Thứ sáu, 29/03/2024 | 04:03 - GMT+7

ĐH Bách Khoa TP. HCM chế tạo găng tay robot hỗ trợ người bị đột quỵ

Vừa qua, nhóm sinh viên Đỗ Đức Thiện, Lê Bá Du, Võ Đình Thái, khoa Cơ Khí, Đại học Bách khoa TP. HCM đã chế tạo thành công găng tay robot giúp người bị đột quỵ cầm nắm đồ vật, phục hồi cử động tay.

04/04/2022 - 11:05
Bằng niềm đam mê nghiên cứu khoa học và nhận thấy những khó khăn của người bị đột quỵ khi phục hồi chức năng, sinh viên Đỗ Đức Thiện, Lê Bá Du, Võ Đình Thái đã tìm hiểu, chế tạo ra găng tay robot giúp cử động tay, góp phần giúp các bệnh nhân nhanh chóng hồi phục. Sau hơn 6 tháng thực hiện, sản phẩm do nhóm nghiên cứu chế tạo hiện đang được đưa vào thử nghiệm.
Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, chất liệu làm găng tay robot là các vật liệu mềm và cơ cấu kẹp linh hoạt, có thể lấy các vật nhưng không làm biến dạng vật. Dựa trên các nguyên tắc vật lý, nhóm đã phát triển cơ chế cử động của găng tay theo nguyên lý khí nén.
Theo đó, găng tay được pha trộn bởi hai dung dịch cao su lỏng để đảm bảo tính linh hoạt, đàn hồi của găng tay. Hỗn hợp sau đó được đổ vào khuôn và đông đặc sau 8 giờ ở nhiệt độ phòng. Các ngón tay được kết nối và đưa vào găng tay vải nhằm cố định, tạo tính liên kết, giúp dễ dàng sử dụng. Kích thước tổng thể của ngón tay mềm gần giống ngón tay của người trưởng thành, mặt trước được tạo vân để tăng độ ma sát.
Phía khuỷu tay được gắn cảm biến EMG, có nhiệm vụ đọc tín hiệu từ cơ tay và truyền đến các ngón tay mềm thông qua dây dẫn. Khi nhận tín hiệu, găng tay được tự động bơm khí làm cong các ngón tay mềm. Lúc này, ngón tay người cũng cử động theo khiến họ có thể cầm nắm đồ vật. Khi muốn thả đồ vật, cảm biến nhận tín hiệu của cơ tay, truyền đến các ngón tay mềm để ngưng bơm và xả khí, giúp ngón tay trở về trạng thái ban đầu.
Găng tay robot sẽ cử động theo trạng thái căng cơ ở khuỷu tay người bị đột quỵ, giúp cử động ngón tay. (Ảnh: Nhóm nghiên cứu)
Chia sẻ về cơ chế hoạt động của găng tay, sinh viên Võ Đình Thái cho hay: "Cảm biến EMG có khả năng truyền tín hiệu gần như ngay lập tức theo trạng thái căng cơ ở khuỷu tay để cấp và xả khí, nên có thể hỗ trợ rất tốt trong việc kích thích các nhóm cơ trên các ngón tay, giúp họ phục hồi nhanh các cử động. Các phiên bản tiếp theo sẽ có thiết kế gọn hơn, tạo trải nghiệm tốt hơn cho người dùng. Do thời gian làm sản phẩm trong giai đoạn cao điểm Covid-19 nên nhóm chưa có điều kiện thử nghiệm trực tiếp trên các bệnh nhân đột quỵ”.
TS. Lê Hoài Phương – Giảng viên hướng dẫn trực tiếp nhóm nghiên cứu cho rằng, các nghiên cứu về găng tay robot mềm trên thế giới đã có khá nhiều. Tuy nhiên, nghiên cứu này của các bạn sinh viên đã phát triển theo một hướng đi mới, mang tính ứng dụng cao cho người bị đột quỵ. Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng hi vọng sản phẩm sẽ sớm được sản xuất đại trà, giúp tiết kiệm chi phí, giá thành sản phẩm khi mua găng tay.
Dựa trên những nỗ lực của nhóm, nghiên cứu chế tạo găng tay hỗ trợ người đột quỵ đã được đăng trên Tạp chí IEEE Xplore của Hiệp hội Kỹ sư điện quốc tế. "Đây là cơ sở để chúng tôi hợp tác với các đại học về y khoa, bệnh viện để thực hiện trực tiếp trên bệnh nhân, xây dựng dữ liệu đánh giá mức độ hỗ trợ người bệnh để có thể ứng dụng thực tế một cách phổ biến" - TS. Phương nhấn mạnh.
Nhật Minh

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 0
  • 0
  • 4
  • 9
  • 0
  • 0