Thứ bảy, 27/04/2024 | 00:57 - GMT+7

Công nghệ chống hàng giả bằng blockchain "Made in Vietnam"

PGS. TS. Nguyễn Đình Quân - Trường ĐH Bách Khoa, ĐH Quốc gia TP HCM cùng các cộng sự của mình đã nghiên cứu thành công công nghệ chống hàng giả bằng blockchain có tên Deep Signature.

09/03/2023 - 10:53
Nhức nhối vấn nạn mang tên "hàng giả"
Hiện nay, nạn làm hàng giả, hàng nhái, không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín của các doanh nghiệp, mà còn làm tổn hại sức khỏe và tài sản của hàng triệu người tiêu dùng hàng năm trên thế giới. Hàng giả không chỉ mạo danh các sản phẩm xa xỉ, mà cả các mặt hàng thiết yếu như dược phẩm, thực phẩm, nước uống, phần mềm máy tính, thời trang, hàng điện tử,... Trong đó, nghiêm trọng nhất, theo Tổ Chức Sức Khỏe Quốc Tế (WHO) thì 10% thuốc chữa bệnh trên thế giới, đặc biệt trong các quốc gia đang phát triển, là hàng giả. Những hoạt động phi pháp này đe dọa nghiêm trọng sức khỏe của con người, gây tổn thất kinh tế và uy tín của các doanh nghiệp chân chính.
Trong các giải pháp chống hàng giả hiện nay, bao bì mang thông tin có chức năng nhận biết thương hiệu, đánh dấu nguồn gốc của sản phẩm được xem là giải pháp đơn giản và hiệu quả nhất mà không cần phải thay đổi bất kỳ tính chất nào của hàng hóa. Thị trường công nghệ chống hàng giả in trên bao bì được ước tính sẽ đạt 188.2 tỷ USD trước năm 2025. Một phân tích khác cũng chỉ ra rằng thị trường công nghệ chống hàng giả toàn cầu đã đạt 51.8 tỷ USD trong năm 2017, và tăng trưởng trung bình 11,7%/năm từ 2018 đến 2025.
Công nghệ chống hàng giả hướng đến việc xác thực nguồn gốc của sản phẩm có thể được phân loại làm 3 nhóm giải pháp gồm: truy xuất thông tin nguồn gốc sản xuất, logistic, phân phối; định danh có thể xác thực; và xác thực điện tử. Tuy nhiên, các công nghệ này đều có nhược điểm là tốn kém, đòi hỏi phải có nhà cung cấp dịch vụ chuyên biệt cao, quy mô ứng dụng thường bị giới hạn, quá trình đăng ký phức tạp, và phải duy trì một cơ sở dữ liệu tập trung vốn có thể bị can thiệp và thay đổi (bị hack).
Xuất phát từ thực trạng này, PGS. TS. Nguyễn Đình Quân - Trường ĐH Bách Khoa, ĐH Quốc gia TP HCM cùng các cộng sự của mình đã nghiên cứu công nghệ chống hàng giả bằng blockchain có tên Deep Signature. Sản phẩm đã được nhóm đăng ký độc quyền sáng chế tại Hoa Kỳ vào tháng 10/2021.
Minh hoạ hệ thống Deep Signature (Ảnh: Nhóm nghiên cứu)
Công nghệ của người Việt
PGS. TS. Nguyễn Đình Quân cho biết, Deep Signature là một hệ thống bao gồm máy chủ backend xử lý dữ liệu cũng như thực hiện các lệnh mã hóa, và 2 phần mềm frontend trên điện thoại cầm tay (với 2 phiên bản dành cho hệ điều hành Android và iOS). Hệ thống này liên kết với một mạng blockchain phi tập trung cao để đảm bảo tính bảo mật và an toàn. Theo nguyên tắc vận hành, máy chủ backend thực thi xử lý dữ liệu nhận được từ hai phần mềm di động frontend (app).
Thứ nhất là app dành cho nhà sản xuất (Producer App). App này giúp nhà sản xuất mã hóa hàng loạt các mã ID sản phẩm bằng ví blockchain của mình. Mỗi mã ID sẽ đại diện cho một món hàng được bán, bảo mật trong bao bì đựng mà chỉ có người tiêu dùng đầu tiên sở hữu món hàng lấy ra được để xác thực khi mở hàng.
Thứ hai là app dành cho người tiêu dùng (Consumer App), giúp người tiêu dùng xác nhận mã ID của sản phẩm là đúng do nhà sản xuất kích hoạt mã hóa, và mã đó chỉ có hiệu quả xác nhận một lần duy nhất khi sản phẩm được kiểm tra lần đầu. Nếu mã ID là không đúng là do nhà sản xuất đã kích hoạt mã hóa, món hàng chắc chắn là hàng giả. Nếu mã ID đúng nhưng đã được xác thực trước đó rồi, thì món hàng này hoặc đã bị can thiệp, đã qua sử dụng, hoặc là hàng giả copy lại mã ID của hàng thật.
PGS. TS. Nguyễn Đình Quân nhấn mạnh, các kết quả mã hóa và xác nhận dữ liệu đều được máy chủ backend xử lý và ghi lại trên blockchain. Do vậy, dữ liệu là không thể bị thay đổi và can thiệp, đảm bảo tính an toàn tuyệt đối và có tính ứng dụng không biên giới khi sử dụng các blockchain phi tập trung.
An ninh tuyệt đối
Theo PGS. TS Nguyễn Đình Quân, so với các giải pháp chống hàng giả hiện đang có mặt trên thị trường, ưu điểm của Deep Signature là tính an ninh tuyệt đối. Theo đó, cơ sở dữ liệu dạng chuỗi khối này được xem như không thể bị hack, không thể bị thay đổi, đảm bảo tính an ninh tuyệt đối cho các mã ID sản phẩm đã được mã hóa và lưu trữ. Trong khi đó, những giải pháp tương tự hiện nay đều sử dụng cơ sở dữ liệu tập trung truy cập trên một hoặc vài máy chủ, tiềm ẩn rủi ro về việc bị can thiệp, đồng thời tốn chi phí sao lưu, bảo trì hệ thống, hạn chế về truy cập, hạn chế về quy mô áp dụng, vân vân.
Bên cạnh đó, Deep Signature có khả năng ứng dụng rộng khắp mà không cần quy trình đăng ký phức tạp vì bản thân dữ liệu trên blockchain luôn có tính duy nhất, không trùng lặp, không thay đổi.
Ngoài ra, Deep Signature sử dụng cơ chế “xác thực một lần” loại bỏ khả năng mã ID sản phẩm thực lại bị copy và in lại trên các sản phẩm giả mà các giải pháp khác, dù có cao cấp đến đâu, cũng có thể bị sao chép.
Đáng chú ý, thuật toán của Deep Signature có thể ứng dụng cho bất kỳ blockchain nào. Hiện nay Deep Signature thử nghiệm sử dụng blockchain Deep Onion vì chi phí rất thấp nhưng sẵn có mạng lưới cộng đồng hàng ngàn node và tốc độ giao dịch mạng lưới cao (240 tps so với 7 tps của Bitcoin). Do đó, không gian tiềm năng đầu tư phát triển của dự án là rất lớn.
Đặc biệt, theo PGS. TS Nguyễn Đình Quân, thuật toán xác thực dữ liệu mã hóa của Deep Onion không chỉ có thể ứng dụng trong lĩnh vực chống hàng giả, mà còn có thể dùng để phát triển các ứng dụng khác trong tương lai như chữ ký điện tử blockchain, văn bằng chứng nhận, hộ chiếu, xác nhận y tế, các loại vé kiểm soát sử dụng 1 lần (bãi giữ xe, rạp chiếu phim, vé máy bay, tàu lửa,...).
Bích Phương

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 2
  • 5
  • 7
  • 4
  • 9
  • 4