Thứ hai, 29/04/2024 | 00:07 - GMT+7

Việt Nam hướng đến tăng trưởng kinh tế số đặt ra 25-30%/năm

Vừa qua, Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi đã tổ chức Phiên họp chuyên đề lần thứ 2, kết nối trực tuyến tới 63 điểm cầu trong cả nước với chủ đề: "Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực". Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng (Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số) chủ trì điểm cầu trung ương; tại đầu cầu Đà Nẵng, Phó chủ tịch UBND TP Lê Quang Nam chủ trì cùng với sự tham gia lãnh đạo của các sở, ngành liên quan.

06/09/2023 - 13:47
Số liệu ước tính sơ bộ của Bộ TT-TT tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trên GDP năm 2022 là 14,26% (tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 20%/năm - cao gấp khoảng 3 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP 2022), trong đó kinh tế số ICT vẫn là trụ cột đóng góp chính với tỷ trọng đóng góp 9,02% GDP và kinh tế số các ngành, các lĩnh vực khác là 5,24%.
Trong hoạt động kinh tế số ICT, hoạt động sản xuất phần cứng, thiết bị điện tử, quang học đang có đóng góp nhiều nhất hiện nay với 58,58% tổng giá trị kinh tế số ICT. Về quy mô kinh tế số ICT, Hà Nội, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thái Nguyên là nhóm 5 tỉnh, thành phố có đóng góp cho kinh tế số ICT cao nhất (chiếm gần 65% kinh tế số ICT của cả nước). Đặc điểm chung của nhóm này là môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút được các tập đoàn, công nghệ lớn nước ngoài đến đầu tư, hoạt động tại Việt Nam.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Đà Nẵng.
Từ góc nhìn quốc tế, Việt Nam có được lợi thế về gia công chi phí rẻ (chi phí lao động của Việt Nam tương đối thấp so với các quốc gia khác) và là quốc gia có sự ổn định kinh tế xã hội, khả năng phục hồi Covid-19 cao. Về tốc độ tăng trưởng, nhóm hoạt động ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhất trong năm 2022 là hoạt động lập trình máy vi tính, dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan đến máy vi tính, xuất bản phần mềm, hoạt động dịch vụ thông tin. TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Khánh Hòa là nhóm 5 tỉnh, thành phố có doanh thu của các doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính là lập trình máy tính, dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan đến máy vi tính cao nhất cả nước.
Công tác phát triển kinh tế số của Đà Nẵng đã đạt một số kết quả bước đầu. Kinh tế số có đóng góp đáng kể vào cơ cấu GRDP thành phố, năm 2021 chiếm tỷ trọng 12,57% GRDP thành phố, năm 2022 chiếm tỷ trọng 19,76% tổng GRDP thành phố. Ngành công nghiệp CNTT có tốc độ tăng trưởng cao (bình quân trên 20%/năm), dần khẳng định là một trong những ngành kinh tế quan trọng của thành phố. Đà Nẵng đã 3 năm liên tiếp xếp hạng Nhất về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh và dẫn đầu cả 3 trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số.
Doanh nghiệp công nghệ số TP Đà Nẵng có nhiều sản phẩm chủ lực và đạt giải thưởng lớn, như: Nền tảng Cảng Chuyển đổi số ePort và Giải pháp tự động hóa ứng dụng công nghệ RPA của Công ty Irtech đạt Giải thưởng Sao Khuê 2022; Nền tảng chuyển đổi số ngành dệt may của Công ty Retex là 1 trong 5 sản phẩm đạt Giải thưởng Viet Solutions 2022. Bốn sản phẩm được trao Giải thưởng Sản phẩm Make in Viet Nam năm 2022, gồm: Giải pháp Green Data của Công ty Cổ phần CNTT Toàn cầu Xanh; Giải pháp ERP của Công ty CP Phần mềm quản lý Doanh nghiệp; Sản phẩm công-tơ điện tử và Trạm sạc nhanh cho ô-tô điện của Tổng công ty Điện lực miền Trung. Sản phẩm Sàn thương mại điện tử Selly của Công ty TNHH Selly đạt Giải thưởng Sao Khuê năm 2023.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, để đạt mục tiêu kinh tế số chiếm tối thiểu 20% vào năm 2025 như Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra, ước tính kinh tế số phải tăng trưởng gấp 3 đến 4 lần tăng trưởng GDP, đạt từ 20 - 25%/năm. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, thách thức, cần có giải pháp đột phá mới có thể đạt được.
Phiên họp đưa ra một số khó khăn và giải pháp quan trọng tập trung ở các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, nông nghiệp, logistics và dệt may, tăng cường dùng chung dữ liệu để tối ưu hóa hoạt động và phát triển các mô hình kinh doanh mới và thúc đẩy sử dụng các nền tảng số dùng chung quốc gia, gồm bộ chủ quản, Bộ TT-TT, doanh nghiệp và địa phương… Từ đây, Bộ TT-TT sẽ xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, cùng với Bộ chủ quản ngành, lĩnh vực xác định vai trò, vị trí pháp lý của các nền tảng số, giám sát góp phần đảm bảo kinh tế số Việt Nam phát triển bền vững, lành mạnh.
Nguồn: cadn.com.vn/

Cùng chuyên mục

Cần chính sách đột phá phát triển ngành công nghiệp bán dẫn

22/04/2024 - 08:40

Theo các chuyên gia, để nắm bắt cơ hội phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, cần có cơ chế, chính sách đột phá như: Hỗ trợ học phí, các ưu đãi về đất đai để xây dựng các cơ sở nghiên cứu, sản xuất và đào tạo...

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 2
  • 7
  • 6
  • 9
  • 6
  • 2