Chủ nhật, 28/04/2024 | 03:33 - GMT+7

Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam: Cơ hội gia nhập thị trường nghìn tỷ USD

Nguồn nhân lực năng động, tính sáng tạo cao, cạnh tranh về giá là những thế mạnh cũng như tiền đề để doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng ở thị trường quốc tế.

07/04/2023 - 14:55
Nguồn nhân lực năng động, tính sáng tạo cao, cạnh tranh về giá là những thế mạnh cũng như tiền đề để doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng ở thị trường quốc tế.
Thị trường không giới hạn
Sáng nay (23/2), Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị “Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới” với chủ đề “Doanh nghiệp số Việt Nam: Hợp tác số toàn cầu – Đối tác tin cậy để xây dựng Thế giới số”. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động mở đầu chiến dịch hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang kinh doanh ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài của Bộ TT&TT trong năm 2023.
Phát biểu mở đầu Hội nghị, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp ICT (Bộ TT&TT) Nguyễn Thiện Nghĩa khẳng định, thị trường công nghệ thế giới đang có rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Hiện thị trường phần mềm và dịch vụ CNTT của Việt Nam trong năm 2022 có dung lượng xấp xỉ 2 tỷ USD, tương đương với khối lượng công việc của khoảng 200.000 kỹ sư. Nhưng Việt Nam lại đang có hơn 40.000 doanh nghiệp và 550.000 kỹ sư. Do đó, thị trường trong nước đã quá nhỏ hẹp so với quy mô nhân lực ở thời điểm hiện tại, do đó việc dịch chuyển ra nước ngoài là rất cần thiết.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: "Đã tới lúc doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam mang thương hiệu Việt ra thế giới".
Cũng trong năm 2022, doanh thu xuất khẩu CNTT của Việt Nam là 2,2 tỷ USD do 1.000 doanh nghiệp và 80.000 kỹ sư thực hiện. Con số này là rất nhỏ khi tổng doanh thu của dịch vụ CNTT và phần mềm trên thế giới đang là 1.803 tỷ USD. Từ đó có thể thấy, với lượng nhân lực như hiện nay và sẽ tăng mạnh trong những năm tới, cơ hội của doanh nghiệp Việt ở quốc tế là không giới hạn và có khoảng không rất lới để phát triển.
Cũng theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, lợi thế lớn nhất mà doanh nghiệp Việt có được khi đi ra toàn cầu là nhân sự giá rẻ nhưng chất lượng cao. Nếu xét về mặt bằng thế giới, lương kỹ sư CNTT của Việt Nam chỉ bằng 1/10 nhưng chất lượng sản phẩm làm ra lại được đánh giá rất cao. Hiện Việt Nam đang xếp thứ 6 trong các quốc gia về nhân lực BPO/ITO, Top 2 điểm đến ở Đông Nam Á về xu hướng và giá IT gia công.
Từ các bài học của các thương hiệu CNTT Việt đã thành công như Viettel, FPT hay CMC, có nhiều cách để doanh nghiệp tiến ra nước ngoài. Có thể kể đến như: Đạt được thành công trong nước và sau đó tiến ra nước ngoài; Phát triển ngay tại thị trường nước ngoài dựa trên các kỹ sư người Việt đang sống và làm việc tại nước bản địa; Đầu tư thẳng vào các công nghệ mới như Blockchain, IoT …
"Để mang lại hiệu quả tổng thể khi tiến ra toàn cầu, các doanh nghiệp CNTT cần “đi cùng nhau”. Doanh nghiệp lớn dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ hơn, doanh nghiệp đi trước dẫn dắt doanh nghiệp đi sau. Bí quyết và chiến lược chinh phục thị trường thế giới của các doanh nghiệp tiên phong là những bài học quý giá, mở hướng cho các doanh nghiệp công nghệ trong nước tự tin bước ra thị trường quốc tế", Phó Cục trưởng Nguyễn Thiện Nghĩa chia sẻ.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, cùng với sự bùng nổ nhu cầu chuyển đổi số trên thế giới, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang đứng trước cơ hội trăm năm là mang tri thức, công nghệ số của Việt Nam đi mở cõi. Internet và công nghệ số ngày càng đóng vai trò quan trọng, nhưng còn khoảng 49% dân số thế giới, tức gần 4 tỷ người chưa được kết nối Internet. Đây vừa là cơ hội, vừa là trách nhiệm đóng góp cho thu hẹp khoảng cách số, xây dựng tương lai số bền vững không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới đối với doanh nghiệp Việt.
Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới không chỉ để chiếm lĩnh thị trường bên ngoài. Đi ra thế giới để cạnh tranh với các đối thủ xuất sắc nhất, mà có thể trở nên xuất sắc nhất. Và vì thế mà chúng ta đứng vững được ngay trên sân nhà, bảo vệ được vị thế trong nước, trở thành những trụ cột vững chắc cho sự phát triển bền vững của đất nước. Đã đến lúc, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn mới của lịch sử phát triển, khai phá, mở ra không gian mới, mang thương hiệu Việt Nam ra thế giới, trở thành các tập đoàn, doanh nghiệp toàn cầu, chuyển từ thị trường trong nước sang thị trường quốc tế là chính. 

Thành lập “Tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài”.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trong năm 2023, Bộ TT&TT sẽ triển khai chiến dịch tổng thể, hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang kinh doanh ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài. Bộ cùng với các cơ quan liên quan sẽ mở đường, các doanh nghiệp đã đi ra nước ngoài thành công sẽ hỗ trợ, kéo các doanh nghiệp khác cùng đi.  
Cùng nhau để đi xa, cùng nhau để tự tin hơn, an toàn hơn, hiệu quả hơn! Bộ Thông tin và Truyền thông, cùng với Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, và các Bộ, ngành liên quan, các cơ quan đại diện ngoại giao, thương mại và đầu tư của Việt Nam ở các nước, sẽ là chỗ dựa của doanh nghiệp, đồng hành và sát cánh cùng doanh nghiệp, ở bất cứ nơi đâu doanh nghiệp số Việt Nam đặt chân đến, ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
Cũng tại Hội nghị lần nay, Bộ TT&TT chính thức thành lập và ra mắt “Tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài” nhằm phối hợp các cơ quan liên quan triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đi ra nước ngoài và phát triển hoạt động kinh doanh tại nước ngoài.
Kinh nghiệm từ các “chim đầu đàn”
Nói về hành trình tiến ra quốc tế của Tập đoàn FPT trong hơn 22 năm vừa qua, Chủ tịch Trương Gia Bình khẳng định, khởi đầu là vô cùng khó khăn nhưng thành quả lại vô cùng hấp dẫn. Sau hơn 2 thập kỷ đặt bước chân đầu tiên tại thị trường Ấn Độ, đến nay FPT đã hiện diện ở 29 quốc gia, doanh số tại thị trường nước ngoài đạt 1 tỷ USD, tăng gấp 25.000 lần, với quy mô nhân lực là 27.000 người, tăng 900 lần.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình chia sẻ bài học ra nước ngoài.
Ông Trương Gia Bình chia sẻ, trong những năm 2000, khi lần đầu tiên bước ra nước ngoài với thị trường Ấn Độ, thủ phủ của phần mềm thế giới ở thời điểm đó, FPT đã gặp rất nhiều khó khăn khi 2 năm liền không ký được hợp đồng nào và tiền ngân sách dùng cho quá trình này đã hết. Niềm tin rằng người nước ngoài làm được thì người Việt cũng làm được chính là yếu tố duy nhất giúp FPT không buông bỏ sứ mệnh này.
FPT chỉ thực sự có những thành công đầu tiên khi tham gia vào thị trường Nhật với chiến lược khác biệt so với hàng loạt quốc gia khác là học tiếng Nhật để phục vụ người Nhật. Và việc học cùng làm việc bằng tiếng bản địa là yêu cầu đầu tiên mà FPT đưa ra khi xâm nhập vào các thị trường quốc tế khác.
Ở thời điểm hiện tại, trong quá trình hoạt động ở thị trường quốc tế, FPT nhận thấy công nghệ giành cho ô tô đang là mảng có tiềm năng rất lớn cho doanh nghiệp CNTT trong nước. Những công nghệ được tích hợp trên ô tô ngày càng nhiều và luôn theo kịp với các xu hướng mới của ngành công nghệ nói chung. Trong khi đó, trình độ kỹ sư của Việt Nam hoàn toàn có thể bắt kịp và thực hiện rất tốt những công nghệ này. Mảng này đã mang về cho FPT khoảng 200 triệu USD/năm.
Đưa ra lời khuyên cho cộng đồng doanh nghiệp CNTT Việt Nam, Chủ tịch Trương Gia Bình cho rằng, nếu xâm nhập quốc gia nào thì doanh nghiệp phải ở gần khách hàng như mở văn phòng đại diện ngay tại đó để nắm bắt rõ ràng nhu cầu cụ thể. Bên cạnh đó, phải nói tiếng bản địa, cho ra các sản phẩm sát với nhu cầu bản địa. Ngoài ra, thay vì nói về IT hãy nói về chuyển đổi số với các công nghệ mới như: IoT, Blockchain,… lúc đó nhiều cơ hội sẽ đến hơn.
Cũng là một trong những doanh nghiệp Việt có được thành công ấn tượng tại thị trường nước ngoài là Viettel. Bắt đầu “go global” từ 2006, đến nay Viettel đã chinh phục được 10 thị trường với doanh thu đạt gần 3 tỷ USD, tăng trưởng bình quân 25%/năm. Hiện Viettel đang dẫn đầu tại 5 quốc gia về thị phần viễn thong với với 62 triệu thuê bao di động và 10 triệu thuê bao ví điện tử.
Theo Tổng Giám đốc Viettel Tào Đức Thắng, quá trình tiến ra thị trường nước ngoài của doanh nghiệp CNTT Việt đang phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức. Có thể kể đến như khác biệt văn hóa, pháp luật hay thậm chí là sự bất ổn chính trị ở quốc gia mà doanh nghiệp tham gia đầu tư. Bên cạnh đó, hiện Việt Nam chưa có hiệp định bảo hộ đầu tư và hiệp định tránh đánh thuế 2 lần ở một quốc gia nên đã gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp Việt khi xảy ra tranh chấp pháp lý. Không chỉ vậy, doanh nghiệp thường đi ra nước ngoài đơn lẻ, không có cộng đồng doanh nghiệp đi cùng nên không tạo được sức mạnh cộng hưởng.
Đúc rút từ quá trình hoạt động tại nước ngoài của Viettel, ông Tào Đức Thắng cho rằng, doanh nghiệp Việt cần tìm hiểu văn hóa, cách làm việc cũng như thượng tôn pháp luật để hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra. Việc gắn kết với chính quyền địa phương để cùng tham gia xây dựng chính sách cho ngành đang đầu tư là rất cần thiết. Đồng thời, cần gắn lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của người dân địa phương thông qua việc phát huy trách nhiệm xã hội như triển khai các dự án internet trường học, hỗ trợ chính phủ các nước chống dịch Covid-19 …
Thông qua Hội nghị lần này, Tổng Giám đốc Viettel cũng có một số kiến nghị gửi tới Bộ TT&TT cùng Chính phủ về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt tiến ra nước ngoài. Đó là, dựa trên cơ sở của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cần có các Nghị quyết chuyên đề để thúc đẩy doanh nghiệp tiến ra nước ngoài; Hỗ trợ các doanh nghiệp lớn thành "sếu đầu đàn” để hỗ trợ các doanh nghiệp khác tạo sức mạnh cộng hưởng để cùng phát triển; Hoàn thiện các cơ sở pháp lý tại Việt Nam để có quy định cho các hoạt động của doanh nghiệp Việt tại nước ngoài như mua bán sáp nhập, thoái vốn … Nâng cao vai trò của Đảng, Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường quốc tế, giải quyết khó khăn vướng mắc khi doanh nghiệp gặp phải tại quốc gia đầu tư.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, đại diện các đơn vị như Cơ quan xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội (JETRO), Trung tâm Hợp tác CNTT Hàn Quốc (KICC), Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cũng đã đưa ra những tham vấn, giới thiệu các chương trình, lĩnh vực ưu tiên tại quốc gia mình giành cho doanh nghiệp CNTT Việt. Đồng thời khẳng định, với chất lượng nhân sự cao, có nhiều kinh nghiệm như chi phí lại cạnh tranh thì cơ hội cho doanh nghiệp Việt ở thị trường quốc tế đang là rất rộng mở. 
Theo Báo Kinh tế đô thị

Cùng chuyên mục

Hơn 500 doanh nghiệp tham gia Diễn đàn và Triển lãm quốc tế Đô thị thông minh châu Á lần 3

22/04/2024 - 08:40

Từ ngày 17/4 đến 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Exporum Việt Nam phối hợp cùng Hội Tự động hóa Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam, Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số đồng tổ chức Diễn đàn và Triển lãm Quốc tế Đô thị thông minh châu Á - Smart City Asia 2024 lần 3 với chủ đề Công nghệ Số và Công nghệ Xanh trong phát triển đô thị thông minh.

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 2
  • 7
  • 0
  • 0
  • 5
  • 1