mạng Internet vạn vật (IOT) để truyền tải dữ liệu camera và IoT. Trong thời gian tới, hạ tầng sẽ được mở rộng quy mô, phạm vi khi nhu cầu phát triển.
Việc phát triển hạ tầng số cũng phần nào hỗ trợ cho công tác quản lý dữ liệu số và nền tảng số đạt được những kết quả nhất định. Tính đến hết năm 2022, đã kết nối và chia sẻ 17 hệ thống thông tin/ cơ sở dữ liệu của bộ, ngành , doanh nghiệp thông qua trục dữ liệu quốc gi. Dữ liệu dân cư theo Đề án 06 đã được kết nối, khai thác trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh.
Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) Bình Dương (Ảnh: binhduong.gov.vn)
Các ứng dụng nền tảng của chính quyền điện tử đang dần được xây dựng hoàn thiện giúp từng bước hiện thực hoá các thành phần trong kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh, với trục kết nối dữ liệu nội tỉnh. Hiện tại có khoảng trên 90 phần mềm nội bộ đang được triển khai. Ngoài ra, tỉnh đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 việc thu thập, cập nhật và bổ sung dữ liệu thông tin địa chỉ số nhà cho 286.947 đối tượng. Các địa chỉ số này được gắn với bản đồ VMAP và NDAS nên các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh có thể tra cứu địa chỉ số của mình thông qua nền tảng này.
Về an toàn thông tin mạng, công tác đảm bảo an toàn thông tin trong các cơ quan, đơn vị tiếp tục được duy trì ổn định. Đến nay, hầu hết các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện đã được trang bị các giải pháp an toàn thông tin như: tường lửa, phần mềm lọc thư rác, phần mềm bảo mật, diệt vi rút, hệ thống cảnh báo truy cập trái phép. Hệ thống mạng cấp xã đã được trang bị thiết bị tường lửa cho 100% UBND cấp xã.
Trong năm 2022, Sở Thông tin và Truyền thông đã thực hiện tốt vai trò là đơn vị đấu nối mạng lưới ứng cứu an toàn thông tin mạng quốc gia, phối hợp chia sẻ cảnh báo về các thông báo, lỗ hổng bảo mật, mã độc từ Cục An toàn thông tin, Trung tâm Giám sát an toàn thông tin quốc gia đến các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Tham gia tập huấn, diễn tập xử lý sự cố an toàn thông tin mạng qua hình thức trực tuyến, diễn tập quốc tế APCERT.
Về Chính quyền số, tỉnh Bình Dương đã thực hiện thí điểm mô hình hợp nhất cổng dịch vụ công trực tuyến với hệ thống thông tin một cửa điện tử thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh. Tỉnh đã triển khai 23/25 dịch vụ công thiết yếu và đang cung cấp 1932 dịch vụ công trực tuyến của cấp tỉnh, huyện, xã. Tổng số dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ và phát sinh hồ sơ trực tuyến tương ứng là 681 và 545, đạt 94% tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến.
Về Kinh tế số, trong năm 2022 tỉnh đã ban hành các kế hoạch: Hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh; Triển khai nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp đã chủ động chuyển đổi số, liên kết mở rộng quy mô, đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu cho sản xuất.
Nhiều doanh nghiệp ngành chế biến gỗ tại Bình Dương nỗ lực chuyển đổi số để tăng năng suất và hiệu quả quản lý (Ảnh: Báo Bình Dương)
Nhờ đó, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 8.9% so với năm trước. Hoạt động thương mại và dịch vụ phục hồi nhanh ở tất cả các ngành; nguồn cung hàng hoá dồi dào tại các siêu thị và chợ truyền thống, đảm bảo phục vụ đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dân; chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát. Kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ, thặng dư thương mại đạt gần 10 tỷ đô la Mỹ, thu hút đầu tư nước ngoài vượt 71% kế hoạch năm.
Về Xã hội số, để hỗ trợ người dân tham gia chuyển đổi số, Tỉnh đoàn đã tổ chức triển khai và thành lập 101 đội hình thanh niên tình nguyện với 771 cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên, hội viên, sinh viên, người lao động hiện đang học tập, công tác tại các công ty, doanh nghiệp, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trong và ngoài tỉnh quan tâm, tham gia chương trình.
Kết quả, từ ngày 01/01/2022 đến ngày 30/11/2022, lực lượng tình nguyện viên tại Trung tâm Hành chính công tỉnh đã hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên 35.227 lượt. Riêng tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công/ Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã, tính đến ngày 30/11/2022 đã hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến đạt trên 558.432 lượt.
Nhằm phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được, năm 2023 Bình Dương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp. Đồng thời phát triển các mô hình kết hợp giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp; Nghiên cứu hợp tác để làm chủ, ứng dụng hiệu quả các công nghệ; Thu hút nguồn lực công nghệ thông tin cũng như tăng cường hợp tác quốc tế để hoàn thiện các mục tiêu chuyển đổi số.
Tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; phấn đấu phát triển kinh tế số với giá trị đạt được chiếm khoảng 30% GRDP vào năm 2025, đến năm 2030 trở thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của cả nước, đến năm 2045 trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của khu vực châu Á. |
Tố Uyên