Thứ bảy, 27/04/2024 | 20:45 - GMT+7

Bình Dương: đổi mới sáng tạo phát triển nhà máy thông minh

Đổi mới sáng tạo, phát triển nhà máy sản xuất thông minh là vấn đề đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của tỉnh Bình Dương và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Kết quả của quá trình triển khai sẽ giúp công nghiệp Bình Dương đi theo hướng phát triển xanh, bền vững

28/06/2023 - 08:21
Bình Dương là một trong những tỉnh thành dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp, với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn công nghiệp, công nghệ lớn đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Bình Dương xác định phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng để kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững. Trong đó, đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ hàng đầu được các cấp, các ngành và doanh nghiệp tỉnh quan tâm thực hiện. 
Ngay từ năm 2016, khi những yêu cầu về ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để phục vụ công nghiệp 4.0 bắt đầu bùng nổ, tỉnh Bình Dương đã xây dựng "Đề án thành phố thông minh Bình Dương" dựa trên mô hình liên kết ba nhà (nhà nước, nhà nghiên cứu/viện/trường, nhà doanh nghiệp). Đồng thời kêu gọi thu hút nguồn nhân lực và doanh nghiệp đến đầu tư. Trên cơ sở đó, nhiều doanh nghiệp đã tìm đến liên kết với Bình Dương xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà máy sản xuất nhằm tận dụng những lợi thế, ưu đãi riêng của tỉnh. 
Doanh nghiệp tự chuyển đổi
Tại nhà máy Takako Việt Nam, nhận thấy đổi mới sáng tạo là yêu cầu cấp thiết để nâng cao hiệu quả sản xuất, giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất; doanh nghiệp đã triển khai xây dựng các kế hoạch, xem xét việc áp dụng sản xuất thông minh vào dây chuyền sản xuất, tạo sức cạnh tranh.
Ông Lê Duy Nhất Luận, Giám đốc sản xuất Công ty Takako Việt Nam (KCN VSIP I) khẳng định sản xuất và tăng trưởng bền vững dựa vào chuyển đổi số đang là xu hướng của nhiều doanh nghiệp trên toàn thế giới. Để đáp ứng nhu cầu này, Công ty Takako đang hướng đến việc xây dựng doanh nghiệp trở thành nhà máy thông minh, áp dụng các thành quả của khoa học kỹ thuật vào hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhà máy. 
Dây chuyền sản xuất nhà máy Takako Việt Nam (Ảnh: baobinhduong.vn/)
Bằng việc kết nối các máy móc, thiết bị, các công đoạn sản xuất, cùng các bộ phận khác bằng công nghệ số, sử dụng trí tuệ nhân tạo và internet kết nối vạn vật (IoT) làm nền tảng chính để điều khiển toàn bộ quá trình sản xuất, năng suất lao động tại công ty đã được cải thiện 2,5 lần so với trước. 
“Tại nhà máy, các hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo luôn được các cấp lãnh đạo quan tâm chú trọng. Năm 2017, một nhóm kỹ sư của công ty đã nghiên cứu và phát triển thành công dây chuyền tự động hóa, có khả năng nâng cao năng suất gấp đôi nhưng giảm 15/16 lao động so với dây chuyền cũ. Thành quả nghiên cứu này đã được Takako Việt Nam ứng dụng trực tiếp hoạt động sản xuất của nhà máy và được tập đoàn mẹ mua lại, đưa vào sử dụng tại 86 nhà máy trên khắp thế giới” - ông Lê Duy Nhất Luận chia sẻ.
Địa phương cùng đồng hành
Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, khẳng định cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra những biến số khó lường, yêu cầu chuỗi cung ứng và hàm lượng công nghệ trong sản xuất ngày càng cao. Để phù hợp những yêu cầu mới, Bình Dương đã và đang phát triển một hệ sinh thái kiểu mới, bổ sung cho mô hình công nghiệp – đô thị – dịch vụ. Đó là xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ, xây dựng các khu công nghiệp thông minh, đô thị thông minh, xanh, bền vững. Tiến tới xây dựng các khu công nghiệp gắn liền với khoa học công nghệ, thu hút các ngành có giá trị gia tăng cao, đưa nền công nghiệp Bình Dương đi lên phân khúc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, từng bước xây dựng động lực phát triển kinh tế mới, thay thế cho thâm dụng lao động và thâm dụng đất đai.
Phối cảnh Khu công nghiệp công nghệ cao VSIP III mới được tỉnh Bình Dương thông qua (Ảnh: nld.com.vn/)
Tại Diễn đàn "Bình Dương đổi mới sáng tạo trong sản xuất 2023” được tổ chức mới đây, ông Giang Quốc Dũng - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC cho biết, với vai trò là nhà phát triển bất động sản công nghiệp và đô thị hàng đầu Việt Nam, Becamex IDC đã cùng tỉnh Bình Dương xây dựng các định hướng phát triển khu công nghiệp khoa học công nghệ, trong đó tập trung nhiều dự án, nhà máy sản xuất thông minh. 
“Chúng tôi đã và đang triển khai những chương trình chiến lược đi đúng với mục tiêu phát triển bền vững. Thúc đẩy việc tập trung mạnh mẽ vào những định hướng mang tính chiến lược về phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo, ứng dụng sâu rộng vào công nghệ - kỹ thuật số, trên cơ sở lấy cộng đồng làm trọng tâm, lấy kết nối thông minh làm phương châm phát triển; sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong sản xuất, phát triển công nghiệp 4.0, tạo môi trường sống xanh - sạch hơn. Từ đó tạo tiền đề cho việc thu hút DN công nghệ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao” - ông Giang Quốc Dũng khẳng định.
Hiện nay Bình Dương là một trong những tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế - xã hội, phát triển công nghiệp và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đây chính là động lực để Bình Dương và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện lộ trình phát triển hệ sinh thái công nghiệp, thúc đẩy phát triển và tăng trưởng theo các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong đó có mục tiêu tăng cường đổi mới sáng tạo, xây dựng nhà máy sản xuất thông minh, khu công nghiệp xanh, bền vững.
Quang Ngọc

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 2
  • 6
  • 5
  • 0
  • 4
  • 4